TPHCM dự kiến đưa vào sử dụng 476 phòng học trong năm học mới

31/08/2024 - 17:42

PNO - Bình quân mỗi năm, thành phố tăng thêm khoảng 25.000 học sinh, khiến sĩ số học sinh/lớp luôn vượt cao so với chuẩn, nhất là cấp tiểu học.

Theo báo cáo ngày 30/8/2024 của Sở GD-ĐT TPHCM về công tác chuẩn bị năm học mới, dự kiến năm học 2024-2025 sẽ có 1.707.220 học sinh nhập học tại các trường công lập và 1.082.185 tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, trong đó có 12.283 học sinh nước ngoài.

Như vậy, so với năm học trước, toàn thành phố tăng 24.097 học sinh, với 22.592 công lập và 12.463 ngoài công lập. Nếu chia theo cấp học, mầm non tăng 6.262 học sinh (công lập tăng 2.987, ngoài công lập tăng 3.275). Tiểu học giảm 6.185 với học sinh công lập giảm 6.966, nhưng ngoài công lập tăng 781. THCS tăng 7.022 nhưng ngược lại, học sinh công lập tăng 7.437 thì ngoài công lập giảm 415. Cấp THPT tăng 16.999 học sinh với công lập tăng 13.831, ngoài công lập tăng 3.168.

Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, bình quân mỗi năm, thành phố tăng thêm khoảng 25.000 học sinh làm sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn, nhất là cấp tiểu học. Việc gia tăng số học sinh dẫn đến tăng biên chế và hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy.

Dự kiến trong năm 2024, TPHCM sẽ đưa vào sử dụng 23 dự án với 476 phòng học mới, tổng mức đầu tư hơn 2.237 tỉ đồng. Công tác sửa chữa, mua sắm trang bị cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học dự kiến phân bổ cho khối quận, huyện khoảng hơn 496 tỉ đồng. Tổng kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị theo kế hoạch phân bổ dự toán năm 2024 của khối THPT gần 43 tỉ đồng.

Về công tác tuyển dụng giáo viên toàn ngành có một số khó khăn. Trong đó, đáng chú ý là nguồn tham gia tuyển dụng chưa đáp ứng nhu cầu tại vị trí giáo viên tiếng Anh (tiểu học), tin học, mỹ thuật, âm nhạc, công nghệ và một số vị trí nhân viên khác.

Một trong những công tác trọng tâm năm học 2024-2025 của TPHCM là tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý, và bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, học sinh xã đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, và cán bộ quản lý giáo dục các cấp…

Trước đó, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã yêu cầu Sở GD-ĐT tham mưu ngày 12/9 để trình Thường trực Thành ủy kết quả trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 17 HĐND thành phố sắp tới.

Cụ thể, cử tri các quận 1, 3, 11, Phú Nhuận, huyện Hóc Môn kiến nghị đầu tư thêm cơ sở vật chất để tăng tỉ lệ học sinh được vào trường công lập, và có môi trường giáo dục tốt hơn như mong muốn của phụ huynh và học sinh. Việc đổi mới giáo dục phải có sự đồng bộ giữa Sở GD-ĐT, các trường về chương trình học, nội dung giảng dạy, cũng như việc ra đề thi cần nghiên cứu khoa học, phù hợp với chương trình đào tạo, lứa tuổi các em.

Cử tri cũng đề nghị xem xét, điều chỉnh phân tuyến hợp lý theo từng địa bàn. Việc phân luồng học sinh vào các loại hình trường lớp khác, hay định hướng vừa làm vừa học phù hợp với năng lực, sở thích, hoàn cảnh, nhận thức của học sinh, gia đình và hoàn toàn tự nguyện.

Riêng cử tri quận 11 kiến nghị thành phố cho phép quận sử dụng các mặt bằng trống tại khu nhà thiếu nhi cũ, khu đất tại đường Lãnh Binh Thăng để xây trường mới.

Huyện Củ Chỉ kiến nghị thêm công tác tuyển sinh đầu cấp cần xem xét, có chế độ chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp con quân nhân theo địa bàn công tác, để đảm bảo việc học tập của học sinh và việc thực hiện nhiệm vụ của phụ huynh.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI