TPHCM "không ép" địa phương tổ chức kiểm tra định kỳ theo đề chung

01/01/2023 - 20:49

PNO - Sở GD-ĐT TPHCM trao quyền lựa chọn phương thức kiểm tra đánh giá định kỳ học sinh THCS cho từng quận, huyện, không bắt buộc phải tổ chức kiểm tra tập trung.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc thông tin, Sở GD-ĐT TPHCM trao quyền chủ động cho các quận, huyện trong việc lựa chọn hình thức kiểm tra định kỳ đối với các trường THCS.

Cụ thể, địa phương có thể lựa chọn các phương thức sau: Phòng GD-ĐT hướng dẫn yêu cầu, cách thức kiểm tra, thời điểm kiểm tra và quản lý được yêu cầu kiểm tra theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; không nặng nề ghi nhớ, kiểm tra yêu cầu quá nhiều về ghi nhớ kiến thức. Hoặc Phòng GD-ĐT hướng dẫn, giám sát kiểm tra, đánh giá của các trường trên địa bàn; Các trường được chủ động tổ chức kiểm tra nhưng vẫn bám sát định hướng tuyển sinh lớp 10.

Như vậy, địa phương được quyền tự chủ chọn hình thức kiểm tra phù hợp với bậc THCS, Sở GD-ĐT không quy định các địa phương phải tổ chức theo hình thức tập trung.

Sở GD-ĐT TPHCM trao quyền chủ động lựa chọn phương thức kiểm tra định kỳ học sinh THCS cho từng quận, huyện
Sở GD-ĐT TPHCM trao quyền chủ động lựa chọn phương thức kiểm tra định kỳ học sinh THCS cho từng quận, huyện

Ông Lê Duy Tân- Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết thêm, việc lựa chọn hình thức kiểm tra đánh giá nào, kiểm tra theo đề chung hay theo từng trường là do các địa phương quyết định dựa trên đặc thù năng lực học sinh từng quận, huyện, hướng tới việc đánh giá năng lực học sinh, đánh giá vì sự tiến bộ của người học.

"Kiểm tra đánh giá là công cụ của người thầy, của nhà trường, công cụ của ngành giáo dục. Việc sử dụng cách thức kiểm tra như thế nào phụ thuộc vào đối tượng học sinh thích hợp. Tùy theo mức độ đồng đều của việc tổ chức dạy học, các địa phương sẽ lựa chọn hình thức kiểm tra phù hợp, theo mục tiêu đánh giá của địa phương, đơn vị trường học. Ở đây còn phụ thuộc vào cách ra đề nữa, chứ không hẳn phụ thuộc vào phương thức tổ chức kiểm tra đánh giá"- ông Tân phân tích.

"Còn ra đề chung, còn học tủ, học vẹt"

Hiệu trưởng hệ thống một trường tư thục TPHCM khẳng định, còn ra đề kiểm tra chung thì còn tình trạng học tủ, học vẹt... Mặt bằng năng lực học sinh mỗi trường trong cùng một địa phương sẽ là khác nhau, việc ra đề chung khiến thầy, trò áp lực, phải cố gắng ôn tập, thậm chí đoán đề, học tủ, dò bài, sưu tầm tài liệu, làm đi làm lại, làm mất đi ý nghĩa của dạy học phát triển năng lực.

"Cái "lợi" duy nhất của kiểm tra đề chung đó là cào bằng. Trên thực tế, nhiều quận, huyện ra đề rất cũ kỹ, bao nhiêu năm cũng chừng đó câu hỏi. Lớp 8 bao giờ cũng là thuyết minh cái bút bi, khăn quàng, cái đồng hồ..., như vậy học tủ là đương nhiên. Toán thì cũng chừng đó dạng, lặp đi lặp lại trong suốt nhiều năm. Trong khi đó, yêu cầu của đổi mới là đa dạng cách đánh giá, có thể qua sản phẩm, dự án, đề mở..., việc kiểm tra đề chung, theo cùng một thời gian kiểm tra trong toàn quận, huyện sẽ gây khó cho các trường trong đổi mới đánh giá"- hiệu trưởng này phân tích.

Theo ông, trong bối cảnh đổi mới giáo dục cần trao quyền cho các cơ sở giáo dục sáng tạo nhiều hơn, không nên "gọt chân cho vừa giày". Các trường có chiến lược, lộ trình, phòng/sở quản lý ở tầm vĩ mô, có hoạt động nhằm nâng cao chuyên môn, giao lưu, chia sẻ, tập huấn hiệu quả.

Kiểm tra định kỳ nên để các trường tự lựa chọn hình thức, có trách nhiệm và cam kết. Khi trao quyền tự chủ cho các trường trong việc kiểm tra định kỳ thì cần có kiểm tra chất lượng ra đề, đáp án. Việc thi giáo viên giỏi cũng cần lồng ghép thêm việc ra đề kiểm tra, đáp án để đánh giá toàn diện giáo viên...

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI