TPHCM không bắn pháo hoa vào tết Dương lịch 2022

23/12/2021 - 17:51

PNO - Do tình hình dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp, TPHCM sẽ không tổ chức bắn pháo hoa dịp tết Dương lịch 2022.

 

TPHCM không bắn pháo hoa Tết Dương lịch 2022
TPHCM không bắn pháo hoa tết Dương lịch 2022

Chiều 23/12, tại cuộc họp thông tin về phòng, chống dịch bệnh, ông Phạm Đức Hải - Phó Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tại TPHCM cho biết, ngày 20/12, UBND TP đã ban hành kế hoạch số 4314 về việc tổ chức các hoạt động đón chào năm mới 2022 (kế hoạch triển khai đối với tết Dương lịch).

Theo đó, để chào đón năm mới, TPHCM có nhiều hoạt động dự kiến sẽ được tổ chức, cụ thể chương trình đếm ngược tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TPHCM). Tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại 8 quận là quận 12, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi huyện Nhà Bè, Cần Giờ.

Bên cạnh đó, Thành đoàn TPHCM cũng tổ chức các hoạt động biểu diễn văn nghệ chào năm mới tại Nhà văn hóa Thanh niên, các trường đại học, cao đẳng... Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng tổ chức chào đón năm mới tại nơi làm việc.

Về thể dục thể thao, TPHCM tổ chức các giải chạy marathon, biểu diễn thể thao võ thuật và các bài tập biểu diễn nâng cao sức khỏe, đua xe đạp trên đường Mai Chí Thọ đón chào năm mới...

"Căn cứ vào kế hoạch 4314, đặc biệt căn cứ vào tình hình dịch COVID-19, các đơn vị tổ chức sẽ có thể quyết định giảm quy mô hoặc tạm dừng tổ chức sự kiện để phù hợp với cấp độ dịch. Do tình hình COVID-19 còn khá phức tạp nên TPHCM sẽ không tổ chức bắn pháo hoa", ông Hải nói thêm.

Theo ông Hải, hiện nay các ca mắc mới ở địa bàn TPHCM trên dưới 1.000 ca/ngày, số lượng tử vong từ 40-50 ca/ngày. Sau 15 ngày thực hiện bảo vệ người nguy cơ cao, tính đến 22/12, TPHCM đã lập danh sách 584.403 người. Trong đó 41.379 người tiêm 1 mũi (tỷ lệ 7,1%), 518.304 người được tiêm 2 mũi (chiếm 88,7%), còn lại là những người chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

TPHCM tiến hành 2 đợt xét nghiệm với tổng số lượt xét nghiệm là 737.753 lượt. Trong đó kết quả âm tính gồm 733.835 lượt (chiếm 99,47%), kết quả dương tính là 3.918 lượt. "Tôi yêu cầu người thuộc nhóm nguy cơ cao và bị dương tính, dù triệu chứng nhẹ cũng phải nhận và sử dụng gói thuốc C", ông Hải nhắc nhở.

Về tiêm vắc xin ngừa COVID-19 trên địa bàn TPHCM, ông Hải thông tin, việc tiêm vắc xin cho nhóm nguy cơ cao còn chậm, đề nghị ngành Y tế tăng tốc hơn nữa. 

Ông Hải khẳng định: "Những ngày gần đây số ca tử vong do COVID-19 đã giảm. Đến ngày 22/12 có 44 người bệnh tử vong. Số người nhập viện thấp hơn số người xuất viện liên tục trong 5 ngày từ 18/12 đến ngày 22/12. Đây chính là một trong những thành công của chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ".

Trước vấn đề TPHCM có thiếu oxy lỏng hay không, ông Hải cho biết, trong đợt cao điểm của dịch bệnh (tháng 7, 8, 9) TP sử dụng khoảng 380 tấn oxy lỏng/ngày. Hiện nay, TP đang sử dụng 170 tấn oxy lỏng/ngày, nhưng trước số ca mắc và người bệnh cần sử dụng máy thở còn nhiều như hiện nay, TPHCM dự báo cần 350 tấn oxy lỏng/ngày.

Nếu trước đây, có 11 đơn vị cung cấp oxy lỏng cho TP thì sau khi thực hiện theo Nghị quyết 128, Chỉ thị 18 trong phòng, chống dịch, ở giai đoạn phục hồi kinh tế, hiện TP chỉ còn 5 đơn vị cung cấp oxy lỏng cho bệnh viện, còn lại các đơn vị chuyển qua sản xuất oxy công nghiệp. Do vậy UBND TP đã có văn bản kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo Bộ Công thương điều phối giữa sản xuất oxy công nghiệp và oxy lỏng để đáp ứng nhu cầu trong phòng, chống dịch.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI