TPHCM họp giải trình về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công

24/08/2022 - 12:40

PNO - Ngày 24/8, Thường trực HĐND TPHCM tổ chức phiên họp giải trình về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn thành phố thời gian qua.

Qua đó, Thường trực HĐND thành phố làm rõ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong quá trình triển khai thực hiện để đề xuất những giải pháp, cơ chế nhằm phát huy hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi báo cáo tại phiên giải trình kết quả tình hình triển thực hiện pháp luật đầu tư công sáng 24/8. Ảnh: Quốc Ngọc
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi báo cáo tại phiên họp giải trình sáng 24/8 - Ảnh: Quốc Ngọc

Theo UBND TPHCM, trong giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn ngân sách cân đối chi cho kế hoạch đầu tư công trung hạn là 171.895 tỷ đồng, đáp ứng được 52% nhu cầu đầu tư của thành phố. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 21.895 tỷ đồng (chưa bao gồm dự phòng 10%), vốn ngân sách thành phố 150 ngàn tỷ đồng.

UBND đã trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 13/NQ-HĐND ngày 6/7/2017 cũng như 6 nghị quyết điều chỉnh, bổ sung cho Nghị quyết số 13 để phân bổ nguồn vốn trên. Trên cơ sở đó, UBND thành phố đã giao tổng kế hoạch vốn đầu tư công trong giai đoạn 2016-2020 là 138.472 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách địa phương của thành phố được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1535 ngày 15/9/2021 là 142.557 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 21% tổng nhu cầu vốn giai đoạn này của thành phố, hiện khoảng 672.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh đó, UBND thành phố đã xây dựng phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo định hướng tập trung đầu tư, hoàn thành các dự án chuyển tiếp nhằm nâng cao hiệu quả, chống lãng phí nguồn vốn đầu tư công đã bố trí cho các dự án trong giai đoạn 2016-2020.

UBND đã trình HĐND thành phố thông qua Nghị quyết số 99 ngày 19/10/2021 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 là 142.557 tỷ đồng, bao gồm vốn từ nguồn bội chi ngân sách thành phố 14.873,1 tỷ đồng và vốn cân đối ngân sách của thành phố 127.683,9 tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện nay, UBND đã trình HĐND thành phố thông qua thêm Nghị quyết số 05 ngày 7/4/2022 và Nghị quyết số 31 ngày 8/7/2022 để phân khai chi tiết nguồn dự phòng trung hạn cho các đối tượng đủ điều kiện bố trí vốn theo quy định.

Từ khi Luật Đầu tư công 2014 có hiệu lực, TPHCM đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 1.949 dự án với tổng vốn đầu tư ngân sách thành phố là 302.839,6 tỷ đồng gồm 869 dự án nhóm C, 1.074 dự án nhóm B và 6 dự án nhóm A.

Qua rà soát, giai đoạn 2016-2020, số dự án chuyển tiếp từ 2011-2015 là 521 dự án được bố trí tổng số vốn là 24.742 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,5% tổng số vốn trung hạn 2016-2020 nguồn vốn ngân sách thành phố (150.000 tỷ đồng). Trong đó, 324 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn này.

Số dự án khởi công mới giai đoạn 2016-2020 là 1.278 dự án được bố trí tổng số vốn là 57.400 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38,3% tổng số vốn trung hạn 2016-2020 nguồn vốn ngân sách thành phố, trong đó 456 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Giai đoạn 2021-2025, số dự án chuyển tiếp từ 2016-2020 là 1.191 dự án (chưa bao gồm các dự án thực hiện theo hình thức PPP và ODA) được bố trí tổng số vốn là 67.853 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 48% tổng số vốn trung hạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách thành phố (142.557 tỷ đồng). Đến nay, đã có 298 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, theo quy định tại Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, UBND đã trình HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư 13 dự án nhóm A.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về đầu tư công còn bộc lộ một số hạn chế. Vẫn còn một số chủ đầu tư chậm thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá dự án, chưa thực hiện đầy đủ định kỳ.

Về tiến độ thực hiện và tình hình giải ngân dự án, qua quá trình theo dõi, kiểm tra, UBND thành phố xác định một số nguyên nhân chính chính ảnh hưởng đến dự án bao gồm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, thiếu sự phối hợp của các bên có liên quan.

Một số chủ đầu tư quản lý nhiều dự án nhưng thiếu nhân sự, chưa cập nhật kịp thời các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, do đó công tác quản lý điều hành dự án còn tồn tại hạn chế.

Năng lực và công tác quản lý điều hành dự án của chủ đầu tư: vẫn còn tình trạng một số chủ đầu tư thiếu chủ động trong việc theo dõi, kiểm tra; chưa chủ động xử lý các vi phạm của nhà thầu theo hợp đồng ký kết dẫn đến dự án chậm tiến độ, làm phát sinh khối lượng, hạng mục; chưa đôn đốc các nhà thầu liên quan hoàn thành đúng thời gian theo quyết định phê duyệt dự án; công tác quản lý dự án đầu tư còn tồn tại thiếu sót trong khâu lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu hoàn thành.

Về việc xử lý các vấn đề đã phát hiện của cơ quan trực tiếp quản lý chủ đầu tư và chủ đầu tư, một số chủ đầu tư chậm đôn đốc, không theo dõi, chỉ đạo xử lý các vấn đề đã phát hiện của UBND thành phố, của các cơ quan có thẩm quyền ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý dự án đầu tư công.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI