TPHCM: Giáo viên phấn khởi khi được 'quyết' sách giáo khoa

24/02/2024 - 20:17

PNO - Được “quyết” sách giáo khoa mới sử dụng từ năm học 2024-2025 theo thông tư mới, giáo viên TPHCM phấn khởi khi được toàn quyền “chọn gì, dạy đó”.

Theo thầy Văn Nhật Phương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận 11) - Thông tư 27 về chọn sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018 đã trao sự chủ động nhiều hơn cho mỗi nhà trường về thực hiện chương trình, cởi bỏ những băn khoăn suốt 3 năm nay của nhà trường, giáo viên.

Thầy Phương phân tích: Theo thông tư 25, việc chọn sách giáo khoa dù vẫn thông qua đội ngũ giáo viên nhà trường trực tiếp nghiên cứu, đề xuất dựa trên đặc thù đối tượng học sinh, giáo viên song từ việc lựa chọn đến kết quả triển khai thì chưa “khớp”.

Thực tế, nhà trường lựa chọn nhưng quyết định danh mục sách sử dụng trong nhà trường lại do Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp thành phố. Do vậy có thể dẫn đến việc sách giáo khoa giáo viên đã chọn “kỹ” rồi nhưng nếu không “khớp” với danh mục sách của thành phố ban hành thì không được sử dụng giảng dạy, phải chọn lại. Điều này khiến không ít giáo viên băn khoăn, tâm tư, thậm chí có tâm lý chọn cho có…

Giáo viên TPHCM phấn khởi khi được quyết sách giáo khoa mới sử dụng trong trường
Giáo viên TPHCM phấn khởi khi được "quyết" sách giáo khoa mới sử dụng trong trường

“Với thông tư mới về chọn sách giáo khoa hiện nay, quyền lựa chọn, quyết định sách giáo khoa sử dụng trong năm học thuộc về giáo viên, tổ chuyên môn, tạo thuận lợi rất nhiều cho giáo viên khi giảng dạy. Điều này là phù hợp song đặt ra yêu cầu nhà trường phải phát huy cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mỗi giáo viên trong việc chọn sách để làm sao sách được chọn phù hợp nhất với đặc thù đội ngũ, học sinh” - thầy Văn Nhật Phương nhìn nhận.

Nói về việc chọn sách giáo khoa mới khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 trong nhiều năm nay, cô H. - giáo viên Ngữ văn một trường THCS trên địa bàn TP Thủ Đức - kể, có năm ở trường đã từng có tình trạng tổ bộ môn quyết định chọn bộ Cánh diều vì đánh giá bộ sách phù hợp với đặc thù nhà trường nhưng đến khi quyết để sử dụng trong năm học mới thì lại là bộ… Chân trời sáng tạo. Lý do được nhà trường đưa ra là hầu hết cả thành phố đều chọn bộ này. 

Cô H. bày tỏ, chính những bất cập trong chọn sách như vậy đã khiến giáo viên ít nhiều giảm đi sự mặn mà khi nghiên cứu chọn sách giáo khoa, từ đó việc triển khai chương trình mới trong bộ môn gặp phần nào khó khăn. Giáo viên dù được trao quyền trong thực hiện chương trình nhưng lại gặp rào cản chủ động lựa chọn sách giáo khoa phù hợp để thực hiện…

“Bộ GD-ĐT điều chỉnh thông tư chọn sách giáo khoa là cần thiết. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến từng giáo viên, nhà trường, nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình GDPT 2018 trong từng nhà trường. Năm nay, ngay khi Hội đồng chọn sách giáo khoa nhà trường được thành lập, tinh thần của thầy cô hết sức phấn khởi vì được toàn quyền chọn sách mà mình tâm đắc nhất…”- cô H. vui mừng. 

Về chọn sách giáo khoa sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông năm học 2024-2025 theo thông tư 27 của Bộ GD-ĐT, TPHCM yêu cầu trong tháng 2, các trường cần thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa. Công tác lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện đến hết ngày 5/3.

Khi được toàn quyền quyết sách giáo khoa sẽ tác động mạnh đến việc dạy và học trong trường
Khi được toàn quyền "quyết" sách giáo khoa sẽ tác động mạnh đến việc dạy và học trong trường

Việc chọn sách thực hiện theo 3 giai đoạn: Tổ chức lựa chọn sách giáo khoa tại tổ chuyên môn; từ kết quả lựa chọn của tổ chuyên môn, hội đồng lựa chọn họp, thảo luận, đánh giá việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa của các tổ chuyên môn, đề xuất với người đứng đầu nhà trường danh mục sách giáo khoa đã được các tổ chuyên môn lựa chọn; cơ sở giáo dục báo cáo kết quả lựa chọn sách giáo khoa về Phòng GD-ĐT (với cấp tiểu học, THCS) và Sở GD-ĐT (với cấp THPT).

Trước ngày 10/3, Phòng GD-ĐT báo cáo về Sở GD-ĐT kết quả thẩm định và danh mục sách giáo khoa lựa chọn. Từ kết quả đó, Sở GD-ĐT sẽ tổng hợp trình UBND TP, đề xuất danh mục sách giáo khoa sử dụng trong từng cơ sở giáo dục.

Trước ngày 30/4, trường thông báo danh mục sách giáo khoa được UBND TP phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục tại TPHCM từ năm học 2024-2025 đến giáo viên, học sinh, phụ huynh. 

Để việc chọn sách giáo khoa theo thông tư mới được hiệu quả, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc yêu cầu các trường phải tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh nghiên cứu kỹ về các thông tư thực hiện Chương trình GDPT 2018, bao gồm chương trình tổng thể, chương trình bộ môn; nghiên cứu kỹ bản mẫu sách giáo khoa… Từ việc nghiên cứu kỹ càng, tổ trưởng chuyên môn và giáo viên cần có các ý kiến cá nhân bằng phiếu nhận xét, đánh giá các bản sách giáo khoa môn học theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa. 

“Trong quá trình sử dụng, nếu có giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh có kiến nghị thì nhà trường báo cáo, đề xuất phòng giáo dục, Sở GD-ĐT về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục sách giáo khoa theo đúng quy trình lựa chọn sách giáo khoa quy định tại thông tư mới”, ông nói.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI