Thầy Võ Kim Bảo - giáo viên ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) - chia sẻ, việc dò bài nhằm mục đích giúp học sinh nắm lại kiến thức cũ, có ý thức học tập hơn, chưa kể kiến thức bài hôm sau có liên quan đến bài hôm trước thì việc kiểm tra bài cũ còn giúp học sinh bước vào bài mới một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên việc gọi bất chợt, hỏi kiến thức mà không dặn dò gì trước thì lại không phù hợp, không hiệu quả. Nếu việc hỏi như thế này mà dùng để đánh giá, nhận xét học sinh thì càng không hợp lý.
Kiểm tra miệng theo kiểu học thuộc bài - trả bài đã không còn phù hợp với Chương trình GDPT 2018
“Hình thức kiểm tra miệng, trả bài đầu giờ được thực hiện khi giáo viên đã đặn dò học sinh từ trước, có giới hạn nội dung ôn, có cái hẹn cụ thể với học sinh. Dù vậy, hiện nay tôi rất ít kiểm tra bài cũ đầu giờ ngay khi vừa bước vào lớp. Nếu có thì các em sẽ có thời gian 5-7 phút đầu giờ để hệ thống lại kiến thức. Thông thường, tôi sẽ cho học sinh ôn lại kiến thức cũ thông qua việc làm bài và qua đó kiểm tra kiến thức học sinh” - thầy Bảo cho hay.
Đặc biệt, giáo viên này nêu rõ, hiện giáo viên TPHCM có một phương tiện đắc lực giúp củng cố lại kiến thức cũ cho học sinh - đó là hệ thống LMS LMS (Learning Management System - ứng dụng được dùng để lưu trữ và quản trị nội dung bài học online. Hệ thống sẽ theo dõi và cập nhật các hoạt động học tập của học viên). Thầy cô có thể sử dụng hệ thống để tương tác, kiểm tra kiến thức cũ của học sinh…
“Việc giảm áp lực cho học sinh trong tiết học, tạo ra các giờ học hạnh phúc không phải là biến giờ học thành sự màu mè, hình thức. Mà mỗi giờ học đều là những tiết học sinh mong chờ, các em vừa vui học, vừa thu được kiến thức. Tiết học nhẹ nhàng, có sự tương tác vui vẻ với học sinh. Mỗi giáo viên sẽ có suy nghĩ riêng, cách thức triển khai riêng để biến giờ học thành giờ học hạnh phúc. Là giờ học hạnh phúc thì giáo viên phải tôn trọng học trò, tôn trọng năng lực của mỗi học trò. Giáo viên đi dạy phải luôn mang tâm thế rằng học sinh học rất nhiều môn, vì vậy không đòi hỏi tất cả các em đều phải giỏi môn của mình…” - thầy Võ Kim Bảo nêu quan điểm.
Việc kiểm tra kiến thức học sinh phải thực hiện đa dạng qua chính các hoạt động
Cho rằng việc kiểm tra bài cũ theo kiểu “gọi bất chợt, hỏi bất chợt” sẽ tạo áp lực cho học sinh, giáo viên tiếng Anh tại một trường THPT tại quận 3 cho biết, nhiều năm nay đã không áp dụng hình thức kiểm tra miệng đầu giờ theo kiểu “bốc số” học sinh rồi đặt câu hỏi, kiểm tra từ.
Thay vào đó, thầy cho biết, ở môn tiếng Anh có kỹ năng nói (speaking), được thầy sử dụng thay thế cho cột điểm kiểm tra miệng, trả bài đầu giờ, áp dụng trong một số giờ Speaking trong phân phối chương trình.
Giáo viên phải đa dạng hình thức kiểm tra, hướng tới phát triển phẩm chất năng lực học sinh
“Bằng rất nhiều phương pháp, các em có thể thuyết trình, phản biện, thảo luận, trả lời câu hỏi, làm việc nhóm, tùy năng lực học sinh từng lớp mà giáo viên sẽ quyết định phương pháp phù hợp nhất. Trong 5-10 phút, các em được thảo luận, tranh biện, phản biện với bạn bè, thể hiện sự tương tác và giáo viên sẽ cho các em điểm nói - điểm kiểm tra miệng” - thầy dạy tiếng Anh này nói.
Khẳng định tính cần thiết yêu cầu học sinh phải có ý thức hệ thống lại kiến thức cũ, song cô Bùi Thị Vân Anh - giáo viên toán, Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) - nêu rõ, việc kiểm tra đầu giờ theo hình thức "may rủi" không mang tính giáo dục.
Theo cô, giáo viên có thể thông qua các hình thức làm bài tập nhóm, thuyết trình về chuyên đề, soạn bài... để lấy điểm kiểm tra thường xuyên. Trong tiết học, nếu học sinh tích cực tham gia xây dựng bài, trả lời đúng câu hỏi mà giáo viên đặt ra để gợi mở về việc tìm hiểu kiến thức thì các em sẽ được cộng điểm.
Đồng tình với chủ trương này, ThS Nguyễn Phước Bảo Khôi - giảng viên Trường đại học Sư phạm TPHCM - cho rằng, ngay khi Chương trình GDPT 2018 triển khai từ năm học 2020-2021, hình thức kiểm tra kiến thức học sinh theo kiểu học thuộc rồi trả bài đã không còn phù hợp.
Ông nhấn mạnh, việc không kiểm tra miệng, kiểm tra bài cũ theo kiểu học sinh học thuộc bài rồi trả bài còn giúp giáo viên hiểu rõ định hướng của Chương trình GDPT 2018 không phải là kiểm tra về mặt kiến thức, đánh giá xem học sinh học được những gì, mà kiến thức chỉ là bệ đỡ, học sinh phải hiểu và vận dụng vào thực tế. Hơn nữa, khi bỏ kiểm tra miệng theo kiểu học thuộc bài - trả bài sẽ giảm sức ép, giảm áp lực cho học sinh ngay mỗi đầu giờ học.
“Giáo viên phải đa dạng các hình thức khác để kiểm tra năng lực học sinh để trả chương trình về đúng bản chất, đúng mục tiêu” - giảng viên này nói.
Phải quyết liệt chuyển mình trong kiểm tra, đánh giá, trả chương trình về đúng mục tiêu
Ngoài việc bỏ kiểm tra miệng bất chợt, Sở GD-ĐT TPHCM cần quyết liệt thêm trong việc chỉ đạo giáo viên, nhà trường không kiểm tra “dồn cục” vào mỗi đợt kiểm tra định kỳ, cuối kỳ. Trên thực tế, hiện tượng này đã và đang diễn ra vào mỗi kỳ kiểm tra định kỳ, trong một ngày học sinh liên tiếp làm các bài kiểm tra nhiều môn từ sáng đến chiều khiến các em vô cùng áp lực. Trong khi đó, với Chương trình GDPT 2018, lượng điểm số đã không còn nhiều như trước, các hình thức kiểm tra cũng đã rất đa dạng.
Như vậy Sở GD-ĐT phải sát sao, nhà trường cần phải trao quyền chủ động nhiều hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để giáo viên thực thực hiện đa dạng các hình thức kiểm tra, linh động giãn thời gian kiểm tra giữa các môn, có như vậy mới thực sự cởi bỏ áp lực cho học sinh.
Đề xuất này được ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Quản lý chất lượng - nêu tại hội nghị tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 sáng 31/10.
Sáng 31/10, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024, chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Sáng 30/10, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức sơ kết kết quả thực hiện kế hoạch xây dựng "Thành phố học tập toàn cầu UNESCO trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2024-2030".