TPHCM đề xuất hoán đổi đất nông nghiệp bằng đất ở cho người dân bị giải tỏa

09/05/2023 - 17:47

PNO - Đó là đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) gửi Bộ Tài nguyên Môi trường xin ý kiến thí điểm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất bằng phương thức hoán đổi đất ở hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật để tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội TPHCM.

Theo Sở TNMT, để đầu tư phát triển quỹ đất phát huy nguồn lực tối đa cũng như tiến hành cùng lúc công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án đạt hiệu quả cao thì vấn đề khó khăn nhất là cần có giải pháp tháo gỡ nguồn vốn đầu tư, nguồn lực tài chính để cân đối bố trí vốn đầy đủ cho các dự án trong quá trình triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. 

Do đó, UBND TPHCM đề ra mục tiêu đề án tập trung nghiên cứu giải pháp thu hồi đất, trong đó có phương thức bồi thường bằng đất ở hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo thực trạng trên địa bàn TP có những dự án có quy mô thu hồi đất lớn với tổng chi phí đầu tư dự án trên 10.000 tỉ đồng. 

Theo dự thảo đề án gửi Bộ TNMT, TPHCM xin Trung ương cho phép thực hiện thí điểm trước 3 dự án lớn tại TP Thủ Đức gồm: Dự án Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc, phường An Phú (quy mô 186,779 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 18.888,669 tỉ đồng). Dự án Công viên khoa học và công nghệ TPHCM tại phường Long Phước (quy mô 302,908 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 24.614,005 tỉ đồng) và dự án Khu công viên - hồ điều tiết - khu dân cư Tam Phú (quy mô 185,610 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 22.901,394 tỉ đồng).

Cả 3 dự án này, Sở TNMT đều đề xuất tỷ lệ hoán đổi đất nông nghiệp lấy đất ở đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng là 10%, 12% và 15%, nghĩa là 1.000 m2 đất nông nghiệp, người dân được hoán đổi 100 - 150 m2 đất ở đã hoàn chỉnh hạ tầng. Các tỷ lệ quy đổi này sẽ tương ứng với diện tích xây dựng khu tái định cư của 3 dự án lần lượt là hơn 32 ha, 38 ha và 46 ha.

TPHCM
TPHCM đề xuất bồi thường, tái định cư bằng cách hoán đổi 1.000 m2 đất nông nghiệp thành 100 -150 m2 khi Nhà nước thu hồi đất

Nếu được chấp thuận, trước mắt thành phố sẽ áp dụng thí điểm tại các dự án trọng điểm như: thu hồi đất dọc hai bên các tuyến đường vành đai, cao tốc, tạo quỹ đất đấu giá phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Luật Đất đai 2013 không quy định về phương thức bồi thường bằng đất ở trong công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất đối với đất nông nghiệp. Khi giải phóng mặt bằng, người dân được bố trí tái định cư tại khu tái định cư của dự án đối với phần đất ở bị thu hồi toàn bộ và không còn nơi ở nào khác trên địa bàn. Đối với đất nông nghiệp, phải thực hiện bồi thường bằng tiền theo giá tại thời điểm thu hồi đất. Điều này dẫn đến chi phí bồi thường của dự án rất cao. 

Trước khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, TPHCM đã áp dụng thành công phương thức hoán đổi tỷ lệ bồi thường 7 - 15% ở hàng loạt dự án. Qua phân tích nhiều dự án đã triển khai, tỷ lệ bồi thường bằng tiền giữa đất nông nghiệp và đất ở trong cùng dự án phổ biến là 10 - 17%. 

Tuy nhiên, khi người dân nhận tiền bồi thường đất nông nghiệp thì với số tiền đó, khả năng mua lại được đất ở tại vị trí tương đương là rất thấp. Nếu được quy đổi sang đất ở đã được hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật với tỷ lệ phù hợp (được tái định cư tại chỗ) thì đảm bảo được tốt hơn quyền lợi của người bị thu hồi đất. 

Ưu điểm của phương thức này là giảm kinh phí bồi thường, hỗ trợ; tỷ lệ đồng thuận của người dân cao hơn, rút ngắn được thời gian thu hồi mặt bằng, tái định cư tại chỗ, giảm thiểu tối đa khiếu nại, khiếu kiện; dự án tiến hành khả thi, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và chủ sử dụng đất.

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI