|
Theo cô Hoàng Thụy Thanh Tâm- lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc không thể thiếu sự khen ngợi trẻ |
Hàng trăm giáo viên ở 3 trường tiểu học quận 1 là Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đinh Tiên Hoàng và Trần Hưng Đạo vừa cùng nhau đi học về trường học hạnh phúc. Buổi học là cách để mỗi giáo viên, nhà trường đánh giá lại hành trình đã đi để cùng nhau đổi mới hơn nữa vì học trò…
Cô Đỗ Ngọc Chi - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm cho hay, hành trình xây dựng trường học hạnh phúc cần được bắt đầu từ hành trình nhận thức tự thân của mỗi giáo viên. Mỗi giáo viên cần nhận thức đúng đắn được vai trò, tính cần thiết của việc phải xây dựng trường học hạnh phúc, có như thế mới tác động đến hành trình đứng lớp của mỗi thầy cô…
“Đó không chỉ là thay đổi phương pháp giảng dạy, không chỉ là mối quan hệ với phụ huynh, học sinh mà còn là sự chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau của đồng nghiệp, cùng hướng tới một môi trường giáo dục thân thiện nhất…”- cô Chi bày tỏ.
Dù sắp về hưu, mỗi ngày đến trường với cô Đỗ Thanh Thuý- giáo viên tiếng Anh, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn là mỗi ngày đổi mới. Mỗi tiết học đều được cô làm mới bằng công nghệ cùng những trò chơi khiến học sinh vô cùng thích thú…
“Học sinh tiểu học, nhất là học sinh lớp 1, để các em thực sự yêu thích môn tiếng Anh thì giáo viên phải làm cho môn học trở nên sinh động, gần gũi, trao cho các em cơ hội được “bước” vào trong môn học. Vì vậy, ngoài các ứng dụng công nghệ được đưa vào tiết học, tôi thường tổ chức các trò chơi, có khi là mang cả gấu bông lên lớp để kéo trẻ vào bài học… Giờ học mà các em thích thú tham gia, cô trò cùng vui vẻ hợp tác, học sinh chờ mong đến tiết học của mình…, với tôi đó là lớp học hạnh phúc. Mỗi lớp học hạnh phúc sẽ nhân lên trường học hạnh phúc”- cô Thuý chia sẻ.
|
Giáo viên rủ nhau đi học trường học hạnh phúc |
Theo cô Hoàng Thụy Thanh Tâm - giáo viên chủ nhiệm lớp 4T1, Trường tiểu học Trần Hưng Đạo - Chương trình GDPT 2018 mang đến nhiều thuận lợi để giáo viên xây dựng lớp học hạnh phúc. Chương trình trao quyền cho giáo viên sáng tạo phương pháp, tổ chức giảng dạy, qua đó giúp học sinh có nhiều cơ hội để phát huy năng lực, sở trường riêng của các em, theo đúng mục tiêu lấy học sinh là trung tâm.
Hiện thực hóa lớp học hạnh phúc, mỗi tiết học luôn được cô Tâm bắt đầu với phần khởi động đầy hứng khởi. Bắt đầu bài học mới có khi cô, trò cùng nhau hát một bài hát, có khi lại cùng tham gia trò chơi. Tiết học được thiết kế thêm các hoạt động thảo luận nhóm, sắm vai…
“Tâm lý của trẻ rất thích được khen. Do đó, lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc thì không thể thiếu vắng sự ngợi khen trẻ. Ở trong lớp, việc khen thưởng được tôi thực hiện theo từng tháng, kết hợp với khen thưởng đột xuất khi các em có sự tiến bộ. Giáo viên sẽ tặng các em đồ dùng học tập, sticker, sổ tay… Việc khen thưởng không phải chỉ là điểm số mà là sự tiến bộ của các em mỗi ngày” - cô Thanh Tâm nhìn nhận.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Yến - giảng viên cao cấp, Trường ĐH Sư phạm TPHCM- trường học hạnh phúc không phải là một khái niệm, cũng không phải là mô hình mà là sự vận hành của mỗi ngôi trường.
Một câu hỏi đặt ra là trường học hạnh phúc có phải là mơ không, có phải khi nào đủ điều kiện về cơ sở vật chất thì mới hạnh phúc không. Thực tế, có những trường chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất nhưng mọi thành viên trong trường đều có suy nghĩ tích cực, hành động tích cực cùng nhau xây dựng trường học hạnh phúc thì đó là trường học hạnh phúc…
“Trường học hạnh phúc xuất phát từ những điều đơn giản nhất, không chỉ là cảm nhận mà còn nhìn thấy được, không chỉ là sự đồng hành mà còn là thấu cảm. Có học sinh thích đến trường vì trường nấu ăn ngon hơn cả mẹ nấu; có em lại thích đến trường vì có nhà vệ sinh… xịn, vào nhà vệ sinh có cả âm nhạc”- bà nêu ví dụ.
Tiến sĩ Xuân Yến nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng trường học hạnh phúc mang tính cấp thiết, là nhu cầu thiết yếu… Trong trường học hạnh phúc, thành công đích thực của người học không nằm ở điểm số mà nằm ở những trải nghiệm, học sinh có thích đến trường không, có hạnh phúc khi ở trường không, phụ huynh có mong muốn con được học ở trường hay không…
Bà nêu rõ: Với học sinh tiểu học, trường học hạnh phúc là khơi dậy cho các em niềm ham thích đến trường. Điều này đòi hỏi bài giảng của người thầy phải khơi gợi cho học sinh tính tò mò, tạo điều kiện cho các em được thể hiện năng lực, sự sáng tạo và cuối cùng là sự công nhận của mọi người với năng lực của học sinh”.
Tiêu chí quan trọng nhất xây dựng trường học hạnh phúc là tình bạn và các mối quan hệ. Khi xây dựng trường học hạnh phúc, giáo viên cần quan sát học sinh, xem học sinh nào còn đang cô đơn. Hành trình hạnh phúc phải là sự trải nghiệm của những em chưa bao giờ được nói trước lớp, chưa bao giờ được cô khen thì bây giờ các em được nói, được khen, được tạo môi trường để được thể hiện…
“Con đường xây dựng trường học, lớp học hạnh phúc là sự vận hành từ chính bản thân mỗi giáo viên. Đây là con đường không dễ dàng, từng giáo viên và học sinh phải vượt qua nỗi sợ hãi, cần bắt đầu từ việc mỗi thành viên nhận thức đúng và đủ về vai trò, trách nhiệm của mình, hiểu về trường, về đồng nghiệp, về học sinh và phụ huynh của mình…” - Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Yến nêu rõ.
Quốc Trung