Chiều 6/12, tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19, trước câu hỏi về biến thể Omicron đã vào TPHCM hay chưa, ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó giám đốc điều hành Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM - cho biết hiện tại biến thể Omicron chưa được ghi nhận tại địa bàn Thành phố nhưng các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn biến thể này.
Cụ thể, giải pháp hàng đầu là ngăn chặn từ biên giới và xuất nhập cảnh. Theo ông, tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ kiểm soát chặt người nhập cảnh bao gồm tiêm vắc xin và kết quả xét nghiệm âm tính. Sau đó, người nhập cảnh phải cách ly tập trung 7 ngày và cách ly tại nhà thêm 7 ngày, tổng cộng phải cách ly 14 ngày. Đối với người nhập cảnh bằng đường hàng hải, phải cách ly trên tàu 7 ngày trước khi lên bờ tiếp tục cách ly.
"Riêng đối với người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, ngành y tế sẽ phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM để giải trình tự gen, tầm soát biến chủng. Tôi khẳng định, đến thời điểm hiện tại biến thể Omicron chưa được ghi nhận tại TPHCM", ông Nguyễn Hồng Tâm nói.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của TPHCM trong kiểm soát biến thể này là các trường hợp người nhập cảnh "chui" bằng đường bộ, xuyên qua các tỉnh giáp biên giới để vào Thành phố. Về vấn đề này, ngành y tế sẽ tích cực phối hợp với công an địa phương để rà soát, cách ly và tiến hành giải trình tự gen nếu phát hiện người nhập cảnh "chui" dương tính.
Ông lưu ý, để kiểm soát tốt dịch tại địa bàn, TPHCM cũng tăng cường các phương án nhằm thích ứng phù hợp, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh tăng như hiện nay. Việc tăng cường tiêm vắc xin ngừa COVID-19 bổ sung, tiêm nhắc lại đang được chú trọng.
Trong đó, việc tiêm bổ sung dành cho người có bệnh nền, lớn tuổi, còn tiêm nhắc lại sẽ thực hiện ở người đã hoàn thành 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 trên 6 tháng.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM - cho biết Sở Y tế phối hợp với Bộ Tư lệnh và UBND TP để xây dựng thế trận nhận diện từ xa COVID-19, “tác chiến” hiệu quả, ngăn chặn biến thể Omicron tại TPHCM.
Trong đó, Thành phố thành lập một khu riêng để chăm sóc, điều trị khi phát hiện người mắc biến thể Omicron, không lưu bệnh chung với bệnh nhân COVID-19 trước đó.
"Thành phố dự kiến sẽ đưa những F0 nhiễm biến thể Omicron trên địa bàn điều trị riêng tại Bệnh viện Dã chiến số 12, tại TP Thủ Đức, do nơi này tương đối biệt lập, ít người dân, để có thể phân loại từng nhóm nguy cơ", bà Huỳnh Mai nói thêm.
Về việc điều trị F0 trên địa bàn TPHCM, Sở Y tế đã có văn bản gửi các bệnh viện để hướng dẫn thu dung điều trị khi người dân đến các cơ sở y tế để chủ động tiếp nhận điều trị thu dung bệnh nhân. Các bệnh viện hiện nay phải thực hiện tái cấu trúc lại bệnh viện phải có khoa khám sàng lọc, khu vực cách ly tạm thời, nếu bệnh nhân có kết quả dương sẽ đưa vào khoa COVID-19 nhằm tránh di chuyển người bệnh.
Ngoài 8 bệnh viện dã chiến đã giải thể, 13 bệnh viện dã chiến còn lại phải tiếp tục được giữ lại phòng khi số lượng bệnh nhân tăng cao. Bệnh viện tách đôi vẫn tiếp nhận F0, bệnh viện chuyển đổi công năng sẽ tiếp tục điều trị bệnh nhân COVID-19.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đã gom các bệnh viện để ghép cụm, nâng đỡ, hỗ trợ nhau trong chẩn đoán, hội chẩn bệnh nhân F0 nặng. Thực hiện tăng cường hệ thống y tế cơ sở, trạm y tế địa phương, trạm y tế lưu động để đáp ứng kịp thời cho người dân khi nhiễm COVID-19 và cần sự hỗ trợ. Duy trì và làm tốt hơn các túi thuốc cho người F0 đang điều trị tại nhà theo hướng dẫn chăm sóc F0 điều trị tại nhà phiên bản 1.6.
Cách chống dịch hiệu quả của huyện Bình Chánh Ngoài ra việc thành lập 1.932 tổ COVID-19 tự quản hoạt động ngay từ đầu mùa dịch, ông Đào Gia Vượng - Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh - cho biết địa phương có 16 trạm y tế với 131 người tham gia, trong đó, có 15 bác sĩ, 18 y sĩ, 51 điều dưỡng, 15 dược sĩ... những cơ sở này được trang bị các bình oxy và cơ số thuốc để thực hiện cấp cứu với tổng cộng 400 giường nhằm chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn huyện. | Huyện Bình Chánh đang chủ động trong kiểm soát dịch |
Hiện tại, địa bàn có 98 tổ chăm sóc F0 tại nhà với 466 thành viên tham gia. Do đó, tình hình dịch COVID-19 tại huyện cơ bản kiểm soát được, số ca chuyển nặng cũng giảm so với trước. Tuy vậy, huyện cũng chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, số lượng F0 trên địa bàn tăng: chuẩn bị 1 khu cách ly tập trung tại xã Vĩnh Lộc B. Khu này được thiết lập ngay từ đầu mùa dịch với công suất 512 giường. Bên cạnh đó, huyện cũng có thêm 3 block tại chung cư Vĩnh Lộc với 650 giường. Đặc biệt, địa phương còn có 1 bệnh viện dã chiến hoạt động như 1 bệnh viện đa tầng với công suất 600-1.000 giường. Trong đó, có 100 giường trang bị oxy, máy thở... để kịp thời theo dõi và can thiệp bệnh nhân chuyển nặng. Ngoài ra, huyện Bình Chánh còn thiết lập 1 khu cách ly dự phòng với gần 300 giường để khi F0 tăng cao sẽ tận dụng khu này làm nơi thu dung, điều trị. Song song đó, huyện cũng vận động các chủ nhà trọ trên địa bàn dành 5-105 tổng số phòng cho thuê để làm nơi cách ly tạm thời những trường hợp là người thuê trọ khi phát hiện dương tính SARS-CoV-2. |
Phạm An