TPHCM gặp khó chi trả lương cho nhân viên mầm non

21/08/2023 - 18:28

PNO - Trường mầm non công lập TPHCM gặp khó khăn trong chi trả lương cho nhân viên do đó chưa thu hút được người lao động làm việc.

Thông tin được đưa ra trong Hội nghị tổng kết giáo dục mầm non năm học 2022-2023 sáng 21/8 do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức.

Năm học 2022-2023, TPHCM có 1.287 trường mầm non (467 công lập, 820 trường ngoài công lập), cùng 1.736 nhóm lớp độc lập, nhóm trẻ 7 trẻ. Tổng số trẻ toàn ngành là 332.572 trẻ. Trong đó, trên 98% trẻ được cập nhật mã định danh, hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành. Về đội ngũ, toàn ngành có 36.166 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, bao gồm 15.357 đội ngũ công lập và 20.809 ngoài công lập.

Trường mầm non công lập TPHCM gặp khó trong chi trả lương cho nhân viên
Trường mầm non công lập TPHCM gặp khó trong chi trả lương cho nhân viên

Năm học 2022-2023, thành phố tiếp tục ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình mầm non, mua sắm trang thiết bị: 16 cơ sở mầm non có phòng học mới đưa vào sử dụng từ hè năm 2022, trong năm đã đưa vào sử dụng 210 phòng học mới, tăng 148 phòng với tổng kinh phí 674.261 tỷ đồng từ ngân sách thành phố; 3 cơ sở mầm non được xây mới, xây dựng trên nền đất cũ và mở rộng, với tổng kinh phí trên 84 tỷ đồng. Tổng kinh phí mua sắm trang thiết bị đồ dùng dạy học là 143.113 tỷ đồng; inh phí sửa chữa là 249.208 tỷ đồng. 

Tính đến cuối năm 2022-2023, toàn thành phố có 233/1.287 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 18,1%), tăng 35 trường so với năm học 2021-2022. Trong đó công lập có 222/467 trường (chiếm tỷ lệ 47,5%), ngoài công lập 11/820 trường, tỷ lệ 1,3%. 

Theo bà Lương Thị Hồng Điệp- Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM, hiện nay các cơ sở giáo dục mầm non công lập thành phố gặp khó khăn trong chi trả lương cho đội ngũ nhân viên vì nguồn ngân sách nhà nước không cấp để chi trả lương cho đối tượng này nên thu nhập đội ngũ không cao, chưa thu hút được người lao động. Cạnh đó, việc bố trí 2 người để thực hiện nhiệm vụ các vị trí kế toán, văn thư, y tế, thủ quỹ trong trường là vô cùng khó khăn.

Ngoài ra, theo bà Điệp quy định trong thông tư 13 “Trường mầm non có quy mô tối thiểu 9 nhóm, lớp và tối đa 20 nhóm, lớp” là chưa phù hợp với điều kiện địa lý thành phố, ảnh hưởng đến chỉ tiêu phấn đấu đạt kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

“Một số quận, huyện có áp lực rất lớn về số lượng trẻ. Để đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ, trường mầm non công lập phải tiếp nhận trẻ thường trú trên địa bàn để cha mẹ trẻ an tâm công tác, vì vậy ảnh hưởng đến công tác đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục và chuẩn quốc gia”- bà Điệp nhận định.

Thông tin thêm, bà Lê Thuỵ Mỵ Châu- Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, trong năm qua, Sở GD-ĐT đã tham mưu cơ chế chính sách đãi ngộ cho đội ngũ giáo viên mầm non với các Nghị quyết số 07, 01, 27, góp phần tạo thêm động lực cho đội ngũ an tâm công tác.

Sở GD-ĐT TPCM khen thưởng các tập thể đạt thành tích cao trong giáo dục mầm non
Sở GD-ĐT TPHCM khen thưởng các tập thể đạt thành tích cao trong giáo dục mầm non

Năm học vừa qua, công tác chuyển đổi số, xây dựng trường tiên tiến hội nhập quốc tế, trường học an toàn, quản lý, nâng cao chất lượng các nhóm trẻ độc lập, giúp trẻ làm quen tiếng Anh là các chủ đề xuyên suốt của giáo dục mầm non trong năm học qua. 

Thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024, bà Lê Thuỵ Mỵ Châu yêu cầu mỗi nhà trường, từng cán bộ quản lý, giáo viên tự nhìn nhận, đánh giá kết quả của đơn vị, cá nhân, khắc phục những hạn chế. Tập trung chuẩn bị năm học mới về huy động trẻ đến trường, cơ sở vật chất phòng học, đội ngũ giáo viên, nhất là công tác phối hợp với phụ huynh và địa phương trong công tác phổ cập giáo dục.

Đặc biệt, bà yêu cầu các trường nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ về thể chất, tinh thần; tập trung các giải pháp xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, nhân rộng mô hình trường thực hiện chương trình chất lượng cao; hoàn thiện cơ sở dữ liệu về hồ sơ trường, đội ngũ, trẻ, khai thác hiệu quả kho học liệu dùng chung, chú trọng phối hợp giữa gia đình, nhà trường.

“Mục tiêu là trẻ mầm non được giáo dục, chăm sóc chu đáo nhất, được sinh hoạt trong môi trường hạnh phúc nhất”- bà Lê Thuỵ Mỵ Châu nhấn mạnh.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI