TPHCM dự kiến tăng thêm gần 1.000 trường học đến năm 2030

25/02/2022 - 20:30

PNO - Dự kiến đến năm 2030, TPHCM sẽ tăng thêm gần 1.000 trường học, đáp ứng chỗ học cho khoảng 50.000 học sinh tăng trung bình hàng năm.

Thông tin được Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu nêu ra tại hội nghị tổng kết thực hiện Quyết định số 02/2003/QĐ-UB ngày 3/1/2003 của UBND TPHCM về phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới trường học ngành GD-ĐT TP đến năm 2020 vào ngày 25/2. 

Đến năm 2030, TP.HCM dự kiến tăng thêm 1.000 trường học mới
Đến năm 2030, TPHCM dự kiến tăng thêm 1.000 trường học mới

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đánh giá, việc thực Quyết định số 02 của UBND TP về quy hoạch mạng lưới trường lớp trên địa bàn thành phố thời gian qua gặp nhiều khó khăn về quy hoạch đất.

Giai đoạn 2003-2020, việc xây mới, xây thay thế, nâng cấp cải tạo, mở rộng các trường học đa số thực hiện trên đất hiện hữu do chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng cao nên việc mở rộng khuôn viên trường rất hạn chế. Muốn thu hồi phải thực hiện thương lượng, đền bù rất khó khăn và kéo dài. Nhiều khu vực thậm chí đã được phê duyệt nhưng không thể triển khai xây dựng trường học, dẫn đến gia tăng áp lực sĩ số học sinh/lớp, không đáp ứng được phòng học đạt chuẩn. 

Đến nay, tỷ lệ học sinh tiểu học thành phố học 2 buổi/ngày chỉ đạt 74,1%; THCS là 57,89%; THPT đạt 95,68%.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho hay, căn cứ trên tình hình gia tăng dân số cơ học trong thời gian gần đây và dự báo quy mô dân số đến 2030 khi mỗi năm thành phố tăng khoảng 50.000 học sinh. Trên cơ sở đó, ngành GD-ĐT TP phối hợp với các sở, ngành dự kiến tăng thêm gần 1.000 trường học đến 2030, đáp ứng được nhu cầu về chỗ học cho học sinh thành phố.

Tới đây, TPHCM sẽ có điều chỉnh quy hoạch tổng thể. Đây là dịp để Sở GD-ĐT tham mưu với UBND TP đưa vào quy hoạch chung các vị trí đất dành cho sự phát triển giáo dục trong những năm sắp tới, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Bên cạnh dành quỹ đất, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP cho hay đó còn là việc cải tạo, nâng cấp, nâng tầng các cơ sở giáo dục hiện có. Ví dụ, các trường học nội thành, đất đai khan hiếm, việc tận dụng chiều cao để sử dụng làm các khu chức năng, ưu tiên từ tầng 1 đến tầng 4 dành cho phòng học.

Hướng cải tạo xây dựng, trang thiết bị hiện đại cũng là một trong những định hướng mà ngành GD-ĐT TP đang hướng tới để đảm bảo đủ phòng học, phòng học đạt chuẩn, phòng thí nghiệm cho học sinh thành phố, đáp ứng nhu cầu học tập trong giai đoạn tới. 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Hòa Bình đề nghị các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung phân tích, có giải pháp, hành động cụ thể, nghiên cứu tham mưu thực hiện 4 nhóm giải pháp đẩy mạnh quy hoạch mạng lưới trường học, bao gồm: nhóm giải pháp về quy hoạch; nhóm giải pháp về đất; nhóm giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất; nhóm giải pháp về đầu tư, quy hoạch vốn. 

Trong đó, ông yêu cầu UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục thực hiện phát triển quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060. Trong giai đoạn đó, có quy hoạch GD-ĐT giai đoạn 2021-2030 theo Luật Quy hoạch.

Dịp này, UBND TP.HCM trao tặng Bằng khen cho 22 tập thể, 19 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Quyết định 02/2003
UBND TPHCM trao tặng Bằng khen cho 22 tập thể, 19 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Quyết định số 02/2003

Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hòa Bình nhấn mạnh, việc rà soát quy hoạch mạng lưới trường học phải phù hợp với điều kiện kinh tế, quy mô phát triển từng địa phương, không chạy theo con số mà phải đảm bảo chất lượng giáo dục phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển.

Ưu tiên ngân sách quy hoạch phát triển ở các địa bàn tăng dân số cao, tập trung khu công nghiệp, khu chế xuất như TP. Thủ Đức, Q.7, 12, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Bình Chánh.

Phó chủ tịch Thường trực UBND TP đề nghị ngành GD-ĐT TP chủ động làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài chính điều chỉnh lại cơ sở vật chất trường học khi sử dụng làm các bệnh viện dã chiến, đáp ứng nhu cầu cho học sinh tới trường học trực tiếp.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, tính đến hết năm 2020, học sinh thành phố đã tăng 1,63 lần so với năm 2003. Số phòng học đã tăng 2,06 lần.

Hiện nay, toàn thành phố có 2.366 trường học, tăng thêm 1.047 trường so với năm 2003. Tổng số học sinh là 1.682.908 em, tăng 651.968. Tổng số phòng học là 48.054, tăng 24.683.

Đến cuối năm 2020, TP đạt được 292 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi từ 3-18 tuổi. Dù vậy, vẫn chưa đáp ứng mục tiêu học 2 buổi/ngày cho tất cả học sinh, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp. 

Giai đoạn từ 2003-2020, mỗi năm thành phố tăng khoảng 50.000 học sinh, chủ yếu ở các quận 7, 9, 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, TP. Thủ Đức và huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi do tốc độ đô thị hóa nhanh, tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp.

Tấn Dũng 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI