TPHCM không khinh suất

21/02/2020 - 06:58

PNO - Nhìn từ một kiến nghị, rộng ra là những khu bệnh viện dã chiến đã và đang tiếp tục được dựng lên, vận hành cũng như nhiều hoạt động “phòng dịch ngay trong nguy cơ” trên khắp các "mặt trận" tại TPHCM, để thấy, sự an toàn sức khỏe do chính mỗi chúng ta nắm lấy, giữ lấy, không phán đoán mơ hồ, chắp vá; càng không phán xét hồ đồ, thiếu trách nhiệm với an toàn của cộng đồng.

Ngày 20/2, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã gửi kiến nghị lên Chính phủ và hai Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội về việc kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên, học viên đến hết tháng Ba và điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020. Công văn có đoạn: “Trước tình hình diễn biến phức tạp khó lường của dịch bệnh COVID -19, trong đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ và chưa có dấu hiệu ổn định trong thời gian ngắn sắp tới, với tinh thần đảm bảo sự an toàn và sức khỏe cho học sinh luôn phải được đặt lên hàng đầu và nhằm giúp các địa phương, đơn vị, cơ sở giáo dục chủ động trong việc xây dựng, triển khai đồng bộ kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020, chuẩn bị cho năm học 2020-2021 của cả nước; giúp cho học sinh và phụ huynh an tâm, chủ động sắp xếp công việc, sinh hoạt, học tập của gia đình và cá nhân…”. 

Đó là một kiến nghị đúng và cần thiết. Trước hết, nó cho thấy tinh thần không chủ quan, khinh suất trước diễn biến dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Là dịch bệnh truyền nhiễm, và nhất là đến thời điểm này, dù Việt Nam đã điều trị thành công cho 15/16 ca dương tính với COVID-19 thì vẫn là phác đồ theo triệu chứng. Sự hiểu biết về chủng virus corona mới hầu như vẫn còn ở giai đoạn… thăm dò, mô tả. Hoặc ngay cả những đột phá tìm tòi mới nhất (mà các nhà khoa học Mỹ vừa công bố trên tạp chí Science ngày 19/2) thì đang trong… ống nghiệm, từ đó để “cấy” các kháng nguyên tiềm năng vào cơ thể sống, quan sát chuỗi đáp ứng miễn dịch thực sự như thế nào vẫn còn ở thì tương lai. 

Đội ngũ y tế vẫn ứng trực với tinh thần chuẩn bị cao nhất
Bệnh viện Dã chiến TPHCM sẵn sàng chống dịch bệnh 

Sáng 20/2, giữa tin vui xuất viện của bệnh nhi 3 tháng tuổi từng dương tính với COVID-19, Phó giáo sư - tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế vẫn khuyến cáo: “Tình hình dịch thế giới vẫn căng thẳng, nhiều quốc gia có người tử vong, tới đây công nhân Trung Quốc sẽ quay lại Việt Nam làm việc rất đông. Chúng tôi vẫn ứng trực với tinh thần chuẩn bị cao nhất”. 

Cách ly là nguyên tắc số 1 trong công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm. Việc tự “cách ly” một số lượng lớn học sinh, sinh viên, học viên tại gia đình, là hạn chế tối đa điều kiện và khả năng lây nhiễm nếu một khi guồng máy kiểm soát có sơ hở, sai lỗi. Nhìn thấy trước những hệ quả không tránh khỏi trên cơ sở các chỉ dấu nguyên nhân, khả năng có thể xảy ra, ập đến, (cho dù “hàng rào kỹ thuật” phòng vệ đã được thiết lập, vận hành), để ra một quyết định an toàn nhất cho cộng đồng, kiểm soát được khả năng ứng phó nếu có rủi ro, đó là sự lựa chọn tối ưu trong quản trị điều hành. 

Hơn nữa, từ chức trách chỉ đạo, quản lý, điều hành kiểm soát công tác phòng chống dịch bệnh của chính quyền đến trách nhiệm hợp tác, đồng thuận, tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế của người dân, trong đó có lực lượng giáo viên, phụ huynh và chính “người trong cuộc” học sinh, sinh viên, học viên là điều kiện sống còn, cho bất cứ ai muốn an toàn đi qua cơn thảm họa. 

Vì vậy, nhìn từ một kiến nghị, rộng ra là những khu bệnh viện dã chiến đã và đang tiếp tục được dựng lên, vận hành cũng như nhiều hoạt động “phòng dịch ngay trong nguy cơ” trên khắp các "mặt trận" tại TPHCM, để thấy, sự an toàn sức khỏe do chính mỗi chúng ta nắm lấy, giữ lấy, không phán đoán mơ hồ, chắp vá; càng không phán xét hồ đồ, thiếu trách nhiệm với an toàn của cộng đồng. 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI