Nhìn lại năm 2022, năm đầu tiên ngành GD TPHCM cùng với TPHCM phục hồi sau dịch COVID-19, giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM về những điều ngành đã làm được cũng như những trăn trở, kỳ vọng về một năm mới.
Thầy cô tự chữa lành thương tổn của chính mình để chữa lành thương tổn của học sinh
|
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu |
* Phóng viên: Khép lại năm 2022, thành quả nào đạt được của ngành Giáo dục TP khiến ông tâm đắc nhất?
- Ông Nguyễn Văn Hiếu: Năm 2022 đã khép lại, điều mừng nhất là học sinh TP được đến trường, học tập, rèn luyện và vui chơi một cách trọn vẹn, an toàn.
Kết thúc năm học 2021-2022, dù phải triển khai dạy và học trực tuyến trên truyền hình hết học kỳ 1 song chất lượng, kết quả đạt được là vô cùng lớn, nhất là đối với học sinh lớp 1, các em không có ngày đầu tiên đi học… theo nghĩa bình thường nhất để được thầy cô cầm tay nắn nót từng nét chữ đầu tiên. Để dạy học sinh lớp 1 biết đọc, biết viết trực tuyến là một kỳ tích của thầy cô giáo ở các trường tiểu học. Đặc biệt, trước đó ở lớp Lá các em cũng không được đến trường do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên chưa được làm quen chữ viết.
Kết thúc năm học, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt trên 99,5%; trong đó điểm thi tốt nghiệp môn tiếng Anh, TP tiếp tục đạt cao nhất nước. Đổi mới giáo dục được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả ở các bậc học, khối lớp, nhất là với các khối lớp đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Năm học 2022-2023 hiện mới đi được nửa chặng đường nhưng nhìn lại, có thể thấy ngành GDTP đã rất linh hoạt, mạnh dạn "làm mới" để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Đây là năm đầu tiên ngành thực hiện đổi mới công tác tuyển dụng, từ bổ nhiệm sang thi tuyển, thí điểm với vị trí phó hiệu trưởng ở 3 trường THPT. Công tác chuyển đổi số được triển khai thực hiện mạnh mẽ ở nhiều mặt, ở tất cả các cơ sở giáo dục, nhiều hoạt động của ngành từ công việc hành chính đến giảng dạy như quản lí hồ sơ, sổ sách, đưa mô hình lớp học ảo vào hỗ trợ giảng dạy...
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, TPHCM vẫn luôn kiên định xây dựng nền giáo dục thực chất, hướng tới học sinh, vì học sinh, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục, xây dựng trường học hạnh phúc, mỗi ngày học sinh đến trường là một ngày vui.
* Theo ông, giáo dục TPHCM trong năm học mới và sau dịch COVID-19 phải đối diện với những khó khăn nào?
- Sau dịch COVID-19, với chủ trương "chia khó" với phụ huynh, trong suốt năm học 2021-2022, TPHCM không thực hiện thu học phí cũng như các khoản thu không cần thiết. Để có thể duy trì hoạt động giáo dục, tổ chức đa dạng các hoạt động trải nghiệm, sân chơi cho học sinh trong điều kiện nguồn kinh phí eo hẹp, từng nhà trường phải tính toán, vận dụng rất khó khăn.
|
Giáo dục TPHCM đối diện với nhiều khó khăn sau dịch COVID-19 trong bối cảnh đổi mới giáo dục |
Một khó khăn nữa là tình trạng học sinh gặp các tổn thương, tâm lý bị ảnh hưởng sau dịch COVID-19 đang ngày càng rõ rệt. Rất nhiều trường hợp các em phải bảo lưu kết quả học tập vì những cú sốc trong dịch bệnh. Đây là thách thức cho nhà trường và đội ngũ giáo viên. Thầy cô cần phải theo sát học sinh hơn nữa, gần gũi, lắng nghe và thấu hiểu các em. Các em cần được hỗ trợ, quan tâm nhiều hơn về cả vật chất, tinh thần.
Sau đại dịch, một bộ phận không nhỏ giáo viên cũng chịu "tổn thương" cần được chữa lành. Nhưng thầy cô phải “tự chữa lành" thương tổn cho chính mình, để chữa lành thương tổn của học sinh. Do vậy, hơn lúc nào hết, thầy cô rất cần sự thấu hiểu và đồng hành, chia sẻ của phụ huynh học sinh và xã hội.
Việc thực hiện chương trình GDPT mới cũng là thách thức lớn đối với ngành Giáo dục TP. Sở GD-ĐT TPHCM đã tham mưu Thường trực UBND TP ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29, tuy nhiên khó khăn vẫn rất lớn để thực hiện tốt tất cả các giải pháp, các chỉ tiêu mà TP đã đặt ra: Đó là áp lực gia tăng học sinh cơ học hàng năm, TP không thể thực hiện quy định học sinh tiểu học chương trình 2018 học 2 buổi/ngày; sĩ số học sinh/lớp vượt chuẩn nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng. Một số trường còn thiếu phòng máy tính dạy tin học; thiếu giáo viên các cấp học nhất là giáo viên các môn nghệ thuật, ngoại ngữ, tâm lý; thiếu nhân viên y tế học đường.
Thành phố đã rất chủ động triển khai nhiều giải pháp để khắc phục các khó khăn này, tiếp tục đầu tư xây dựng TPHCM thành trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo.
Không thể chối bỏ khó khăn nhưng có thể thay đổi tâm thế đối diện
* Những khó khăn trên liệu có là rào cản để TPHCM xây dựng trường học hạnh phúc không, thưa ông?
- Hạnh phúc là một khái niệm rộng và mang tính chủ quan cao. Theo tôi, trường học hạnh phúc không phải là đích đến mà là hành trình. Trên hành trình đó, hành trang không thể thiếu là sự kính yêu và kết nối. “Kính” là biểu hiện của sự tôn trọng, “yêu” là tình thương, quan tâm, chia sẻ; “kết nối” là sự đoàn kết, gắn bó, đồng lòng. Kính yêu và kết nối giữa thầy cô với nhau và giữa thầy cô với học sinh sẽ tạo ra sức mạnh để vượt qua khó khăn, thách thức, để từ đó có được niềm vui và hạnh phúc.
Chúng ta không thể chối bỏ, thay đổi những khó khăn, hạn chế trong một sớm một chiều nhưng chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi tâm thế đối diện. Mới đây, tôi được một đồng nghiệp gửi hình ảnh giáo viên xuống sân cùng chơi đá cầu, cùng hát, chơi ô ăn quan với học sinh trong giờ ra chơi. Hình ảnh sân trường từng tốp học sinh, giáo viên cùng hòa vào các hoạt động; gương mặt thầy trò rạng rỡ khiến tôi xúc động vô cùng. Còn gì tuyệt vời hơn là sau bài học, bước ra ngoài cửa lớp thầy cô trở thành người bạn lớn, là người anh, người chị với học sinh. Tôi cho rằng, nền tảng của một trường học hạnh phúc không nằm ở đâu xa xôi mà nằm trong chính sự kính trọng, yêu thương và gắn kết này, nó sẽ là liều thuốc chữa lành những thương tổn, là động cơ để cả thầy trò cùng vượt qua những khó khăn...
|
Trường học hạnh phúc với nền tảng là sự kính yêu và kết nối giữa thầy và trò |
Trong hành trình xây dựng trường học hạnh phúc, ngành Giáo dục TPHCM luôn rất cầu thị, ghi nhận, lắng nghe những góp ý của phụ huynh, xã hội để thay đổi và hoàn thiện. Mong muốn nào ngành có thể điều chỉnh, thực hiện ngay được thì ngành không chậm trễ, những nguyện vọng nào mang tính vĩ mô thì ngành tính toán, đề xuất. Đơn cử như năm học này, TP đã ra quyết định điều chỉnh giờ vào học trên toàn thành phố; hay việc điều chỉnh thời gian nghỉ Tết để phù hợp hơn với mong muốn của phụ huynh, học sinh; yêu cầu các nhà trường không ra đề cương, đề kiểm tra mẫu cho học sinh tiểu học trong kỳ kiểm tra cuối kỳ... Mục tiêu lớn nhất là vì học sinh, làm sao để các em đến trường học tập, rèn luyện, vui chơi trọn vẹn nhất.
Trong chiến lược phát triển TPHCM từ nay đến 2030, tầm nhìn đến 2045, TPHCM cũng đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể như đảm bảo sĩ số học sinh/lớp từ 30-35, xây dựng chính sách thu hút nhân tài, tạo động lực cho thầy cô đổi mới... Tất cả đều nhằm tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện để mỗi thầy cô an tâm công tác.
* Kinh nghiệm nào trong năm 2022 theo ông vẫn còn giá trị để ngành Giáo dục TP tiếp tục áp dụng trong năm 2023?
-Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả có lẽ là những từ khóa mà ngành Giáo dục TPHCM thu nhận được sau quá trình chuyển đổi phương thức dạy và học trong đại dịch, sau đại dịch, để đảm bảo mục tiêu và chất lượng giáo dục.
Thế giới đang vận động và phát triển nhanh chóng, ngành Giáo dục TP trong bối cảnh mới với rất nhiều thách thức. Nếu từng nhà trường, từng giáo viên, từng học sinh không có sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo thì sẽ bị động, lúng túng. Hãy trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng, hãy mang đến cho các em những trải nghiệm thú vị trong mỗi bài học. Từ đó, không chỉ hình thành trong các em năng lực thích ứng trước những đổi mới như vũ bão của thời đại mà còn giúp các em làm chủ bản thân, thời cuộc, để chính các em tạo ra cái mới với năng lượng và sức mạnh của tuổi trẻ.
Để làm tốt điều này, ngành Giáo dục TP rất cần sự hỗ trợ của phụ huynh và các nguồn lực trong xã hội. Mùa xuân, với sứ mệnh giáo dục thiêng liêng, hãy dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho tuổi trẻ, với niềm tin yêu và hi vọng!
* Xin cảm ơn ông!
Quốc Trung (thực hiện)