TPHCM khẩn trương tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 4.500 phòng học

10/04/2025 - 13:16

PNO - Ban Văn hóa xã hội - Hội đồng nhân dân TPHCM làm việc với các quận, huyện, tìm cách đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án xây dựng 4.500 phòng học.

Sáng 10/4, Ban Văn hóa xã hội - Hội đồng nhân dân TPHCM đã có buổi làm việc, giám sát với các sở, ban ngành cùng đại diện UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức, về việc tổ chức thực hiện Đề án xây dựng 4.500 phòng học chào mừng Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Ban Văn hóa xã hội - Hội đồng nhân dân TPHCM - cho biết, đến trước ngày 30/4, sẽ có 900 phòng học được đưa vào sử dụng, và đến cuối năm 2025, toàn thành phố có thêm 2.000 phòng học mới đưa vào sử dụng, trong đó có 1.200 phòng học từ vốn đầu tư công, và 800 phòng học từ nguồn xã hội hóa.

Tuy nhiên, khi thực hiện Đề án xây dựng 4.500 phòng học, trong tổng số 276 dự án thì 142 dự án đã được thông qua chủ trương đầu tư, và có tới 134 dự án còn vướng mắc.

Trong quá trình thực hiện, nhiều dự án gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhiều dự án hiện chuyển từ giai đoạn trung hạn (2021-2025) sang giai đoạn dài hạn (2026-2030). Do vậy, Đề án khó thực hiện được mục tiêu ban đầu là đạt 4.500 phòng học nhằm chào mừng Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Để đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ các vướng mắc, tại buổi làm việc, Ban Văn hóa xã hội giám sát trực tiếp 10 dự án điển hình thuộc Đề án 4.500 phòng học đang gặp vướng mắc. 10 dự án này tập trung ở nhiều địa phương như: TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh và các quận: 6, 7, 10, 12…

Theo chia sẻ của đại diện các quận, huyện, nhiều dự án vướng khó khăn trong việc giải tỏa mặt bằng, hoặc chưa thể triển khai xây dựng do vướng quy định, cũng có dự án đề xuất chuyển từ giai đoạn trung hạn (2021-2025) sang giai đoạn dài hạn (2026-2030) do chưa thể triển khai xây dựng.

Ví dụ, Trường mầm non xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh) dù được quy hoạch với vốn đầu tư xây dựng 120 tỉ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa được khu dân cư bàn giao đất, pháp lý dự án chưa được thông qua.

Trường tiểu học Thới An (quận 12) triển khai thi công từ năm 2022, đến nay công trình cơ bản đã xong với 20 phòng học và đã được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, một phần đất của dự án (khu vực nhà thi đấu đa năng) của trường vẫn chưa giải tỏa được do vướng một hộ dân đang sinh sống.

Học sinh vui chơi tại Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ (quận Bình Tân) - một trong những trường học thuộc Đề án 4.500 phòng học - Ảnh: Nguyễn Loan
Học sinh vui chơi tại Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ (quận Bình Tân) - một trong những trường học thuộc Đề án 4.500 phòng học - Ảnh: Nguyễn Loan

Còn Trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh (quận 10) cũng được quy hoạch xây mới. Tuy nhiên, khi xây các công trình, trường học phải thực hiện theo Thông tư 23 (Thông tư số 23/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học) quy định về diện tích xây dựng trường học.

Do đó, nếu xây mới, số phòng học sẽ giảm mạnh từ 20 phòng xuống còn 6-7 phòng học. Điều này làm giảm quy mô trường học, nên thay vì xây mới, UBND quận 10 đề xuất chuyển dự án từ xây mới sang sửa chữa, và bắt đầu thực hiện từ năm 2026…

3/4 dự án của TP Thủ Đức cũng không có tính khả thi thực hiện trong năm 2025, có dự án đến nay vẫn chưa thông qua chủ trương đầu tư.

Ghi nhận báo cáo của các địa phương, ông Cao Thanh Bình phê bình trực tiếp khi nhiều địa phương đưa cả những dự án chưa có tính pháp lý rõ ràng, chưa được quy hoạch cụ thể và không có tính khả quan vào Đề án 4.500 phòng học.

Ông đề nghị Sở GD-ĐT phối hợp Sở Tài chính TPHCM rà soát lại danh mục các dự án để nắm được bao nhiêu dự án thực hiện được trong năm 2025, và bao nhiêu dự án không thể thực hiện được để báo cáo lại. Đồng thời, làm việc với các địa phương để biết các địa phương có làm được hay không, hoặc phải điều chỉnh lại thời gian thực hiện.

Kiến nghị Sở Tài chính, khi có hồ sơ của các dự án thì cần sớm trình UBND TPHCM thẩm định, phê duyệt để bảo đảm nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ dự án. Riêng những dự án nằm trong khu dân cư, nếu có tính khả thi mở rộng thì mới mở rộng, còn nếu nằm trong khu dân cư đông dân thì phải tính toán phương án khác, bảo đảm vấn đề an cư của người dân.

“Dự án nào có tính khả thi thì chúng ta cần phải xác định quyết liệt và thực hiện luôn. Dự án nào còn vướng, thì các quận huyện phải xác định rõ vướng ở đâu, và có báo cáo ngay để tìm cách tháo gỡ hoặc có những điều chỉnh phù hợp. Còn những dự án không thể nào thực hiện kịp nên xác định lại, đưa vào giai đoạn dài hạn hoặc không đưa vào Đề án 4.500 phòng học nữa. Phải quyết liệt như vậy, chúng ta mới đẩy nhanh được tiến độ” - ông Bình chỉ đạo.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI