TPHCM đề xuất có 3 đô thị vệ tinh

31/01/2024 - 17:41

PNO - UBND TPHCM vừa tổ chức hội thảo khoa học góp ý dự thảo Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sáng nay (31/1).

Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thời gian qua các chuyên gia, đơn vị nghiên cứu đã khảo sát thực tế và đã có trên 50 chuyên đề và báo cáo tổng quát về quy hoạch TPHCM. “Trước khi trình cho các cơ quan Trung ương, TPHCM muốn lấy ý kiến góp ý từ các chuyên gia, địa phương và các đơn vị. Vì TPHCM là tỉnh thành liên đới, ảnh hưởng đến các địa phương phía Nam, các vùng Tây Nam Bộ, do đó thành phố muốn nghe ý kiến góp ý của các đại biểu, đặc biệt là các ý kiến góp ý liên kết vùng TPHCM.

Theo tổ tư vấn quy hoạch TPHCM, hiện hệ thống đô thị tại TPHCM chưa hình thành được mô hình đa cực; phát triển đô thị theo vết dầu loang; chưa hướng sông và bám biển; khả năng thích ứng còn hạn chế, bị tác động đáng kế bởi thiên tai và khí hậu. Khu vực nông thôn thì quy mô nhỏ, phân tán; nông nghiệp truyền thống, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái chưa phát huy hết và đúng với vai trò, mô hình và phương thức tổ chức sản xuất chưa hiện đại; chưa gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, bảo quản, du lịch và các dịch vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng nông thôn, phát triển toàn diện và bền vững đô thị.

quan
Quan cảnh hội thảo lấy ý kiến quy hoạch TPHCM sáng nay.

Các khu công nghiệp chưa được xây dựng đồng bộ, hiện đại; thiếu các khu công nghiệp tầm cỡ quyết định vị thế và vai trò là trung tâm quốc gia, quốc tế của TPHCM; các mô hình phát triển chậm đổi mới, đặc biệt là các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Kết cấu hạ tầng phát triển chậm và thiếu đồng bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội; quy mô kết cấu hạ tầng chưa đạt tiêu chuẩn của đô thị loại đặc biệt và thành phố toàn cầu vì giao thông quá tải và ùn tắc; triều cường, ngập úng, ô nhiễm môi trường gia tăng; bệnh viện, trường học, hệ thống phúc lợi xã hội chưa đáp ứng yêu cầu người dân; công tác quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế và yếu kém…

Trong dự thảo quy hoạch TPHCM đưa ra lấy ý kiến lần này, tổ tư vấn quy hoạch đưa ra hai kịch bản phát triển không gian. Kịch bản 1 là phát triển TPHCM gồm 1 đô thị trung tâm (16 quận), 1 đô thị song hành là TP Thủ Đức và 5 đô thị vệ tinh.

Kịch bản 2 là gồm 1 đô thị trung tâm, 1 đô thị song hành – đô thị loại 1 là TP Thủ Đức và 3 đô thị vệ tinh – đây là kịch bản được chọn. Các đô thị vệ tinh gồm Hóc Môn - Củ Chi, Bình Chánh và Nhà Bè - Cần Giờ - quận 7.

Hai
Hai kịch bản phát triển không gian đô thị của dự thảo quy hoạch TPHCM - Ảnh chụp từ báo cáo

Tổ tư vấn cho rằng, kịch bản 2 sẽ hình thành và phát triển 3 thành phố vệ tinh kiểu mới – đô thị đáng sống; với vai trò là các đô thị cửa ngõ của thành phố trung tâm, đồng thời, có thể đảm nhiệm một số chức năng của đô thị trung tâm. Có thể đẩy nhanh được lộ trình nâng cấp lên các thành phố mới do tập trung được các nguồn lực và giảm thiểu các thủ tục hành chính và bảo tồn khu sinh quyển Cần Giờ.

Tiến sĩ Trần Du Lịch – Tổ trưởng Tổ tư vấn phản biện quy hoạch TPHCM chia sẻ, tổ tư vấn đã song hành với dự thảo quy hoạch TPHCM 3 tháng qua, đến thời điểm này dự thảo đã có nhiều thay đổi rõ nét. Tuy nhiên, trong báo cáo còn nhiều nội dung thiếu sự kỹ lưỡng, thống nhất, hoàn thiện. 

Về không gian đô thị, ông Lịch đề nghị nên thống nhất, song song với quy hoạch chung đang làm cần thống nhất rõ, nhất là có nội dung về không gian đô thị, hạ tầng giao thông, đất đai…

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, đối với hai kịch bản không gian đô thị, ông Sơn cũng thiên về kịch bản số 2, đối với đô thị trung tâm lâu nay đã là trọng điểm phát triển kinh tế xã hội của TPHCM.  “Tuy nhiên, còn quy hoạch 3 đô thị vệ tinh thì hơi băn khoăn, tôi thiên hướng về đô thị trung tâm và thành phố trong thành phố là TP Thủ Đức. Vì vị thế của TP Thủ Đức rất đặc biệt, nó đại diện cho TPHCM hợp tác với 3 tỉnh thành khác trở thành 4 tỉnh thành (TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu) đóng góp nhiều nhất cho ngân sách hiện nay” – ông Sơn góp ý.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn phát biểu ý kiến tại hội thảo.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn phát biểu ý kiến tại hội thảo.

Cũng theo ông Sơn, các trục liên kết tứ giác này rất quan trọng, đặc biệt là trục nối từ Bình Dương ngang TP Thủ Đức, phía Đồng Nai xuống Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong này có nền móng hạ tầng kết nối đa phương tiện, cần làm rõ hơn.

Nếu làm thành phố trong thành phố khác thì tiềm lực và đóng góp ngang TP Thủ Đức, do đó nếu làm 3 đô thị vệ tinh thì mình nên xác định làm 2 thành phố trong thành phố trong tương lai. Hiện chắc chúng ta đang băn khoăn do diện tích lớn quá nên chia thành 3 đô thị vệ tinh, về mặt chiến lược, nên cắt Bình Chánh ra hai phần. Thành phố trong thành phố thứ hai của TPHCM sẽ là Nhà Bè - quận 7 và một phần Bình Chánh. Còn phần TP phía Bắc là Hóc Môn - Củ Chi và một phần bắc Bình Chánh. Như vậy TPHCM sẽ có 3 đô thị vệ tinh là TP Thủ Đức, TP phía Nam và TP phía Bắc. 

“Tôi kỳ vọng TPHCM sẽ đạt được tăng trưởng hai con số liên tục trong nhiều năm. Để làm được chuyện đó, những đô thị thành phần cũng phải đạt được tăng trưởng hai con số. Đô thị trung tâm TPHCM và đô thị TP Thủ Đức tôi không nghi ngờ sẽ không đạt được tăng trưởng hai con số, nhưng nếu 3 đô thị vệ tinh tách ra sẽ không đủ tiềm lực để đạt tăng trưởng hai con số, nên chỉ có cách làm 2 thành phố. Việc chia các thành phố không đơn thuần là chia diện tích, chia quản lý đô thị mà tác động đến kinh tế, xã hội” – ông Sơn phân tích.

Trước ý kiến Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Tiến sĩ Trần Du Lịch kiến nghị TPHCM nên tổ chức hội thảo để bàn về không gian cần bao nhiêu đô thị và tiêu chí gì để xác định các đô thị trong tương lai. Quan trọng nhất là đưa ra tiêu chí gì để xác định không gian đó là không gian riêng.


Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI