TPHCM giảm dùng túi ni lông để bảo vệ môi trường

11/11/2023 - 06:53

PNO - Việc người dân, doanh nghiệp ở TPHCM phân loại rác từ nguồn, giảm dùng túi ni lông đã giúp giảm thải lượng rác khó phân hủy ra môi trường. Nhưng với lượng rác rất lớn thải ra mỗi ngày, các hoạt động trên cần được đẩy mạnh hơn nữa.

"Giảm được túi nào hay túi đó" 

Khi vào siêu thị Food Service trên đường Kha Vạn Cân, phường Linh Đông, TP Thủ Đức mua hàng, khách không được phát miễn phí túi ni lông đựng hàng. Thay vào đó, siêu thị có khu riêng đặt các thùng giấy các tông đã qua sử dụng, có băng keo để khách tự đóng hàng vừa mua. Siêu thị cũng bán một số túi thân thiện với môi trường để đựng hàng, giá từ vài ngàn đến hơn chục ngàn đồng/túi.

Ban đầu, khi không được nhân viên quầy tính tiền của siêu thị bỏ hàng vào túi ni lông, chị Nguyễn Thanh Hồng - ở đường số 36, phường Linh Đông - thấy khó chịu. Tuy nhiên sau khi được giải thích về nghĩa vụ bảo vệ môi trường, chị vui vẻ: “Việc đóng hàng vào thùng giấy khiến tôi mất thêm 1-2 phút nhưng bù lại, tôi không còn băn khoăn về việc xử lý hàng chục túi ni lông sau mỗi lần đi siêu thị”.

Hiện toàn bộ hệ thống siêu thị ở TPHCM đã chuyển sang dùng túi ni lông thân thiện với môi trường -  ẢNH: THANH HOA (chụp tại siêu thị Co.opmart Tân Bình)
Hiện toàn bộ hệ thống siêu thị ở TPHCM đã chuyển sang dùng túi ni lông thân thiện với môi trường - ẢNH: THANH HOA (chụp tại siêu thị Co.opmart Tân Bình)

Chị Nguyễn Thị Nga - tiểu thương bán rau củ ở chợ Hòa Bình, quận 5 - cho biết: có những khách quen thỉnh thoảng ghé tặng chị 1 xấp túi ni lông đã qua sử dụng, được vuốt phẳng, gấp gọn để chị dùng đựng rau củ bán cho khách khác. Một số người lớn tuổi còn dùng giỏ nhựa đi chợ. Giá túi ni lông rất rẻ nhưng từ khi nhận được “quà tặng” của khách hàng, chị thay đổi thói quen: “Trước đây, với mỗi món hàng bán ra, tôi đều lấy túi ni lông riêng nhưng bây giờ tôi bỏ chung nhiều món vào 1 túi, giảm được túi nào hay túi đó”.

Tiếp tục tăng tỉ lệ tái chế rác 

Có được sự thay đổi nhận thức và hành vi như trên là nhờ nhiều giải pháp của chính quyền, sở, ngành của TPHCM, bao gồm tuyên truyền, vận động, ban hành chính sách. Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TPHCM - cho hay: từ năm 2006, UBND TPHCM đã thành lập quỹ tái chế - nay gọi là quỹ Bảo vệ môi trường - cho vay vốn với lãi suất ưu đãi đối với các hoạt động thu gom, tái chế chất thải và sản xuất túi ni lông thân thiện với môi trường.

Từ năm 2013, UBND TPHCM và Sở TNMT đã thí điểm áp dụng các mô hình giảm dùng túi ni lông ở quận 5, quận Bình Thạnh. Đến nay, các mô hình này vẫn được duy trì và được cụ thể hóa thành các phiên chợ tái chế, chương trình đổi rác lấy quà, đổi rác lấy cây xanh… Luật Thuế bảo vệ môi trường ra đời cũng góp phần khuyến khích việc tăng dùng túi thân thiện với môi trường, giảm dùng túi ni lông. Theo luật này, các hoạt động sản xuất, mua bán túi thân thiện với môi trường được miễn thuế nhưng các hoạt động tương tự với túi ni lông lại bị áp thuế với mức cao nhất.

Từ năm 2018 đến nay, bên cạnh tuyên truyền, vận động, UBND TPHCM còn có những biện pháp cụ thể nhằm khuyến khích sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nhựa tái chế, thân thiện với môi trường. Chẳng hạn yêu cầu các cơ sở công lập không dùng các sản phẩm nhựa xài 1 lần, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ và các cơ sở công lập tuân thủ quy định về chỉ tiêu bắt buộc phải hạn chế dùng các sản phẩm nhựa khó phân hủy. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ nhận định, TPHCM quan tâm vấn đề rác thải nhựa từ sớm, là địa phương đi đầu về tuyên truyền, vận động, khuyến khích dùng túi thân thiện với môi trường, giảm dùng túi ni lông, túi nhựa xài 1 lần, hỗ trợ việc thu gom và tái chế chất thải nhựa. 

Hiện tại, người dân và các cơ quan, đơn vị ở TPHCM đang phân rác tại nguồn thành 2 loại theo Quyết định 09/2021/QĐ-UBND, trong đó các sản phẩm nhựa có khả năng tái chế, tái sử dụng được chuyển giao hoặc bán cho các đơn vị thu mua, tái chế. Tuy nhiên, mỗi ngày, tổng lượng rác phát sinh ở TPHCM lên đến khoảng 9.500 tấn, trong đó có khoảng 1.800 tấc rác thải nhựa nhưng chỉ có khoảng 200 tấn trong số đó được thu gom, tái chế. Do đó, UBND TPHCM sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ TNMT và các cơ quan khác nghiên cứu, đề xuất thêm các giải pháp để tăng tỉ lệ tái chế chất thải nhựa phát sinh hằng ngày, đồng thời chuẩn bị lộ trình để phân loại rác tại nguồn theo Hướng dẫn số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 2/11/2023 của Bộ TNMT về kỹ thuật phân loại chất thải rắn.

Quang Bình

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI