Theo nhận định, nhiều khả năng năm nay mùa mưa sẽ đến muộn hơn khoảng 5-10 ngày. Dù hiện tượng El Nino lần này không mạnh như những năm 1998 hay 2004 nhưng tình hình khô hạn gay gắt, đó có thể là hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu.
Lòng hồ Dầu Tiếng cạn nước vào mùa khô. Ảnh: Phạm Kim Ngân
Sự góp mặt kịp thời của hồ Phước Hòa
Trước tình trạng này, hệ thống thủy lợi có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp, điều tiết cũng như kiểm soát nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và công nghiệp. Hệ thống thủy lợi hồ Dầu Tiếng góp phần quyết định vào việc cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp cũng như cho việc đẩy mặn trên sông Sài Gòn, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt Nhà máy Nước Tân Hiệp (ở Củ Chi).
Cuối tuần qua, ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (Tây Ninh) cho biết mực nước hồ Dầu Tiếng đã xuống mức 21,05m. Trong khi 3 ngày trước, mực nước hồ là 21,16m, thấp hơn 1,3m so với cùng kỳ năm 2012. Điều này cho thấy tình hình khô hạn gay gắt, khiến nhu cầu sử dụng nước cũng như việc bốc hơi góp phần vào việc làm giảm nhanh mực nước. Lượng nước trong hồ hiện còn lại khoảng 946 triệu m³ nước có nhiệm vụ cung cấp nước tưới và nước sinh hoạt, công nghiệp cho Tây Ninh, Bình Dương và TPHCM, chưa kể nhiệm vụ phải đẩy mặn trên sông Sài Gòn qua việc xả tràn đảm bảo nguồn nước ngọt cho Nhà máy Nước Tân Hiệp ở huyện Củ Chi, TPHCM.
Theo ông Dũng, nếu năm 2012, hồ Dầu Tiếng chỉ cần hơn 30 triệu m³ nước qua 3 đợt xả tràn với lưu lượng khoảng 40m³/ giây để đẩy mặn cho Nhà máy Nước Tân Hiệp thì mùa khô năm nay, kế hoạch này lên đến 100 triệu m³ nước. Hiện đã xả 3 đợt khoảng 30 triệu m³/giây, dự kiến còn khoảng 7 đợt xả nữa. Nước sinh hoạt và nước cho công nghiệp cũng có khả năng đảm bảo đến khi mùa mưa xuất hiện trở lại. Nhưng với nước sản xuất nông nghiệp có thể gặp khó khăn hơn, mặc dù so với những khu vực không có hồ thủy lợi hay lòng hồ bị khô cạn thì khu vực hưởng lợi của hồ Dầu Tiếng vẫn còn khá hơn nhiều. Ông Lê Văn Dũng cho biết sở dĩ như vậy là nhờ năm nay có hồ thủy lợi Phước Hòa từ Bình Phước chuyển nước về cho hồ Dầu Tiếng từ đầu năm đến nay với khoảng 50m³/giây.
Có thể nói, chính nhờ nguồn nước hồ Phước Hòa đã góp phần quan trọng trong việc giảm bớt căng thẳng nguồn nước hồ Dầu Tiếng so với những năm trước, đặc biệt là những năm hồ Dầu Tiếng tích không đủ nước thiết kế 24,4m.
Không chủ quan
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đam, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi (QLKTDVTL) TPHCM cho biết cuộc họp tuần qua giữa 3 đơn vị thủy lợi là Tây Ninh, Dầu Tiếng và TPHCM đã thống nhất một số điểm cơ bản: Hồ Dầu Tiếng sẽ tiếp tục cung cấp nước bình thường cho các địa phương đến 31-3. Sau đó sẽ tạm ngưng để duy tu, sửa chữa, nạo vét cũng như vớt rong, bèo… như hàng năm, đến giữa tháng 4, hồ Dầu Tiếng sẽ mở nước, cung cấp trở lại đáp ứng nhu cầu tưới cho vụ hè thu. Nếu đến lúc đó không có mưa thì cuối tháng 4, đầu tháng 5 hồ Dầu Tiếng sẽ phải cung cấp nước luân phiên cho các địa phương.
Theo ông Nguyễn Trường Xuân, việc tưới luân phiên không phải là mới năm nay mà là từ nhiều năm trước, thậm chí khi chưa có hồ Phước Hòa hỗ trợ nguồn nước và nguồn nước hồ Dầu Tiếng bị căng thẳng do tích không đủ nên việc tưới luân phiên đã phải áp dụng ngay từ vụ đông xuân. Như vậy, trong bối cảnh khô hạn diễn ra khắp nơi trong cả nước, đặc biệt là vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ, có thể nói, việc tưới luân phiên năm nay của hồ Dầu Tiếng vào vụ hè thu là điểm tích cực mà ngành nông nghiệp đã mang lại cho khu vực này.
Theo ngành nông nghiệp TPHCM, dù không quá khó khăn nguồn nước như các nơi khác, nhưng không vì thế mà chủ quan. Vì không chỉ vụ hè thu, còn phải tính đến tình huống chống hạn vụ mùa khi diễn biến thời tiết ngày càng khó lường và nhu cầu nguồn nước có xu hướng tăng cao. Ngay từ cuối tháng 10/2012, Công ty TNHH một thành viên QLKTDVTL TPHCM đã đưa vào khai thác thiết bị SCADA, nhờ đó, công ty có thể hoàn toàn chủ động trong việc quản lý, kiểm soát nguồn nước, lưu lượng và chất lượng nước các nơi sử dụng nguồn nước kênh Đông thay vì quản lý hoặc kiểm soát theo cảm tính như trước đây. Có thể nói, TPHCM là một trong số ít địa phương đi đầu việc áp dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý nguồn nước sản xuất. Đây là bước thứ 2 sau khi đã bê tông hóa toàn bộ hệ thống thủy lợi kênh Đông, giúp giảm thất thoát nguồn nước, góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo nguồn nước cho người dân sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, chương trình chuyển đổi cây trồng của thành phố những năm qua đã làm giảm hơn 50% diện tích lúa sử dụng rất nhiều nước từ kênh Đông sang cây trồng khác vừa có giá trị hơn, lại cần ít nước tưới hơn như cây đậu phộng, rau an toàn, bắp hoặc nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, dù lượng nước cung cấp vẫn không đổi, khoảng 100 triệu m3 nhưng diện tích tưới tăng lên hay giá trị sản xuất cũng như thu nhập của người nông dân nâng lên đáng kể.
Theo SGGP