TPHCM: Huyện ngoại thành ngày càng… "hút" học sinh

14/05/2024 - 05:59

PNO - Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn là 3 huyện ngoại thành tại TPHCM đang ngày càng “hút” học sinh các địa phương khác đến học tập.

Thống kê về công tác tuyển sinh đầu cấp trong năm học 2023-2024 cho thấy, tại một số huyện ngoại thành trên địa bàn TPHCM, tỉ lệ học sinh nhập học thực tế lại vượt xa so với chỉ tiêu tuyển sinh ban đầu của địa phương.

Cụ thể, công tác tuyển sinh đầu cấp tại huyện Củ Chi năm học 2023- 2024 đạt 121,68% ở bậc mầm non; 119,04% ở bậc tiểu học và 101,25% bậc THCS.

Huyện Nhà Bè đạt 121,92% ở bậc mầm non; 116,42% ở bậc tiểu học và 101,91% bậc THCS.

Huyện Hóc Môn đạt 101,77% ở bậc mầm non; 101,85% bậc THCS.

Riêng quận 8, năm học 2023-2024, tuyển sinh bậc THCS cũng đạt 113,3%.

Học sinh Trường tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi) trong một giờ chơi
Học sinh Trường tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi) trong một giờ chơi

Trên thực tế, các huyện ngoại thành do tập trung số lượng lớn người lao động, đồng thời lại là địa phương tập trung các khu công nghiệp, do vậy thu hút một lượng lớn học sinh cư trú tại địa phương khác sang học tập theo cha mẹ đi làm.

Điều này đặt áp lực lớn cho các địa phương trong tuyển sinh đầu cấp khi không chỉ phải đảm bảo chỗ học cho con em trên địa bàn mà còn phải giải quyết chỗ học cho học sinh ở các địa phương khác sang học tập.

Tính nhiều giải pháp giúp học sinh “ngoài danh sách” có chỗ học

Năm học 2024-2025, đối với công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp mầm non, tiểu học, THCS, TPHCM lần đầu thống nhất áp dụng 1 tiêu chí chính là “nơi ở hiện tại” để phân bổ chỗ học cho học sinh, kết hợp bản đồ GIS giúp học sinh được học ở trường gần nhà. Công tác tuyển sinh thực hiện bằng hình thức trực tuyến, thống nhất trên cùng một hệ thống tuyển sinh trên toàn thành phố và chung khung thời gian tuyển sinh trong cả 2 đợt.

Đối với huyện Củ Chi, ông Nguyễn Huỳnh Long - Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện - cho biết, áp lực tuyển sinh trên địa bàn huyện tập trung chủ yếu tại 3 xã Trung An, Tân Phú Trung, Tân Thạnh Đông do đây là địa bàn có khu công nghiệp. Trong năm học trước, UBND huyện cho phép tuyển sinh ngoài danh sách nhằm tạo điều kiện cho phụ huynh đồng thời chia sẻ áp lực trường học tại địa bàn 3 xã này.

“Năm nay, chủ trương của huyện trong tuyển sinh đầu cấp vẫn là tạo điều kiện cho học sinh được học tập trên địa bàn huyện, nhằm tạo thuận lợi cho phụ huynh làm việc trên địa bàn. Điều kiện ưu tiên chỉ áp dụng trong trường hợp trường học sinh xin học ngoài danh sách theo kế hoạch quy định gần nhà hoặc gần cơ quan của cha mẹ để thuận tiện cho việc đưa đón học sinh…” - ông Long nói.

Tại quận 8, ông Dương Văn Dân - Trưởng phòng GD-ĐT quận - cho biết, từ thực tế mùa tuyển sinh trong năm học trước khi số học sinh lớp 6 có nhu cầu học tại quận cao hơn so với số chỉ tiêu ban đầu, năm nay quận đã tính đến phương án là nếu trong đợt 2 tuyển sinh, nhu cầu của phụ huynh học sinh tăng cao so với thực tế thì quận vẫn sẽ linh động giải quyết phân bổ chỗ học cho học sinh, tạo thuận lợi cho phụ huynh thế nhưng việc phân bổ chỗ học thì phải theo phân tuyến của phòng giáo dục. Song điều này có thể sẽ phá vỡ chuẩn về sĩ số học sinh, tăng sĩ số học sinh/lớp…

Các huyện ngoại thành đang ngày càng thu hút học sinh đến học
Các huyện ngoại thành đang ngày càng thu hút học sinh từ địa phương khác đến học

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, việc tuyển sinh đầu cấp theo một tiêu chí chính là “nơi ở hiện tại” không chỉ giúp học sinh được học ở gần nơi cư trú mà quan trọng nữa là bằng phương thức tuyển sinh này từng địa phương phải hướng đến tạo điều kiện để học sinh được học trường gần nhà, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục của từng quận, huyện…

“Muốn giữ chân được học sinh thì chính từng địa phương phải nâng cao chất lượng giáo dục, rèn luyện học sinh, cạnh tranh với các địa phương khác. Ví dụ, ở địa phương mà có tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp thì phụ huynh học sinh địa phương đó sẵn sàng chấp nhận đi xa sang địa phương khác để con em mình học tập nhưng được học 2 buổi/ngày, có bán trú giúp phụ huynh thuận tiện đi làm. Như vậy, chỉ có thể bằng việc nâng cao chất lượng giáo dục mới có thể giữ chân được phụ huynh…” - một cán bộ Sở GD-ĐT TPHCM thẳng thắn.

3 địa phương thí điểm tuyển sinh bằng bản đồ GIS có kết quả tuyển sinh ra sao?

Năm học 2023-2024, lần đầu tiên công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp được TPHCM thực hiện theo hình thức trực tuyến bằng mã định danh học sinh, áp dụng bản đồ GIS thí điểm đối với 3 địa phương là TP Thủ Đức, quận 8 và Tân Bình. Học sinh được phân bổ chỗ học theo nguyên tắc học trường gần nhà, không theo địa giới hành chính phường.

Sau 1 năm thí điểm, kết quả tuyển sinh tại 3 địa phương này cho thấy:

Tỉ lệ học sinh nhập học thực tế so với chỉ tiêu ban đầu ở TP Thủ Đức là 97,56% với bậc mầm non; 98,52% với bậc tiểu học và 98,51% với bậc THCS.

Tại quận 8, tỉ lệ này lần lượt là 84,19% với bậc mầm non; 86,46% với bậc tiểu học; 113,3% với bậc THCS.

Tại quận Tân Bình, tỉ lệ thực tế nhập học là 67,08% với bậc mầm non; 91,02% với bậc tiểu học; 92,74% bậc THCS.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI