TPHCM định hướng phát triển “thành phố trong làng”, “làng trong thành phố”

20/06/2024 - 18:27

PNO - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết đã báo cáo Thường trực Chính phủ về quy hoạch TPHCM, trong đó định hướng phát triển “thành phố trong làng”, “làng trong thành phố”.

Chủ tịch UBND TPHCM
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, TPHCM đã trình quy hoạch TP, theo đó vùng nông thôn sẽ có đô thị xanh, đô thị sinh thái

Chiều 20/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Địa chất và khoáng sản; dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

ĐBQH Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết, dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn thể chế hóa Nghị quyết số 6 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo ông, khi thể chế hóa cần cập nhật các xu hướng phát triển đô thị mới. Ông đặt ra vấn đề, hiện nay rải rác trong nghị quyết của Đảng có hình thành các khu đô thị công nghiệp dịch vụ, các làng đại học mà ở đó không tách biệt rạch ròi giữa sản xuất công nghiệp, dịch vụ giữa giảng đường đại học với các trung tâm nghiên cứu, nhà máy sản xuất thực hành, chỗ ở cho giảng viên, sinh viên, đi kèm đó là các dịch vụ đáp ứng...

Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, dự án luật cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ việc hình thành các khu đô thị công nghiệp dịch vụ, đô thị tri thức sáng tạo, đô thị đa trung tâm, hay đô thị gắn với phát triển TOD...

Về quy hoạch nông thôn, TPHCM vừa báo cáo Thường trực Chính phủ về quy hoạch TPHCM, trong đó có định hướng phát triển “thành phố trong làng”, “làng trong thành phố”. Vậy vùng nông thôn sẽ có đô thị xanh, đô thị sinh thái...

Do đó, ĐBQH Phan Văn Mãi đề nghị những vấn đề trên cũng cần nghiên cứu, thể hiện rõ và bổ sung vào dự án luật lần này. Ông lấy ví dụ, hiện nay, tại Singapore, nhà ở hiện tổ chức thành khu hạ tầng thông minh, đồng bộ, các khu chức năng cao cấp hơn. Ở đó vừa có các trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo, có phòng thí nghiệm, sản xuất mẫu, trường đại học, viện, chỗ ở cho chuyên gia, dịch vụ khác... Chúng ta nên tiệm cận với mô hình này.

Tại phiên thảo luận tổ, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng quá trình đô thị hóa rất nhanh, cả nước có 902 đô thị trong cả nước, trong đó có 2 đô thị đặc biệt. Vì vậy, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, đặc biệt dành cho các đô thị loại 2, thành phố trực thuộc Trung ương. ĐBQH đề nghị, rà soát về phân cấp, phân quyền trong khâu lập và thẩm định phê quy hoạch, cắt bỏ các thủ tục không cần thiết trong quy trình này để cải cách hành chính.

Đồng tình với ý kiến trên, ĐBQH Phan Văn Mãi cho rằng cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền rất rõ trong việc xác định các loại hình đô thị, vùng nông thôn. Ông nhấn mạnh đến phân cấp, phân quyền trong việc tiến hành các thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, triển khai xây dựng các khu đô thị, nông thôn.

Ông Phan Văn Mãi cho rằng, dù phát triển đô thị hay phát triển nông thôn đều phải hướng đến phát triển bền vững. Trong đó phải gắn với ứng dụng công nghệ; quan tâm xử lý các vấn đề đặt ra như ngập nước, giao thông, xử lý nước thải - rác thải, thích ứng biến đổi khí hậu...

“Trong luật này phải bao chứa một phần nào đó để đưa yếu tố công nghệ vào, bảo vệ giá trị tự nhiên, sinh thái không chỉ ở vùng nông thôn mà còn cả đô thị. Như vậy mới phát triển bền vững” - ông nói.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI