Ngày 7/5, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo Quyết định của UBND TPHCM ban hành quy định về điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn thành phố.
Tách thửa là nhu cầu chính đáng của người dân, được pháp luật đất đai quy định. Tuy nhiên, hiện nay khi Luật Đất đai và một số nghị định hướng dẫn thi hành có hiệu lực, nội dung của Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND của UBND TPHCM ban hành ngày 5/12/2017 quy định diện tích tối thiểu được tách thửa không còn phù hợp. Các nội dung liên quan cần được sửa đổi nhằm giải quyết nhu cầu cho người dân, đồng thời, không để xảy ra tình trạng lạm dụng, biến tướng, phá vỡ quy hoạch.
|
Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Quyết định của UBND TPHCM ban hành quy định về điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa - Ảnh: Quốc Ngọc |
Phát biểu tại hội nghị, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, vào thời điểm ban hành, Quyết định 60/2017/QĐ-UBND đã góp phần ngăn chặn, hạn chế được nạn phân lô bán nền trái phép đang hoành hành trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, quyết định này cũng bộc lộ các bất cập, hạn chế, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của người dân.
“Trên cơ sở Luật Đất đai 2024 chuẩn bị có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2025, tôi thấy cần thiết dựa trên tinh thần, nội dung của luật này nhằm soạn thảo nội dung dự thảo cho quyết định mới bảo đảm tính phù hợp, không trái luật và có cơ sở áp dụng trên thực tế vào thời điểm Luật Đất đai 2024 có hiệu lực pháp luật thay thế Luật Đất đai 2013”, ông Nguyễn Văn Hậu nói.
Một trong số các kiến nghị của luật sư liên quan đến điều kiện thửa đất được phép tách thửa. Theo ông, cần cân nhắc sửa đổi nội dung quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 3 của dự thảo quyết định theo hướng phù hợp với pháp luật đất đai năm 2024. Thay vì “Các thửa đất trước và sau khi tách thửa đều phải tiếp giáp với đường giao thông đã được cơ quan có thẩm quyền công bố”, thì nên sửa thành “Các thửa đất sau khi tách thửa phải bảo đảm có lối đi và phải tiếp giáp với đường giao thông công cộng hiện có”.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng đã tiếp thu các ý kiến đóng góp phản biện. Về quy định diện tích tối thiểu để tách thửa, ông cho biết sở đã cùng với các sở, ngành, quận, huyện theo dõi việc chia khu vực. Theo Quyết định 60/2017/QĐ-UBND trước đây, quy định diện tích như vậy đã giúp cho quận, huyện tổ chức thực hiện rất phù hợp với các nội dung mà các địa phương đang thực hiện chia tách ở từng khu vực một.
“Cho nên những điểm kế thừa từ Quyết định 60/2017/QĐ-UBND chính là giữ nguyên quy định diện tích tối thiểu chia theo khu vực. Bởi vì nội dung này hoàn toàn ổn định và đúng quy định, bảo đảm khi ban hành thì các quận, huyện thực hiện được”, ông Nguyễn Toàn Thắng nói.
Như vậy, thửa đất ở mới hình thành và thửa đất ở còn lại sau khi tách thửa vẫn phải đảm bảo diện tích tối thiểu theo Khu vực 1 (gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và Tân Phú) là 36m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 3m. Khu vực 2 (gồm các quận 7, 12, Bình Tân, TP Thủ Đức và thị trấn các huyện) tối thiểu 50m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 4m. Khu vực 3 (gồm các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, ngoại trừ thị trấn) tối thiểu 80m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 5m.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, dự thảo sửa Quyết định 60/2017/QĐ-UBND chủ yếu có 2 nội dung chính là quy định điều kiện và diện tích tối thiểu để tổ chức thực hiện tách thửa, trong đó có một nội dung rất quan trọng đó là phải căn cứ vào quy hoạch. Quy hoạch lần này chia làm 2 nhóm: dân cư hiện hữu căn cứ quy hoạch 1/2000, còn dân cư hỗn hợp và xây dựng mới căn cứ quy hoạch 1/500.
Quốc Ngọc