“TPHCM không chỉ cần cơ chế đặc thù mà phải đặc biệt, không chỉ vượt trội mà phải vượt trước”

08/06/2023 - 16:34

PNO - ĐBQH Dương Khắc Mai cho rằng, là đô thị đặc biệt, TPHCM không chỉ cần cơ chế đặc thù mà phải đặc biệt, không chỉ vượt trội mà phải vượt trước.

 

ĐBQH Dương Khắc Mai khẳng định, TPHCM là đô thị đặc biệt nên cần cơ chế đặc biệt, vượt trước để
Các đại biểu Quốc hội khẳng định, TPHCM là đô thị đặc biệt nên cần cơ chế đặc biệt, vượt trước hoàn thành nhiệm vụ "đầu tàu". (Ảnh minh hoạ)

Để "hòn ngọc Viễn Đông" mãi tỏa sáng

Chiều 8/6, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Tán thành với sự cần thiết của dự thảo, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) quan tâm đến quy định các cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực cho Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC).

Theo dự thảo, TPHCM được tăng vốn điều lệ từ nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc thành phố, từ nguồn lợi nhuận còn lại của HFIC sau khi trích lập các quỹ. Thành phố được bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triến kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên, đại biểu (ĐB) cho rằng, quy định như trên là chưa đủ. Công ty HFIC với vai trò cho vay, thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong khi đó, nhu cầu thuộc lĩnh vực thuộc ưu tiên lớn, ví như phát triển đường sắt đô thị, nên cần cơ chế tài chính, nguồn tài chính đặc thù cho HFIC. Theo ĐB Dương Khắc Mai, nên ưu tiên đầu tư cho 1 số công trình, dự án cụ thể như đường sắt đô thị để giải quyết ùn tắc giao thông hiện nay.

Dự thảo Nghị quyết đề xuất cho phép thành phố thực hiện thí điểm BOT với các công trình đường bộ hiện hữu. Hiện Luật Đầu tư quy định không được thực hiện BOT trên những tuyến đường hiện hữu, không thu phí trực tiếp từ người sử dụng đối với các dự án đầu tư, cải tạo các công trình sẵn có.

Về chủ trương, ĐBQH tán thành chính sách này để phát triển công trình đường bộ của thành phố. Tuy nhiên, ông đề nghị có quy định chặt chẽ trong dự thảo này về điều kiện để triển khai các dự án BOT, đường bộ trên địa bàn thành phố, bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, nhất là người dân sống gần khu vực BOT, tránh phát sinh khiếu kiện phức tạp...

Ông cũng đồng tình với việc quy định có ưu đãi vốn với nhà đầu tư chiến lược, thu hút đầu tư. Tuy nhiên, với việc được hỗ trợ một phần chi phí của dự án từ nguồn chi từ ngân sách của thành phố. Trong đó, tiêu chí hỗ trợ, nội dung, hình thức do thành phố quyết định, theo ĐB là chưa rõ ràng, cần quy định cụ thể hơn và có đánh giá tác động chi tiết.

ĐB nhấn mạnh: “TPHCM là đô thị đặc biệt. Với vị trí và tính chất như vậy, tôi thiết nghĩ, không chỉ là cơ chế đặc thù mà phải có cơ chế đặc biệt, không chỉ vượt trội mà vượt trước để thành phố thực sự là đầu tàu đa chức năng đảm nhiệm vai trò dẫn dắt, tìm hướng đi mới, là trung tâm thực hành thực nghiệm những vấn đề mới trong thực tiễn”, ĐBQH nói.

Với Nghị quyết lần này, khi Quốc hội thông qua, ĐBQH Dương Khắc Mai tin tưởng TPHCM sẽ sớm hiện thực hóa một cách hiệu quả, sinh động chủ trương của Đảng, Quốc hội vào thực tiễn cuộc sống, để “hòn ngọc Viễn Đông mãi tỏa sáng với các sắc màu tươi mới, ngày càng rực rỡ hơn”.

Mô hình TOD - giải pháp bền vững, đột phá

DDBQH Huỳnh Thanh Phương thống nhất cao với chính sách thí điểm về mô hình TOD để

ĐBQH Huỳnh Thanh Phương thống nhất cao với chính sách thí điểm về mô hình TOD để tạo động lực phát triển giao thông, kinh tế TPHCM

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) bày tỏ sự thống nhất cao với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết  mới để TPHCM phát triển xứng tầm.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội có nội dung về thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), trong đó hệ thống đường sắt đô thị đóng vai trò chủ lực. ĐB Huỳnh Thanh Phương cho rằng, đây là một giải pháp căn cơ và bền vững, mang tính đột phá.

Nếu triển khai được mô hình TOD, theo ĐBQH có thể tổ chức lại không gian đô thị, hình thành các khu đô thị nén mật độ cao xung quanh các nhà ga. TOD giúp việc tiếp cận đến các nhà ga một cách thuận tiện, dễ dàng, giúp tăng số lượng người dân sử dụng giao thông công cộng, từ đó giảm phương tiện giao thông cá nhân, và góp phần giảm ùn tắc giao thông, hạn chế khí thải ra môi trường.

Quy hoạch theo TOD là cơ sở quan trọng để tạo ra nguồn lực tài chính để đầu tư trở lại cho công tác xây dựng và vận hành các tuyến đường sắt đô thị thông qua việc gia tăng giá trị các diện tích đất xung quanh các nhà ga.

“Phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là cơ chế, chính sách đặc thù có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển của thành phố và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước, trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để tập trung phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước giải quyết các thách thức trong giai đoạn phát triển mới”, ĐB khẳng định tính cần thiết và cấp bách để tạo động lực phát triển hệ thống giao thông đường sắt đô thị nói riêng và kinh tế thành phố nói chung.

Minh Quang

 
TIN MỚI