TPHCM: Khẩn cấp “cứu” di tích đình Tân Qui Đông, Lò gốm Hưng Lợi

04/10/2022 - 19:42

PNO - Di tích đình Tân Qui Đông (quận 7) và di tích Lò gốm Hưng Lợi (quận 8) đều đang xuống cấp trầm trọng, nhiều hạng mục hư hỏng, nguy cơ sụp đổ...

Sau buổi làm việc, kiểm tra thực địa di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố đình Tân Qui Đông (quận 7) và di tích khảo cổ học quốc gia Lò gốm Hưng Lợi (quận 8), Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đưa ra nhiều kết luận đáng chú ý.

Theo đó, trong văn bản số 676 thông báo kết luận tại buổi làm việc, kiểm tra thực địa Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố đình Tân Qui Đông (quận 7), ông Dương Anh Đức kết luận: “Qua quan sát, kiểm tra thực địa hiện trạng di tích đình Tân Qui Đông đang xuống cấp rất nghiêm trọng, nhiều hạng mục hư hỏng nặng, có khả năng sụp đổ, gây nguy hiểm. Do đó, cần khẩn trương thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo để bảo vệ di tích và an toàn cho người dân”.

Di tích đình Tân Qui Đông
Di tích đình Tân Qui Đông trên website của quận 8

Cụ thể, UBND giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KH-ĐT) chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao (Sở VH-TT), UBND quận 7 và đơn vị có liên quan khẩn trương tham mưu việc bố trí vốn tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc đình Tân Qui Đông. Trong văn bản nhấn mạnh phải ưu tiên bố trí vốn cho công trình di tích đang xuống cấp rất nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ, gây nguy hiểm.

UBND yêu cầu các đơn vị được giao khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Tân Qui Đông thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo về thời gian - khởi công và hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo di tích trong năm 2023.

Ở di tích đình Tân qui Đông, UBND yêu cầu trong thời gian thực hiện các thủ tục để bố trí vốn, các đơn vị phải thường xuyên kiểm tra và gia cố các hạng mục có nguy cơ cao, không để xảy ra tình trạng sụp đổ di tích; đồng thời nghiên cứu thêm các nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện thêm một số hạng mục như cầu dẫn, cải tạo cảnh quan xung quanh... nhằm phát huy tối đa giá trị di tích và phục vụ các hoạt động tham quan, tín ngưỡng của người dân.

Lò gốm Hưng Lợi (TP.HCM) - di tích khảo cổ học quốc gia trở thành “phế tích”
Lò gốm Hưng Lợi từ di tích khảo cổ học quốc gia, giờ đây gần như trở thành “phế tích” khi không được tu bổ, tôn tạo

Bên cạnh di tích đình Tân Qui Đông, Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cũng kiểm tra thực địa di tích khảo cổ học quốc gia Lò gốm Hưng Lợi, quận 8. Ông Dương Anh Đức kết luận trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ di tích Lò gốm Hưng Lợi chưa đảm bảo theo quy định của Luật Di sản văn hóa, di tích bị xuống cấp, chưa được trùng tu, tôn tạo kịp thời và bị xâm hại, lấn chiếm.

Để khắc phục hiện trạng, UBND thành phố giao UBND quận 8, UBND phường 16, quận 8 thực hiện nghiêm công tác quản lý, tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ, giữ gìn di tích, tuyệt đối không để xảy ra việc xâm hại, huỷ hoại, lấn chiếm di tích; phối hợp Sở Tài chính bố trí vốn thực hiện công tác bảo vệ khẩn cấp di tích (xây dựng cổng, hàng rào, camera giám sát); chỉ đạo Công an quận 8 khẩn trương xử lý hành vi xâm hại di tích của bà Nguyễn Thị Phương; báo cáo đầy đủ hiện trạng di tích, số lượng công trình, số hộ dân, trình trạng pháp lý các công trình xây dựng trong khu bảo vệ di tích hiện hữu và nêu nguyên nhân, đề xuất hướng xử lý gửi Sở VH-TT tổng hợp, báo cáo UBND.

UBND thành phố giao Sở VH-TT khẩn trương xây dựng đề án quản lý di tích khảo cổ học quốc gia Lò gốm Hưng Lợi, tham mưu trình UBND thành phố xem xét, giải quyết từng nội dung theo đúng thẩm quyền.

Uỷ ban cũng giao Sở KH-ĐT phối hợp Sở VH-TT xác định mức độ ưu tiên, tham mưu đề xuất bố trí vốn tu bổ, phục hồi di tích Lò gốm Hưng Lợi.

TPHCM nỗ lực mỗi năm xếp hạng được 5 di tích

Chiều 4/10, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM thực hiện giám sát đối với Sở Văn hóa và Thể thao về thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-HĐND ngày 8/12/2019 của HĐND TPHCM nhằm bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị thành phố.

Ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM - chủ trì buổi giám sát chiều 4/10 tại Sở Văn hóa và Thể thao. Ảnh: Quốc Ngọc
Ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM - chủ trì buổi giám sát tại Sở VH-TT - Ảnh: Quốc Ngọc

Thực hiện quy định Luật Di sản văn hóa, Sở VH-TT cho biết đã phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan tổ chức khảo sát các công trình, địa điểm có giá trị lịch sử - văn hóa trên địa bàn để tổng hợp, tham mưu UBND thành phố xem xét ban hành Danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh giai đoạn 2021-2025 (với khoảng 130 công trình, địa điểm).

Tính đến hết tháng 7/2022, thành phố có 185 di tích được xếp hạng. Công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích đang đẩy nhanh với kế hoạch hàng năm xếp hạng được 5 di tích.

Từ năm 2020 đến nay, thành phố đã xếp hạng di tích trụ sở UBND thành phố, đình Linh Đông, đình Thái Bình, đình Bình Trị Đông, đình Tân Thới, chùa Từ Quang, Khu tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hy sinh tại vùng bưng Láng Sấu…

Với các công trình như Bưu điện Thành phố, chùa Chantarangsay, chợ Bến Thành, chợ Tân Định... sở vẫn đang trong giai đoạn phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn chỉnh hồ sơ xếp hạng di tích.

Đặc biệt, sở đang hướng dẫn Ban Quản lý Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi lập hồ sơ di tích địa đạo Củ Chi đệ trình UNESCO ghi vào danh mục di sản thế giới.

Sở đề xuất sửa đổi Luật Di sản văn hóa để phù hợp hơn với tình hình thực tế hiện nay của thành phố. Đồng thời kiến nghị xem xét ban hành đơn giá áp dụng riêng đối với các dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục chế di tích cũng như quy chuẩn về nguyên, vật liệu thực hiện trong tu bổ, tôn tạo di tích.

Sở đề nghị thành phố cần quan tâm bố trí nguồn vốn cho tu bổ, phục hồi di tích, do hiện nay nhiều di tích đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được bố trí vốn để thực hiện. Đồng thời, xem xét bố trí nguồn ngân sách hàng năm để tu sửa cấp thiết khoảng 5 di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ, kinh phí khoảng 1 tỷ đồng/di tích.

Ngoài ra, sở cũng kiến nghị xem xét bổ sung quy định chế độ hỗ trợ cho các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú và điều chỉnh mức quy định hỗ trợ đối với các nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Quốc Ngọc

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI