Theo báo cáo của UBND thành phố, trong giai đoạn giai đoạn 2016-2020, diện tích sàn nhà ở toàn thành tăng thêm 53,7 triệu m2 sàn. Trong đó, nhà ở dân tự xây đóng vai trò chủ đạo, tăng 38,5 triệu m2 sàn; nhà ở thương mại chiếm tỷ trọng lớn thứ hai, đạt 13,98 triệu m2 sàn. Trong khi đó, nhà ở xã hội chỉ tăng thêm 1,23 triệu m2 sàn.
|
Thường trực HĐND TPHCM đã có buổi giám sát việc thực hiện Chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2016-2025 sáng 24/6 - Ảnh: Quốc Ngọc |
Giai đoạn 2021-2025, diện tích sàn nhà ở thương mại toàn thành phố tăng thêm 1,53 triệu m2 sàn vào năm 2021. Quý I/2022, diện tích sàn nhà ở thương mại tăng thêm 1.246 triệu m2 sàn. Theo kế hoạch phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2025 đã được UBND thành phố phê duyệt, dự kiến diện tích sàn nhà ở thương mại toàn thành phố sẽ tăng thêm 12.744 triệu m2 sàn trong thời gian tới.
Năm 2021, diện tích sàn nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây toàn thành phố tăng thêm 3,37 triệu m2 sàn. Quý I/2022, diện tích sàn nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây tăng thêm 1 triệu m2 sàn. Dự kiến từ đây đến năm 2025 diện tích sàn nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây sẽ tăng thêm 27,61 triệu m2 sàn.
Tính trong quý I năm 2022, chỉ mới hoàn thành đưa vào sử dụng 1 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất 0,43ha với 32.668 m2 sàn xây dựng, quy mô 260 căn hộ. Trong giai đoạn còn lại, thành phố phấn đấu phát triển 2,467 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở xã hội.
Đối với nhà ở phục vụ tái định cư, TPHCM hạn chế sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng mới mà chủ yếu sử dụng nhà ở thương mại và nhà ở xã hội, để bố trí tái định cư.
Đối với những dự án có diện tích thu hồi đất lớn, dự án phát triển đô thị tại khu vực trung tâm thành phố, chủ đầu tư thực hiện dự án phải đảm bảo quỹ nhà phục vụ tái định cư tại chỗ.
Đối với địa bàn 5 huyện dành quỹ đất có quy hoạch phù hợp, để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu tái định cư cho người dân các dự án chỉnh trang đô thị, công ích trên địa bàn.
UBND TPHCM kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung quy định về trình tự thủ tục thực hiện đối với các trường hợp người sử dụng đất tự nguyện hiến, tặng cho một phần diện tích của thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận để làm đường giao thông, thủy lợi hoặc công trình công cộng khác. Đây sẽ là cơ sở pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi trong công tác điều chỉnh Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân. Qua đó, góp phần tạo sự đồng thuận của người dân trong việc hiến đất làm đường, mở rộng hẻm trong thời gian tới trên địa bàn thành phố.
Về nhà ở xã hội, thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu bổ sung quy định về xử lý vi phạm trường hợp không trình thẩm định giá nhà ở xã hội để làm cơ sở pháp lý; cách thức xác định chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và việc phân bổ các chi phí này vào quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội; xác định cơ quan chủ trì thẩm định và phê duyệt các chi phí đầu tư Hạ tầng kỹ thuật và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng để thanh toán cho nhà đầu tư khi bàn giao lại quỹ đất ở 20% trong dự án cho Nhà nước.
Thành phố cũng kiến nghị bộ hướng dẫn thực hiện việc thanh toán cho chủ đầu tư khi bàn giao quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho nhà nước để thực hiện dự án; nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Khi thực hiện điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án theo pháp luật về đầu tư, TPHCM kiến nghị vẫn thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo quy định pháp luật về nhà ở xã hội tại thời điểm quyết định bằng văn bản chấp thuận đầu tư được phê duyệt.
UBND thành phố kiến nghị Chính phủ cho phép chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất được vay vốn tín dụng ưu đãi theo các quy định.
Về nhà ở phục vụ tái định cư, thành phố kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định về cơ quan, đơn vị lập, thẩm định, phê duyệt Phương án nhận chuyển nhượng nền đất để phục vụ tái định cư.
Quốc Ngọc