COVID-19 trở lại vào dịp cận tết khiến mọi kế hoạch của người dân đảo lộn. Trước tình thế dịch bệnh có thể bùng lên bất cứ lúc nào, TPHCM đã báo động ở trạng thái cảnh giác cao nhất. Các đội phản ứng nhanh, công tác xét nghiệm đều chuyển sang trạng thái sẵn sàng “ra trận”. Hệ thống y tế sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh khác nhau.
Virus “chui” qua cổng bệnh viện không dễ
Ngày cũng như đêm, trước cổng Bệnh viện (BV) Quận 2 TPHCM luôn có chốt trực bảo vệ, kịp thời hướng dẫn người dân thực hiện khai báo y tế trước khi vào khám bệnh. Để kiểm soát dịch, thay vì giữ xe phía bên trong BV, bãi giữ xe được dời ra ngoài. Sau khi giữ xe, người đến khám sẽ theo lối khép kín vào nơi khai báo y tế. Cạnh nơi khai báo y tế, hai buồng khám sàng lọc các bệnh về hô hấp luôn có các nhân viên trực chiến, không để những ca nghi nhiễm COVID-19 vào bên trong.
|
Thay vì khai báo bằng giấy như trước đây, người dân có thể chủ động khai báo điện tử - Ảnh: Phạm An |
Chị Trần Thị Ánh Hồng (34 tuổi, ở P.Bình Trưng Tây, Q.2) vừa cho hai con rửa tay khử khuẩn ở lối vào, vừa đọc số điện thoại để nhân viên y tế nhập vào bảng điện tử. Sau khi lấy thông tin, đo thân nhiệt, kiểm tra cách đeo khẩu trang, nhân viên đóng dấu “đã sàng lọc”, chị và các con mới được bước qua cổng đăng ký khám bệnh. Chị Hồng cho biết: “Tôi thấy BV dán bảng hướng dẫn sáu bước rửa tay đúng cách và các khuyến cáo phòng dịch, bởi không phải ai cũng nhớ”.
Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Quận 2 TPHCM, thông tin: “Mỗi ngày, BV tiếp nhận khoảng 3.000 bệnh nhân nên tuyệt đối không lơ là việc kiểm soát dịch COVID-19, dù ở khâu nhỏ nhất. BV được Bộ Y tế cấp phép xét nghiệm, khẳng định COVID-19. BV sẽ đưa các buồng lấy mẫu xét nghiệm di động để sàng lọc, ngăn chặn kịp thời COVID-19. Các ca nghi ngờ sẽ được xét nghiệm cho kết quả trong vòng 5 tiếng, thuận tiện hơn trong việc sàng lọc tại BV cũng như hỗ trợ truy vết”.
Cách kiểm soát chặt chẽ này cũng diễn ra tại BV Da liễu, BV Ung Bướu, BV Nhi Đồng 1… Đặc biệt, tại BV Nhân dân 115, người bệnh được kiểm tra tại ba chốt. Chốt chặn đầu tiên, sau khi khử khuẩn, mỗi người phải đưa chứng minh nhân dân ra mới được vào cửa cổng. Chốt chặn thứ hai là khai báo y tế, đo thân nhiệt và kiểm soát mỗi người bệnh chỉ được đi cùng một người thân. Chốt chặn thứ ba, người bệnh mua sổ và có nhân viên hướng dẫn khu khám, còn người thân ở ngoài sân đợi.
Với lượng bệnh nhân mỗi ngày khoảng 4.000 người, trong đó rất đông là người cao tuổi, có bệnh lý mạn tính… BV Nhân dân Gia Định đưa vào sử dụng hệ thống “phòng thủ” COVID-19 từ xa. BV thực hiện khai báo y tế điện tử bằng nhiều hình thức như: khai báo trên trang web BV, khai báo bằng quét mã QR code, khai báo điện tử qua hệ thống iPad tại BV và nhân viên sẽ hỗ trợ người lớn tuổi, người chưa quen các thao tác. Lối đi riêng sẽ ưu tiên cho các trường hợp khai báo tại nhà. Mới đây, BV đưa vào sử dụng hệ thống đo thân nhiệt từ xa.
Theo quan sát của chúng tôi sáng 29/1, tại phòng cấp cứu của BV Nhân dân Gia Định luôn có hai nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ trùm kín người đảm nhận khâu tiếp nhận ban đầu người vào cấp cứu. Những trường hợp người bệnh có yếu tố dịch tễ không rõ ràng hoặc không khai thác được tiền sử sẽ được cấp cứu tại buồng sàng lọc với đầy đủ trang thiết bị chuyên dụng, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các bệnh nhân khác đang điều trị tại khoa cấp cứu.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, nói: “Những biện pháp kiểm soát dịch tại BV được thực hiện theo công nghệ thông tin để y bác sĩ đỡ vất vả và giải quyết được tình trạng ùn ứ dòng người đi khám chữa bệnh. Càng thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh thì khả năng đón lõng, ngăn chặn sớm càng hiệu quả. Công tác này sẽ vẫn duy trì trong và sau Tết Nguyên đán”.
Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi Đồng 1, chia sẻ: “Để đảm bảo an toàn phòng dịch, bảo vệ sẽ mời những thân nhân không mang khẩu trang, không khai báo y tế ra ngoài. Chỉ một người nhà được ở lại chăm bé”.
“Chuông reo” là truy vết
Sàng lọc tại phòng cấp cứu là một trong những khâu trọng yếu mà phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, đã chỉ đạo các BV phải tuyệt đối tuân thủ. Về điều trị, hiện thành phố có bốn BV chuyên tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 với tổng số 1.300 giường. Đó là BV Điều trị COVID-19 Cần Giờ, BV dã chiến Củ Chi, BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, BV Nhi đồng Thành phố. TPHCM đang có ba khu cách ly quân đội (613 giường), khu cách ly BV Quận 7 (62 giường), 24 khu cách ly quận huyện (2.483 giường), 26 khách sạn cách ly (1.026 giường).
|
Nhân viên y tế tại phòng cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định mặc trang phục bảo hộ khi tiếp nhận các trường hợp cấp cứu - Ảnh: Hiếu Nguyễn |
Bác sĩ Phạm Gia Thế, phụ trách khu cách ly P.Cát Lái, Q.2, cho biết khu cách ly P.Cát Lái có sức chứa tối đa 80 người nên số lượng người đang cách ly là vừa phải. Trường hợp nếu người cần cách ly quá đông, khu cách ly sẽ triển khai các phương án tiếp theo để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhân viên y tế trực ở khu cách ly 24/24, thường xuyên kiểm tra thân nhiệt, hỗ trợ các nhu cầu cần thiết cho người cách ly. Với các trường hợp cách ly trong dịp Tết Nguyên đán, khu cách ly sẽ động viên tinh thần để mọi người đỡ nhớ nhà.
Để người dân thành phố đón tết an toàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM tổ chức tập huấn lại cho toàn bộ lực lượng chống dịch sẵn sàng bước vào đợt chiến đấu mới có thể sẽ căng thẳng và khốc liệt hơn. Các cơ sở y tế được yêu cầu phải đặc biệt chú ý tăng cường sàng lọc, tầm soát, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người bệnh đang điều trị nội trú hoặc đến khám, chữa bệnh ngoại trú có xuất hiện các triệu chứng bất thường (viêm phổi, sốt, ho, khó thở…) mà không lý giải được nguyên nhân. Các BV phải kích hoạt hệ thống phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 ở mức cảnh báo cao nhất, tái thiết lập các buồng cách ly tại các khoa lâm sàng, khu cách ly điều trị.
Với những người tham gia chống dịch ở các trung tâm y tế càng vất vả khi gần như cả năm qua, họ chưa được ngơi nghỉ. Mọi dự định cá nhân phải dừng lại nhưng họ vẫn đầy lạc quan chiến đấu vì sức khỏe của người dân là trên hết.
Chuẩn bị ứng phó với dịch, Trung tâm Y tế Q.9 đã yêu cầu lực lượng chống dịch mở điện thoại 24/24, để kịp thời “chia lửa”, hỗ trợ ca kíp luân phiên chống dịch. Theo nhẩm tính của bác sĩ Phạm Xuân Hải, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Q.9, lực lượng thiện chiến của quận có khoảng 40 người, là những bác sĩ, điều dưỡng, y sĩ, cử nhân xét nghiệm, cử nhân y tế công cộng… đã có kinh nghiệm chống dịch, có tinh thần sẵn sàng khi có lệnh.
Bác sĩ Hải lạc quan: “Có lẽ tết năm nay vất vả hơn năm trước, nhưng đồng hành trong chiến dịch luôn có bà xã ở bên - một cử nhân xét nghiệm cùng làm việc tại Trung tâm Y tế Q.9. Anh em y tế dự phòng nói họ không sợ cực, tất cả xuất phát từ tinh thần tự nguyện rất cao. Khi có dịch thì cứ xông vào làm, ít ai để ý chuyện được mất nên gắn bó, chia sẻ với nhau rất nhiều”.
Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam
Ít nhất 60-70% dân số được tiêm vắc-xin mới an tâm
Nhiều người nhiễm SARS-CoV-2 không hề có triệu chứng. Đây là điều vô cùng nguy hiểm, bởi một người mang mầm bệnh không được phát hiện, khi tụ tập, giao lưu sẽ trở thành nguồn phát tán ra cộng đồng. Trong bối cảnh chưa có vắc-xin phòng ngừa và tính chất, đặc điểm lây lan nhanh thì phòng bệnh cá nhân phải được gắn rất chặt với hành vi của mỗi người.
Tại Hà Nội vừa ghi nhận chùm ca bệnh có liên quan tới bệnh nhân 1.694, làm việc trong một nhà máy quân đội. Trong đó có tới 5 người trong cùng một gia đình và nhiều đồng nghiệp đã bị lây nhiễm. Như vậy, một người khi mắc bệnh có thể sẽ phát sinh thêm một ổ dịch khác. Đặc biệt, dịp lễ tết đang tới gần, đây là thời điểm mọi người di chuyển nhiều hơn, có xu hướng tập trung đông người… nên càng phải “hành động” hiệu quả hơn và quyết liệt hơn theo đúng khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế. Nhất là tại các khu vực bến bãi, tàu xe…
Trong nửa đầu năm 2021, Việt Nam sẽ nhập khẩu 30 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19. Vắc-xin là biện pháp đặc hiệu nhưng phải được tiêm bao phủ ít nhất 60-70% mới có thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Trước mắt, Việt Nam mới chỉ nhập được một số lượng vắc-xin nhất định. Vắc-xin trong nước sản xuất cũng dự kiến phải tới năm 2022 mới đưa vào tiêm chủng. Vì vậy, chúng ta không thể trông chờ vắc-xin mà bỏ các biện pháp phòng bệnh.
Huyền Anh (ghi)
|
Hiếu Nguyễn - Phạm An