TPHCM ghi ơn lực lượng chi viện chống dịch

08/10/2021 - 06:24

PNO - Bác sĩ Bùi Quang Huy nhớ lại, hôm đến Bệnh viện Hồi sức COVID-19 nhận công tác, đón đoàn tăng cường chi viện là dòng chữ “Nỗ lực tới cùng” lồng trong một biểu tượng trái tim, được đính trên những cánh cửa bệnh viện. Đó là động lực để mỗi ngày, trước bao áp lực, anh cùng các đồng nghiệp kiên cường bám trụ…

Gần 29.000 y bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ từ mọi miền đất nước đã hỗ trợ TPHCM phòng, chống dịch COVID-19. Tại lễ tuyên dương đoàn công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19, do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức sáng 6/10, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM - nói: “Sự đóng góp to lớn của họ đã giúp TPHCM bước đầu kiểm soát được dịch bệnh, đang lấy lại sức sống và nhịp đập trái tim của một cơ thể đang hồi sinh”.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao Huy hiệu TP.HCM cho các cá nhân tại lễ tuyên dương hôm 6/10
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao Huy hiệu TPHCM cho các cá nhân tại lễ tuyên dương hôm 6/10

“Dịch bệnh đã ở bên kia sườn dốc”

“Nơi chúng tôi làm việc là Bệnh viện (BV) Hồi sức COVID-19 (đóng tại TP.Thủ Đức), một trong những mặt trận khốc liệt của cuộc chiến chống dịch bệnh, nơi hồi sức cho các bệnh nhân nguy kịch. Chúng tôi chiến đấu và nhớ từng trường hợp bệnh nhân không may qua đời để rút ra bài học. Nhưng rồi, tất cả buộc phải mau chóng quên đi sự thất bại nhằm tập trung cho những gì trước mắt, với quá nhiều bệnh nhân đang cần” - bác sĩ Bùi Quang Huy, Phó Trưởng khoa Nội tim trẻ em, BV E Trung ương, kể. Cuộc chiến chống dịch chỉ có monitor và tiếng máy thở rì rì nhưng sự khốc liệt của lằn ranh sinh tử liên tục đẩy các y bác sĩ vào trạng thái gồng mình với hơn 100% sức lực. 

Bác sĩ Bùi Quang Huy nhớ lại, hôm đến BV Hồi sức COVID-19 nhận công tác, đón đoàn tăng cường chi viện là dòng chữ “Nỗ lực tới cùng” lồng trong một biểu tượng trái tim, được đính trên những cánh cửa BV. Đó là động lực để mỗi ngày, trước bao áp lực, anh cùng các đồng nghiệp kiên cường bám trụ.

Hơn một tháng làm việc, họ đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc đan xen nhau: lo lắng, thất vọng, lạc quan, hy vọng. Bác sĩ Bùi Quang Huy lạc quan nhận định: “Dịch bệnh đã ở bên kia sườn dốc”. Thành quả này, có công sức của gần 29.000 con người đã và đang có mặt tại TPHCM hỗ trợ trên khắp các mặt trận chống dịch. Dù vậy, với họ, ngày xác định vào miền Nam, không chỉ đơn thuần là sự hỗ trợ, mà đó thực sự là “cuộc chiến”, là trách nhiệm của mỗi y bác sĩ.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao bằng khen cho các tập thể tại lễ tuyên dương hôm 6/10
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao bằng khen cho các tập thể tại lễ tuyên dương hôm 6/10

Trung tá - bác sĩ Chu Thị Thu Hà - Phó Chủ nhiệm Quân y, Nhà máy Z121, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - kể lại: “17g ngày 26/8, chúng tôi đang ở nhà máy thì nhận được công văn của Bộ Quốc phòng đề nghị chi viện người. Nhiều bạn trẻ đăng ký tham gia. Tôi 52 tuổi cũng xung phong. Ai nấy lo tôi lớn tuổi, khó đảm đương công việc, nhưng tôi nói càng lớn tuổi càng có nhiều kinh nghiệm”. Khi về đến nhà, chồng chị cũng ái ngại, lo lắng cho chị, nhưng chị trấn an: “Em làm được tất cả các đầu việc chống dịch”.

Sáng sớm 27/8, xe đưa bác sĩ Thu Hà cùng 29 thành viên rời tỉnh Phú Thọ về TP.Hà Nội để tập huấn thêm một số kỹ năng. Đó cũng là ngày chị được tiêm vắc xin mũi 2. “Gạt qua tất cả nỗi lo nhiễm bệnh, tôi chỉ có một quyết tâm là dồn hết tâm sức cho công việc” - bác sĩ Thu Hà khẳng định. Chị giấu người mẹ già gần 90 tuổi về chuyến công tác này. Khi biết chuyện, bà liên tục gọi điện hỏi thăm. Chị báo tin vui, dịch ở TPHCM đang từng ngày thuyên giảm. Chị nói: “Sự thật là vậy chứ không phải tôi trấn an mẹ”.

Bác sĩ Thu Hà kể, gần 200 bệnh nhân trong khu cách ly ở xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè - nơi chị làm nhiệm vụ - nay đã xuất viện gần hết, chỉ còn hơn 10 người đang chờ ngày được về nhà. Bác sĩ Thu Hà cho biết thêm, nhiều ngày qua, có hàng chục cuộc điện thoại của các bệnh nhân đã khỏe mạnh, khoe đã rời BV dã chiến, gửi lời cảm ơn chị. Họ từng được chị chăm sóc tại khu cách ly, sau đó bệnh chuyển nặng, phải chuyển qua các BV dã chiến. 

Sau bốn tháng kể từ ngày xuất hiện các ổ dịch rồi sau đó bùng phát, lan rộng, TPHCM hiện có 17/22 quận, huyện đã kiểm soát được dịch bệnh, số bệnh nhân nhập viện ngày một giảm ở tất cả các tầng của tháp điều trị, thấp hơn số xuất viện. Sự bao phủ vắc xin là một trong những yếu tố giúp số ca mắc và số ca tử vong do COVID-19 giảm. 

Dòng chữ trên các cánh cửa ở bệnh viện hồi sức gây ấn tượng với bác sĩ Bùi Quang Huy  (thứ tư từ trái qua) khi anh vào TP.HCM tham gia chống dịch
Dòng chữ trên các cánh cửa ở bệnh viện hồi sức gây ấn tượng với bác sĩ Bùi Quang Huy (thứ tư từ trái qua) khi anh vào TPHCM tham gia chống dịch

Thành phố đang hồi sinh

Bác sĩ Bùi Quang Huy nhận định, dịch bệnh tại TPHCM chưa thể chấm dứt, nhưng tất cả đang nằm trong sự kiểm soát và tới đây, khi các lực lượng chi viện rút quân, ngành y tế TPHCM sẽ tiếp tục kiểm soát tốt. Anh kể, trước khi nhận lệnh vào vùng dịch lớn nhất cả nước, với 11.000 - 12.000 ca nhiễm/ngày: “Khi đó, tôi hình dung về sự khủng khiếp, lo rằng hệ thống y tế bị vỡ trận. Thế nhưng, khi tham gia chống dịch, tôi thấy các quy trình được điều phối nhịp nhàng, phù hợp với tình hình dịch bệnh”­­.

Khi đặt chân đến TPHCM, đoàn hỗ trợ được đưa đón, bố trí chu đáo chỗ ăn, ở, làm việc. Ngay hôm sau, đoàn đã bắt tay vào công việc. “Theo tôi, đó là kết quả của sự điều phối khoa học của ngành y tế TPHCM. Hàng chục ngàn người đã đến TPHCM và ai nấy đều hòa nhịp được với guồng quay công việc” - bác sĩ Bùi Quang Huy nhận định. Anh còn ấn tượng về sự đồng lòng của người dân qua việc họ tuân thủ nghiêm túc các quy định về giãn cách, cách ly và luôn tìm cách giúp đỡ lẫn nhau. Họ đã gửi đồ ăn, thức uống để nhân viên y tế hồi sức sau những giờ phút cam go, căng thẳng.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Việt An - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh - nhớ lại, ở Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 của BV Bạch Mai tại TPHCM, nơi anh công tác, có trường hợp một sản phụ mắc COVID-19, sức khỏe diễn tiến xấu, khả năng tử vong cao. Thế nhưng, chị đã gắng thở và đã hồi phục một cách kỳ diệu. 

Bác sĩ Lê Việt An tham gia hiến máu tình nguyện trong chuyến công tác tại TP.HCM
Bác sĩ Lê Việt An tham gia hiến máu tình nguyện trong chuyến công tác tại TPHCM

TPHCM đang hồi sinh. Tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM cũng đang xây dựng lộ trình rút quân của lực lượng chi viện. Những ngày tháng đau thương nhất đã đi qua, nhưng khó khăn vẫn còn đó. Ông Phan Văn Mãi tin tưởng: “Khó khăn, thách thức chưa phải đã hết, nhưng với sự chung sức, chung lòng, chúng ta sẽ vượt qua tất cả”. 

Sắp tới đây, lực lượng chi viện sẽ rời TPHCM để về với gia đình và công việc. Bác sĩ Quang Huy vẫn không quên hứa hẹn ngày trở lại thành phố. Anh nói: “Chúng tôi sẽ đi dạo, ngắm nhìn một TPHCM trẻ trung, năng động và mỉm cười nhẹ nhõm với một chút tự hào nho nhỏ về sự góp sức của mình”. Còn bác sĩ Thu Hà nói, sẽ nhớ mãi sự nồng hậu, chân chất, nhiệt tình của người dân TPHCM. 

Tuyết Dân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI