TPHCM dự báo thừa thiếu cục bộ giáo viên bậc THPT

07/05/2023 - 07:13

PNO - Nhiều trường THPT tại TPHCM dự báo tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 trong 2 năm tiếp theo.

Ông Lâm Triều Nghi - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình) đánh giá, sau một năm triển khai Chương trình mới ở khối lớp 10, đến thời điểm này có thể nhận thấy học sinh đã rất tự tin, mạnh dạn, bắt nhịp với những đổi mới của chương trình trong phương pháp học cũng như kiểm tra, đánh giá.

Dù vậy, ông lại dự báo về tình trạng thừa thiếu giáo viên lệ thuộc vào việc lựa chọn nhóm môn học lựa chọn của học sinh.

Nhiều trường cảnh báo về tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ trong chương trình mới (hình minh hoạ)
Nhiều trường cảnh báo về tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ trong chương trình mới (hình minh hoạ)

“Cần phải sau 1 chu kỳ 3 năm thực hiện chương trình thì đội ngũ giáo viên triển khai chương trình mới có thể đi vào ổn định. Còn hiện nay khi chương trình vẫn đang chạy ở từng khối lớp, trường vẫn bị động, phụ thuộc vào sự chọn lựa các môn học lựa chọn của học sinh. Các môn học nào học sinh chọn nhiều thì khả năng sẽ thiếu giáo viên, còn môn học nào học sinh ít chọn thì sẽ thừa giáo viên” - ông băn khoăn. 

Tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, năm đầu tiên Chương trình GDPT 2018 triển khai ở khối lớp 10 được trường thiết kế linh hoạt, đảm bảo quyền lợi tối đa cho học sinh. Với đặc thù trường chuyên, học sinh trường được lựa chọn 3 môn học trong nhóm 4 môn học lựa chọn theo phương án tối ưu đúng với năng lực, sở trường của mình.

Tuy nhiên, bà Phạm Thị Bé Hiền - Hiệu trưởng nhà trường tính toán, cách thức triển khai này cũng khiến trường đứng trước thực trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Trong những năm sắp tới, trường dự báo thừa đối với giáo viên các môn lý, hoá, sinh, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật, công nghệ, nghề. Riêng các môn âm nhạc, mỹ thuật, trường dự báo thiếu giáo viên vì thiếu nguồn tuyển dụng.

“Trường được phân cấp tuyển dụng nên chủ động hơn trong công tác tuyển dụng đội ngũ, đặc biệt là giáo viên các môn học mới và giáo viên dạy môn chuyên. Dù vậy, trước dự báo thừa, thiếu giáo viên cục bộ khi triển khai chương trình trong những năm tiếp theo trường cũng chưa biết triển khai ra sao…”.

Đội ngũ giáo viên sẽ biến động theo việc lựa chọn môn học lựa chọn của học sinh trong chương trình mới
Đội ngũ giáo viên sẽ biến động theo việc lựa chọn môn học lựa chọn của học sinh trong chương trình mới

Ở nhiều trường THPT khác tại TPHCM, nhằm tránh rơi vào tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ khi học sinh được lựa chọn môn học, phương án được các trường áp dụng là trường sẽ thiết kế các nhóm môn học lựa chọn, sắp đặt sẵn để tư vấn cho phụ huynh học sinh lựa chọn. Tuy nhiên, ngay trong năm đầu tổ chức, cách thức này vẫn cho thấy tồn tại những hạn chế khi nhiều giáo viên vẫn “ngồi không”, nhiều giáo viên lại “chạy bở hơi tai”.

“Giáo viên công nghệ, sinh học tại trường vẫn đang dư tiết hơn so với quy định do ít học sinh lựa chọn học các môn này trong chương trình mới. Vì thế, trường hiện phân công thầy cô bộ môn này phụ trách thêm các bộ môn mới như hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương để san sẻ bớt. Mặc dù vậy, nếu nhìn xa trong lộ trình 3 năm triển khai chương trình mới ở bậc THPT thì những giáo viên dôi dư sẽ chưa biết sắp xếp thế nào…”- ông Ngô Hùng Cường- Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên chia sẻ. 

Đứng trước bài toán thừa thiếu giáo viên cục bộ ở bộ ở bậc THPT trong Chương trình GDPT 2018, trong cuộc họp về việc triển khai Chương trình GDPT 2018 mới đây, ông Nguyễn Thanh Tòng - Hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc (huyện Bình Chánh) đã đề xuất Sở GD-ĐT TPHCM cần có phương án tuyển dụng giáo viên cho các nhà trường để giúp các trường tránh rơi vào tình thế bị động do biến động đội ngũ. Việc tuyển dụng có thể tổ chức làm 2 đợt trong năm học thay vì 1 đợt như hiện nay.

“Việc chọn nhóm môn học lựa chọn của học sinh khối 10 trong Chương trình GDPT 2018 sẽ tác động, làm biến động đội ngũ giáo viên ở các nhà trường, ngay cả khi trường xây dựng các nhóm môn học lựa chọn dựa vào đặc thù đội ngũ. Nếu không có sự tuyển bổ sung, tính toán về đội ngũ thì các trường sẽ rất khó…” - ông Nguyễn Thanh Tòng phân tích.

Phải tính bài toán dài hơi về đội ngũ trong suốt 3 năm triển khai Chương trình

Để chủ động về đội ngũ khi triển khai Chương trình GDPT 2018, ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nhìn nhận, trong việc thiết kế nhóm môn học lựa chọn khi triển khai Chương trình GDPT 2018, các trường THPT phải có sự tính toán đội ngũ một cách dài hơi, trong lộ trình suốt 3 năm triển khai chương trình chứ không phải là trong từng năm một, từ đó có đề xuất với Sở GD-ĐT trong tuyển dụng giáo viên phù hợp.

Bên cạnh đó, trường phải chủ động xây dựng chiến lược phát triển trường trong vòng 5-10 năm tới, để có tầm nhìn về đội ngũ, cơ sở vật chất khi triển khai chương trình một cách tốt nhất, đặc thù nhất, chủ động nhất về nguồn lực nhà trường. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI