TPHCM đối mặt chuỗi lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng

28/05/2021 - 07:01

PNO - Hiện TPHCM đang phong tỏa tạm thời 10 điểm để xử lý dịch, trong đó có địa điểm hoạt động của Hội thánh Truyền giáo Phục hưng.

Trắng đêm truy vết, xét nghiệm

Khoảng 1g sáng 27/5, việc lấy mẫu xét nghiệm liên quan đến ca nhiễm ở xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn mới hoàn tất. Trước đó, khoảng 19g tối 26/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) ghi nhận một ca nghi mắc COVID-19 là một phụ nữ 38 tuổi, nhà ở xã Thới Tam Thôn. 

Ngay khi phát hiện ca nghi mắc, cơ quan chức năng đã phong tỏa, khử khuẩn khu vực trên. Đến 23g30, HCDC tiếp tục phát hiện thêm hai trường hợp nghi nhiễm COVID-19 ở đường TL19, phường Thạnh Lộc, quận 12. Ngay trong đêm, cơ quan chức năng lập chốt phong tỏa đoạn đường trên, đi gõ cửa từng nhà dân có liên quan ca nghi nhiễm, mời đến khu vực lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Dù giữa đêm nhưng các hộ dân cũng tự giác mang khẩu trang, gọi người thân đi lấy mẫu xét nghiệm. 

Lấy mẫu xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2 vớ i người dân trong hẻm 1358/30 Quang Trung, P.14, Q.Gò Vấp, TP.HCM Ả NH: PHẠM AN
Lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 với người dân trong hẻm 1358/30 Quang Trung, phường 14, quận Gò Vấp, TPHCM - Ảnh: Phạm An

Qua điều tra dịch tễ, cơ quan chức năng ghi nhận, cả ba trường hợp trên đều là thành viên của Hội thánh Truyền giáo Phục hưng, có điểm hoạt động tại hẻm 415 Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp. Các cơ quan liên quan liền lập danh sách các thành viên khác của Hội thánh Truyền giáo Phục hưng, khoanh vùng, phong tỏa nhiều điểm ở bảy quận, huyện liên quan đến ba ca mắc COVID-19 và những thành viên hội thánh. 

Cụ thể, sau khi nhận được tin báo tòa nhà số 30 Đặng Văn Ngữ, phường 10, quận Phú Nhuận có người liên quan đến ba ca nghi mắc COVID-19, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - nhanh chóng có mặt, chỉ đạo và giám sát công tác phong tỏa, cách ly. Lúc nửa đêm, 72 người trong tòa nhà bao gồm gia đình chủ tòa nhà được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tập trung. Các hàng quán xung quanh tòa nhà cũng tự giác đóng cửa để chống dịch. 

Theo ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc HCDC - ba ca mắc COVID-19 đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định khám bệnh; trong quá trình sàng lọc trước khi vào khám, nhân viên y tế nhận thấy cả ba người đều có triệu chứng viêm hô hấp nên tạm cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên dù chỉ mới nghi ngờ, các cơ quan chức năng cũng áp dụng ngay phương án kiểm soát dịch như một ca dương tính nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm trong khi chờ kết quả xét nghiệm.

Sáng 27/5, cả ba ca nghi mắc COVID-19 đều có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính. Bệnh nhân ở huyện Hóc Môn và chồng được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến (huyện Củ Chi), trường hợp còn lại có triệu chứng ho, sốt, khó thở nên được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM điều trị.

Hiện tại, các cơ quan chức năng đang tạm cách ly, phong tỏa hẻm 415 Nguyễn Văn Công, nơi có địa điểm hoạt động của Hội thánh Truyền giáo Phục hưng. Bảo vệ tổ dân phố, tình nguyện viên, nhân viên y tế tích cực truy vết, điều tra. Đến nay, tổng số ca nghi mắc COVID-19 đã lên tới 37 trường hợp, bao gồm 29 người sinh hoạt trong Hội thánh Truyền giáo Phục hưng, ba người tiếp xúc gần với gia đình người nghi mắc, bốn người làm cùng tòa nhà với ca nghi mắc tại phường 10, quận Phú Nhuận và một trường hợp F1 của hội viên Hội thánh Truyền giáo Phục hưng.

Theo ông Nguyễn Trí Dũng, cơ quan chức năng TPHCM đang khẩn trương điều tra, truy vết các trường hợp liên quan đến các ca nghi nhiễm, đồng thời phong tỏa tạm thời 10 địa điểm liên quan để xử lý dịch, gồm sáu điểm ở huyện Hóc Môn, một điểm ở quận Tân Phú, một điểm ở quận Gò Vấp, một điểm ở quận 12, một điểm ở quận Phú Nhuận. Tổng số mẫu xét nghiệm được lấy trong đêm 26/5 là 127 mẫu, trong đó có 70 mẫu F1, 57 mẫu F2, 279 mẫu xét nghiệm mở rộng. Nhân viên y tế đang tiếp tục tầm soát các ca tiếp xúc gần với F2 và xét nghiệm tầm soát rộng ở khu vực phong tỏa.

Lấy mẫu xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2 với người dân trong hẻm 1358/30 Quang Trung, P.14, Q.Gò Vấp - Ảnh: Phạm An
Nhân viên y tế có mặt ở nơi có ca nghi nhiễm để lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho người dân - Ảnh: Phạm An

Ông Nguyễn Trí Dũng nhận định: “Chúng ta phát hiện được chuỗi lây nhờ ba người có triệu chứng đi khám tại cơ sở y tế. Như vậy, có thể mầm bệnh đã lây lan trong cộng đồng, nên việc tổ chức truy vết, tầm soát phải thần tốc, quyết liệt, hiệu quả”. Ông cũng kêu gọi người dân gọi vào đầu số 1022 để phản ánh các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19.

Ba chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cho hay, khi điều tra dịch tễ ba ca dương tính đầu tiên, các nhân viên y tế đã tinh ý phát hiện điểm chung của họ là cùng tham gia Hội thánh Truyền giáo Phục hưng. Từ chi tiết quan trọng này, HCDC đã phối hợp với các địa phương phong tỏa, lấy mẫu xét nghiệm những thành viên còn lại của tổ chức tôn giáo này và đến 7g sáng 27/5 thì truy ra thêm 22 trường hợp khác dương tính với SARS-CoV-2, cũng là thành viên của tổ chức tôn giáo này và người tiếp xúc gần với họ. Số F1 liên quan đến 25 ca nghi nhiễm là 67 người, số tiếp xúc khác (F2) là 336 người. 

Như vậy, từ ngày 18 - 27/5, TPHCM ẩn chứa ba chuỗi lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng mà đến nay vẫn chưa thể tìm ra nguồn lây. Đó là chuỗi lây nhiễm tại một công ty ở quận 3 với hai người bị nhiễm là bệnh nhân 4.514 và 4.583; chuỗi lây nhiễm ở quán bánh canh O Thanh, đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 với năm bệnh nhân; chuỗi lây nhiễm từ những hội viên của Hội thánh Truyền giáo Phục hưng. 

Theo nhận định của HCDC, có thể những bệnh nhân của ba chuỗi này đã nhiễm bệnh từ lâu. HCDC đã lấy mẫu xét nghiệm giám sát người về từ Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Tính từ ngày 21/5 đến nay, HCDC đã lấy mẫu 3.742 người, trong đó 3.353 mẫu âm tính, 389 mẫu đang chờ kết quả và sau bảy ngày, chưa phát hiện thêm ca nhiễm mới liên quan đến hai chuỗi lây nhiễm này ở quận 3. 

Theo Sở Y tế TPHCM, chuỗi lây nhiễm liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục hưng vẫn đang được xử lý theo hướng huy động lực lượng truy vết người tiếp xúc, các địa điểm dịch tễ, giải trình tự gen để tìm chủng biến thể của virus SARS-CoV-2. 

Trong cuộc họp khẩn sáng 27/5, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo Sở Y tế báo cáo phương án thực hiện giãn cách xã hội tại một số khu vực của thành phố, tạm dừng các hoạt động về tôn giáo, hoạt động buôn bán ở các quán ăn uống, các hoạt động tập trung trên 10 người.

Tham dự cuộc họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chỉ đạo toàn hệ thống chính trị phải đặt nhiệm vụ chống dịch lên cao nhất, phát hiện dịch ở đâu thì khoanh vùng ở đó. Sau khi đã xác định chắc chắn ổ dịch, có thể thu hẹp dần địa điểm khoanh vùng, xử lý ổ dịch phải theo tinh thần “thần tốc chặn trước”. Ông kêu gọi người dân bình tĩnh, cùng hỗ trợ lực lượng chống dịch. 

Vì sao các bệnh viện TPHCM vẫn an toàn?

Chuỗi lây nhiễm trong đêm 26, rạng sáng 27/5 có “quét qua” khu vực cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân Gia Định khi có ba trường hợp dương tính vào khám bệnh. Dù phải phong tỏa tạm thời khu vực sàng lọc và phòng cách ly tạm của khoa Cấp cứu ngay trong đêm 26/5 nhưng bệnh viện đã hoạt động trở lại vào khoảng 8g ngày 27/5 khi mẫu xét nghiệm của 400 nhân viên y tế cho kết quả âm tính.

Trước đó, một số bệnh viện đã đón tiếp bệnh nhân COVID-19 như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cũng giữ được an toàn. 

Theo bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - sở dĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định và các bệnh viện khác vẫn an toàn trước COVID-19 trong đợt dịch này là nhờ năm lý do:

- Kịp thời hướng dẫn người bệnh vào buồng khám sàng lọc sau khi khai báo y tế điện tử.

- Bác sĩ giữ người bệnh lại tại buồng cách ly tạm (cạnh buồng khám sàng lọc) để lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán, khi có kết quả xét nghiệm dương tính, bệnh viện đã chủ động liên hệ HCDC chuyển người bệnh về Bệnh viện Dã chiến để cách ly điều trị.

- Bệnh viện có phòng xét nghiệm COVID-19 nên đã chủ động và rút ngắn thời gian làm xét nghiệm.

- Với trường hợp có dấu hiệu nặng (than mệt, huyết áp thấp), bệnh viện đã chủ động đưa người bệnh từ buồng cách ly tạm vào khu cách ly điều trị và theo dõi tại buồng áp lực âm dù lúc đó chưa có kết quả xét nghiệm.

- Ban giám đốc bệnh viện đã chủ động liên hệ HCDC để kịp thời hỗ trợ và truy vết, chủ động gửi mẫu sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM để làm xét nghiệm khẳng định và đối chiếu, không phải chờ làm lại lần hai. Điều này giúp công tác truy vết, khoanh vùng dập dịch ngoài cộng đồng được triển khai ngay, hạn chế sự lây lan tiếp tục trong cộng đồng. 

Phạm An - Hiếu Nguyễn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI