TPHCM: Hậu quả chực chờ với gần 53% nhân viên y tế học đường không có chuyên môn

20/03/2022 - 08:09

PNO - Theo Sở GDĐT TPHCM, hiện toàn thành phố chỉ có 33,3% nhân viên y tế trường học đạt chuẩn, 13,6% chưa đạt chuẩn và 52,5% không có chuyên môn y tế.

Gần 53% nhân viên y tế học đường không có chuyên môn

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, từ đầu tháng 3 đến nay, số ca nghi nhiễm mới ở học sinh là 90.947 trường hợp, trong đó có 2.833 ca phát hiện tại trường. Số cán bộ, giáo viên, nhân viên nghi nhiễm mới là 9.376 trường hợp, trong đó có 798 trường hợp phát hiện tại trường.

Mặc dù vậy, TP chưa có vị trí việc làm rõ ràng cho nhân viên y tế học đường. Hiện 4 vị trí trong trường học là y tế, văn thư, kế toán, thủ quỹ chỉ được tuyển dụng 3 viên chức. Ở nhiều trường, nhân viên vị trí này đang phải kiêm nhiệm. Từ đó, nhân viên y tế trường học rơi rụng nhiều.

“Toàn thành phố chỉ có 33,3% nhân viên y tế trường học đạt chuẩn, 13,6% chưa đạt chuẩn và 52,5% không có chuyên môn y tế” - báo cáo thực trạng y tế trường học nêu rõ. 

Quận 11 có 76 cơ sở giáo dục từ cấp mầm non đến THPT và 20 nhóm lớp mẫu giáo độc lập, nhà trẻ. Song chỉ có 7 nhân viên trường công lập được hưởng lương và phụ cấp đúng ngạch viên chức, chức danh y tế nhà trường (tỷ lệ 17%). Còn lại, hưởng lương tương ứng với vị trí chức danh như văn thư, thủ quỹ, thiết bị, thư viện…

Ông Phan Trí Dũng (chuyên viên Phòng GD-ĐT quận 11) cho biết, thực tế việc ký kết hợp đồng với y tế địa phương hoặc phòng khám đa khoa để có nhân viên y tế có chuyên môn làm việc tại trường chỉ thể hiện trên văn bản hợp đồng. Nhiều hiệu trưởng, hiệu phó đang phải kiêm nhiệm nhiệm vụ nhân viên y tế học đường.

“Các cấp, ngành cần có hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong việc tuyển dụng nhân sự phụ trách y tế học đường. Phải xem y tế học đường là một định biên không thể thiếu trong nhà trường, từ đó phủ kín nhân viên chuyên trách trong trường công lập. Phải có giải pháp chuyển nhân viên vốn có chuyên môn y tế đang được tuyển dụng ở ngạch viên chức khác khôi phục về vị trí công tác cũ”, ông Dũng kiến nghị.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng nhìn nhận, vấn đề cần quan tâm hiện nay là làm thế nào để cơ sở giáo dục có nhân viên y tế chuyên trách đạt chuẩn theo đúng quy định. Nhân viên y tế trường học phải có trình độ chuyên môn từ y sĩ trung cấp trở lên. Nhân viên y tế trường học phải được thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn y tế thông qua các hình thức hội thảo tập huấn, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn do ngành y tế, ngành giáo dục tổ chức để triển khai các nhiệm vụ hiện nay…

 

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng đặt hàng HĐND TP chế độ chính sách đặc thù cho nhân viên y tế học đường
Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng "đặt hàng" HĐND TP chế độ chính sách đặc thù cho nhân viên y tế học đường

 

Lãnh đạo Sở GD-ĐT đề xuất HĐND TPHCM có chế độ chính sách đặc thù cho nhân viên y tế học đường để phù hợp với tình hình chung, nhằm giữ chân, tuyển dụng được cán bộ y tế. Trước mắt hợp đồng được với nhân viên y tế, có chế độ phụ cấp đi sớm về trễ, phụ cấp độc hại…

Nếu không có chuyên môn, hậu quả rất khó lường 

Kể lại câu chuyện từng xảy ra cách đây 10 năm khi tổ chức bữa ăn bán trú, BS. Huỳnh Trung Tuấn (nhân viên y tế Trường TH Trưng Trắc, quận 11) cho hay, khi kiểm tra thịt trong nhà bếp thấy có 2 màu khác nhau đã yêu cầu niêm phong toàn bộ số thịt và gửi đến Trung tâm y tế dự phòng. Kết quả kiểm nghiệm 3 ngày sau cho thấy thịt heo bị nhiễm khuẩn.

“Thực sự đây là tình huống quá may mắn cho 1.500 học sinh nhà trường khi đó. Điều này cho thấy nhân viên y tế phải có chuyên môn nghiệp vụ thì mới xử lý nhanh, dứt khoát. Nếu không có chuyên môn có thể sẽ để lại những hậu quả khó lường”, BS. Tuấn nhận định. 

Công việc mỗi ngày của BS. Tuấn bắt đầu từ 6g đến 16g30, với các công việc như kiểm tra trực quan thực phẩm nhập, chăm sóc sức khỏe học sinh, kiểm tra vệ sinh môi trường, tổ chức bữa ăn bán trú. Ngoài ra còn xử trí các ca nghi nhiễm, tiếp xúc gần, phối hợp theo dõi sức khỏe học sinh. Đồng thời tham mưu ban giám hiệu tổ chức học online với những lớp có nhiều trường hợp F0, F1 cũng như hướng dẫn phụ huynh chăm sóc học sinh F0, F1… 

BS. Tuấn kiến nghị, nhân viên y tế trường học cần phải được hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện học tập, nâng cao nghiệp vụ. Ngoài ra họ cũng cần được hưởng các chế độ phụ cấp đặc thù, giảm hồ sơ sổ sách. Đặc biệt, với trường học hơn 1.000 học sinh, cần phải tăng số lượng nhân viên y tế.

Nếu nhân viên y tế học đường không có chuyên môn có thể sẽ để lại hậu quả lớn
Theo BS Tuấn, nếu nhân viên y tế học đường không có chuyên môn, có thể sẽ để lại hậu quả khó lường

Phó trưởng khoa Y tế công cộng, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch Phùng Quang Vinh đưa ra đề xuất “đặt hàng chỉ tiêu về đào tạo nhân viên y tế học đường tương tự như đặt hàng chỉ tiêu bác sĩ”. Ví dụ 1.000 học sinh phải có 1 y tế dự phòng. Khi có chỉ tiêu rồi buộc phải thúc đẩy thành hiện thực. 

Ngoài ra, nhân viên y tế trường học phải tập trung về một đầu mối là phòng y tế quản lý để được nâng cao về chuyên môn, khắc phục tình trạng thủ quỹ, văn thư kiêm nhiệm vị trí nhân viên y tế. 

“Trước mắt, các trường có thể sử dụng cộng tác viên là đội ngũ nhân viên y tế đã về hưu, hoặc sử dụng bác sĩ gia đình đang được Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đào tạo để tuyển dụng làm nhân viên y tế học đường”, ông Vinh đề xuất.

Không thiếu chính sách thu hút nhưng “sợ” không có người thụ hưởng

Bà Trần Hải Yến - Phó ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM khẳng định, TPHCM không thiếu chính sách đặc thù thu hút, vấn đề là có người thụ hưởng các chính sách đó hay không.

 

TPHCM không thiếu chính sách thu hút song sợ không có người thụ hưởng
TPHCM không thiếu chính sách thu hút song "sợ" không có người thụ hưởng

Bà Yến nêu ví dụ, Sở Y tế đã trình HĐND TP 4 chính sách đặc thù hỗ trợ bác sĩ mới ra trường công tác tại trạm y tế sẽ được hỗ trợ 60 triệu trong 14 tháng. Điều dưỡng và vị trí khác được hỗ trợ 30 triệu trong 9 tháng. Chính sách cho người có chuyên môn về y tế (người đã nghỉ hưu, người lớn tuổi có chuyên môn y tế) công tác tại trạm y tế mức hỗ trợ 9 triệu đồng/tháng (với bác sĩ) và 7 triệu đồng/tháng (với trình độ khác).

“TP không thiếu chính sách thu hút. Song trước mắt cần suy nghĩ chính sách thu hút người tham gia vào ngành y, y tế dự phòng. Bởi chính sách có nhưng có người để hưởng chính sách đó hay không, có thu hút được không…”, bà Yến băn khoăn.

Giải bài toán thiếu nhân viên y tế học đường, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng đề xuất Sở GD-ĐT thành lập tổ viết Đề án kiện toàn nhân viên y tế học đường, phân loại ra đề xuất cấp thẩm quyền, sớm trình UBND, HĐND các chính sách, chế độ… Trong đó, cần thực hiện ngay việc tuyển dụng nhân viên y tế học đường, Sở Y tế sẽ giới thiệu nguồn để tuyển.

Tấn Dũng

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI