PNO - Sau một tháng giãn cách xã hội, dịch COVID-19 ở TPHCM vẫn diễn biến phức tạp. Hiện TPHCM đang điều chỉnh phương án chống dịch để có thể hạn chế lây lan trong cộng đồng.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định nguồn lây có thể từ đầu tháng 5/2021 và thành phố đang chậm hơn sự lây lan của vi-rút đến 4-5 chu kỳ lây nhiễm. Điều này lý giải vì sao chỉ trong vòng 12 ngày, số người mắc COVID-19 từ 104 ca mỗi ngày tăng lên trên 600 ca mỗi ngày. Trước tình cảnh này, TPHCM đã phải tăng số giường điều trị từ 5.000 lên 10.000; tăng thêm số lượng các bệnh viện dã chiến để điều trị, cách ly người mắc COVID-19 với triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng.
Tối 28/6 - trước thời điểm kết thúc việc áp dụng Chỉ thị 15 toàn thành phố (từ 0 giờ ngày 15/6 đến 0 giờ ngày 29/6), Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khẳng định thành phố vẫn tiếp tục áp dụng nghiêm Chỉ thị 10 sau thời điểm ngày 29/6. Ông lý giải một số nội dung trong Chỉ thị 10 là giống như Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16; một số nội dung là biện pháp mạnh hơn như áp dụng phong tỏa theo khu vực nguy cơ rất cao. Biện pháp phong tỏa này hiện đang được áp dụng tại ba khu phố ở phường An Lạc, quận Bình Tân và ba ấp tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn.
TPHCM phân loại các quận, huyện theo mức độ nguy cơ khác nhau, thành ba nhóm: nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và có nguy cơ (không có nhóm nguy cơ thấp). Ông Dương Anh Đức cho biết phương châm vẫn là thần tốc truy vết, bao phủ trên diện rộng, cách ly trong diện hẹp vì thành phố đông dân. Các biện pháp của thành phố là linh hoạt để vừa đảm bảo cuộc sống, kinh doanh, sản xuất vừa đảm bảo chống dịch. Vào thời điểm ngày 28/6, TPHCM đã đưa năm quận, huyện và một phần TP.Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ) vào nhóm có nguy cơ rất cao.
Những khu vực rơi vào nhóm nguy cơ rất cao có thể sẽ bị phong tỏa nghiêm ngặt để khoanh vùng, kịp thời xét nghiệm toàn bộ người dân ở những nơi này. Tại các khu cách ly và khu phong tỏa, sẽ tổ chức lấy mẫu xét nghiệm hằng ngày. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn sự tiếp xúc giữa các gia đình trong khu vực này.
Một trong những điều chỉnh của chiến lược chống dịch trong những ngày tới là TPHCM đã kịp lắng nghe và bắt đầu áp dụng các test nhanh kháng nguyên trên bốn nhóm đối tượng: người trong khu vực đã được phong tỏa; người trong khu vực cách ly tập trung; người làm việc tại các ổ dịch; công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
TPHCM đang tăng tốc tiêm vắc xin COVID-19 đồng thời điề u chỉnh phương án chống dịch để phù hợp với tình hình mới - Ảnh: Tam Nguyên
Trước tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly thông qua nhà vệ sinh chung, các quận không bố trí khu cách ly tại các trường học. Cần xem xét đưa người cách ly vào khách sạn có trang bị nhà vệ sinh riêng mỗi phòng. Sở Thông tin và Truyền thông được yêu cầu tăng cường camera giám sát tại các khu cách ly, kiểm tra theo ba lớp (bên ngoài, bên trong khu cách ly, giám sát mỗi gia đình). Sở Y tế thành lập các đội công tác đặc biệt khẩn cấp đến 22 quận, huyện, TP.Thủ Đức và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của trưởng ban chỉ đạo khu vực đó.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết những phòng xét nghiệm tại thành phố đã đạt công suất xét nghiệm 50.000 mẫu/ngày. Với mẫu gộp 10, thành phố có thể xét nghiệm được 500.000 mẫu/ngày và đạt 5 triệu mẫu sau 10 ngày. Những biện pháp này cho thấy TPHCM đang quyết tâm để chặn đứng làn sóng lây nhiễm COVID-19 trong thời gian nhanh nhất có thể. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên vào ngày 28/6 khẳng định thành phố sẽ mở một chiến dịch cao điểm tấn công, truy vết, xét nghiệm, tìm F0 bằng việc xét nghiệm mở rộng. Với hơn 731.000 người đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 trong đợt 4 vừa qua, những điều chỉnh chiến lược chống dịch nếu được thực hiện tốt, TPHCM có thể trở về tình trạng bình thường mới như trước thời điểm 30/4/2021.
Có thể thí điểm cách ly F1 tại nhà
Tính đến ngày 29/6, tổng số người hiện đang thực hiện cách ly tại TPHCM là 40.715 trong đó: 13.486 người đang cách ly tập trung, 27.229 trường hợp đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú. TPHCM đang tìm cách mở rộng các khu cách ly tập trung. Ngoài các khu cách ly tập trung của thành phố, mỗi quận, huyện được yêu cầu phải có khu cách ly với khoảng 200 chỗ.
Trước những con số này, mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn thí điểm cách ly F1 tại nhà để nhằm giảm tải cho các khu cách ly tập trung. Theo các chuyên gia, cách ly F1 tại nhà đã được áp dụng tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các nước phương Tây. Biện pháp này còn là lựa chọn của một số quốc gia tại châu Á như Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... nhằm giảm gánh nặng về nguồn lực xã hội.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết khi Bộ Y tế đã đề nghị, TPHCM sẽ thực hiện thí điểm việc này. Hiện tại, đã giao HCDC tham mưu phương án cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM quyết định. TPHCM nhận định hướng dẫn của Bộ Y tế cũng rất cụ thể, hướng tới mục tiêu là cách ly an toàn. Trong hướng dẫn, có những quy định rất nghiêm ngặt. Thành phố cũng sẽ từng bước thí điểm và cũng phải rất thận trọng. Sở Y tế TPHCM nhận định với các điều kiện của Bộ Y tế đưa ra, không phải nhà nào cũng đủ điều kiện để F1 được cách ly tại nhà. Dù là cách ly tập trung hay cách ly tại nhà, mục tiêu đặt ra là phải đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Vì vậy, TPHCM sẽ triển khai từng bước, thí điểm trước khi nhân rộng. TPHCM có thể áp dụng với những F1 ít nguy cơ.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - cho rằng cần tuyệt đối tuân thủ việc cách ly tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Vị chuyên gia này khẳng định, với nguy cơ lây nhiễm cao từ vi-rút SARS-CoV-2, đặc biệt là những biến chủng mới trong thời gian gần đây, việc cách ly tại nhà nếu không thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ sẽ có nguy cơ lây lan COVID-19 ra cộng đồng. “Tại thời điểm cách ly, trường hợp đó mới được xác định là F1 nhưng không biết khi nào họ sẽ trở thành F0. Nếu cho phép cách ly tại các khu chung cư, những căn nhà không có phòng riêng, không có khu vực vệ sinh riêng... thì rất dễ để lây nhiễm, trước hết là cho chính những người thân trong gia đình”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp phân tích.
TPHCM sẽ siết chặt việc thực hiện Chỉ thị 10 trong những ngày sắp tới. Trong ảnh người dân chung cư Sunview Town, TP.Thủ Đức nhận lương thực thực phẩm trong thời gian bị phong tỏa - Ảnh: Hiếu Nguyễn
Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng đặt ra giả thiết, làm cách nào để có thể chắc chắn những trường hợp F1 cách ly tại các căn hộ chung cư không tiếp xúc với hàng xóm, không di chuyển ở hành lang, thang máy trong khi lực lượng chức năng hiện nay quá mỏng để có thể giám sát từng trường hợp. Chính vì vậy, dù có không ít bất tiện trong việc cách ly tập trung, song bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khẳng định, chỉ có thể cách ly tại nhà trong những trường hợp đủ điều kiện an toàn theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và chính quyền địa phương.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) - cũng cho rằng, nguy cơ F1 trở thành F0 là luôn hiện hữu nên nếu không tuân thủ tốt các quy định cách ly thì có thể lây nhiễm cho những người xung quanh. Ngoài các quy định đã được Bộ Y tế hướng dẫn, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo, F1 khi cách ly tại nhà nên thường xuyên mang khẩu trang đúng cách. Mọi sinh hoạt từ ăn, ngủ... đều riêng biệt, không để người khác đến thăm, không tiếp xúc với chính người trong gia đình, thậm chí là động vật nuôi trong nhà. Nếu nhà có người F1, gia đình nên cho người có yếu tố nguy cơ như người già, người có bệnh nặng chuyển đến nơi khác ở để phòng tránh tối đa nguy cơ lây nhiễm.
Nếu trường hợp F1 là trẻ em hoặc người già yếu, có bệnh nền cần người chăm sóc, hỗ trợ thì cho phép bố trí người chăm sóc, hỗ trợ cách ly cùng và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly phải có cam kết với chính quyền địa phương theo mẫu.
Ứng dụng công nghệ giám sát cách ly từ xa
Ông Trần Việt Hải - chuyên gia tại Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 quốc gia - cho biết việc giám sát với các trường hợp cách ly từ xa đã được thực hiện từ cuối tháng Năm, thông qua lắp đặt và kết nối tích hợp 3.000 camera giám sát tại các khu vực cách ly thuộc các tỉnh phía Bắc. Toàn bộ dữ liệu hình ảnh từ camera được tích hợp lên hệ thống quản lý tập trung tại trung tâm điều hành giám sát. Hệ thống ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, cho phép Ban Chỉ đạo quốc gia, Ban Chỉ đạo tại tỉnh và bộ phận quản lý tại khu vực cách ly giám sát hình ảnh “24/7” theo phân cấp. Ứng dụng công nghệ giúp làm giảm gánh nặng về nhân lực, vật lực. Đặc biệt, chuyên gia này bật mí vào giữa tháng Bảy tới đây sẽ ra mắt phương án có khả năng triển khai đồng loạt, giúp giám sát các trường hợp cách ly cần phải có sự theo dõi đặc biệt.
Trước đó, có ba phương án ứng dụng công nghệ đã được xây dựng, đề xuất. Thứ nhất, là sử dụng vòng tay điện tử có định vị GPS để kiểm tra quá trình di chuyển của đối tượng thuộc diện giám sát. Trong thời gian chịu giám sát phòng dịch, người đeo thiết bị chỉ được phép di chuyển trong vùng cho phép, nếu vượt quá giới hạn sẽ nhận tín hiệu cảnh báo nhắc nhở. Trong trường hợp không đeo tín hiệu sẽ thông báo về chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý. Thứ hai, là giải pháp cài đặt ứng dụng nhận diện khuôn mặt (EKYC) có cài sẵn định vị vào điện thoại thông minh của người đang trong thời gian giám sát phòng dịch bệnh. Nguyên lý hoạt động của ứng dụng này là sử dụng chức năng quét hình mặt người cách ly. Cứ khoảng 2-3 tiếng lại phải quét nhận diện một lần, nếu không thực hiện sẽ có tín hiệu cảnh báo, nhắc nhở… Thứ ba, là giải pháp sử dụng vòng giấy có gắn mã QR để quét định vị trên điện thoại. Đây là loại giấy đặc biệt để không tháo ra được, chỉ có thể dùng kéo cắt.
Dù vậy, ông Trần Việt Hải cũng cho rằng, để đưa các giải pháp này vào thực tế cũng là một khoảng cách, bởi cần sự vào cuộc, phối hợp của các địa phương cũng như ý thức của cá nhân: “Các giải pháp công nghệ suy cho cùng chỉ mang tính chất hỗ trợ, nếu không tổ chức tốt thì ngay cả có công nghệ cao cũng vẫn có nguy cơ bị lây chéo giữa các đối tượng cách ly. Do đó, vấn đề cơ bản là phải chấp hành nghiêm quy định pháp luật, có biện pháp xử lý đủ mạnh... mới giải quyết bài toán cách ly tại nhà triệt để”.