|
Chung kết Hoa hậu Việt Nam 2022 diễn ra tối 23/12/2022 tại TPHCM |
TPHCM là một trong những địa phương có nhiều cuộc thi hoa hậu diễn ra trong năm 2022 vừa qua. Hiện các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thi người đẹp phải tuân theo Nghị định số 144/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1/2/2021). Qua quá trình triển khai thực hiện, có một số quy định cần được hướng dẫn cụ thể hơn.
Với lĩnh vực thi người đẹp, tại điều 16 quy định một trong những điều kiện tổ chức cuộc thi là có văn bản chấp thuận tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại đây là UBND cấp tỉnh nơi tổ chức cuộc thi.
Nhưng trên thực tế, các cuộc thi người đẹp thường diễn ra nhiều vòng ở nhiều địa phương khác nhau. Trước đây, khi các cuộc thi toàn quốc được cơ quan cấp bộ cấp phép, thì ban tổ chức sẽ thông báo cho các địa phương. Theo nghị định mới, thẩm quyền cấp phép thuộc về UBND tỉnh, thành phố, nhưng chưa quy định rõ là vòng thi hay cuộc thi. Vì thế, TPHCM đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có hướng dẫn cụ thể hơn để các địa phương áp dụng, thi hành.
Đồng thời, trong văn bản cũng có ý kiến về mẫu tờ khai số 10, dành cho việc thi người mẫu, người đẹp ở nước ngoài. Theo đó, tờ khai này dành cho cá nhân, tổ chức đề nghị, nhưng phần ghi chú lại ghi là "cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận cho cá nhân Việt Nam dự thi người mẫu, người đẹp ở nước ngoài". TPHCM đề xuất đính chính phần này thành: "Tổ chức, cá nhân đề nghị".
Việc xử phạt vi phạm trong lĩnh vực văn hóa giải trí hiện tuân theo các quy định trong Nghị định số 38/2021/NĐ-CP. Qua thời gian thực hiện, Sở Văn hóa và Thể thao thấy có nhiều quy định khó thực hiện như: điểm c khoản 2 Điều 11 (không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tổ chức biểu diễn nghệ thuật, tổ chức cuộc thi, liên hoan, các loại hình nghệ thuật biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, nội bộ cơ quan, tổ chức); điểm a khoản 6 Điều 11 (tổ chức biểu diễn nghệ thuật, tổ chức cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn mà không có văn bản chấp thuận); điểm b khoản 2 Điều 12 (không thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định cuộc thi người đẹp, người mẫu thuộc phạm vi quản lý nội bộ của cơ quan, tổ chức); khoản 5 Điều 12 (phạt tiền từ 25 đến 30 triệu đồng tổ chức thi người đẹp, người mẫu không có văn bản chấp thuận).
Theo đó, trong thực tế kiểm tra xử lý còn nhiều cách hiểu khác nhau về cụm từ "phục vụ nội bộ cơ quan và tổ chức". Nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện chương trình không phải nội bộ, có nhiều người tham gia không phải là người của tổ chức đó, nhưng tại thời điểm kiểm tra không thể đối chiếu từng cá nhân tham gia biểu diễn, thi người đẹp, người mẫu có phải là người của nội bộ tổ chức hay không.
Do vậy thực tiễn nhiều cá nhân, tổ chức có dấu hiệu vi phạm về hành vi tại điểm a khoản 6 Điều 11, khoản 5 Điều 12, nhưng chỉ khai nhận vi phạm tại điểm c khoản 2 Điều 11 và điểm b khoản 2 Điều 12.
Có trường hợp cá nhân, tổ chức tập trung đông người cho chương trình biểu diễn nghệ thuật, thi người mẫu, người đẹp, nhưng không nhận là có tổ chức các hoạt động này. Tuy nhiên, khi thực hiện thì cuối chương trình, sự kiện đó lại có biểu diễn nghệ thuật, thi người mẫu, người đẹp.
Lực lượng kiểm tra chỉ có thể ghi nhận các nội dung, các loại hình nghệ thuật biểu diễn, thi người đẹp, người mẫu để xử phạt, chứ không thể áp dụng biện pháp dừng chương trình, sự kiện lại. Điều này dẫn tới việc biến tướng trong tổ chức biểu diễn nghệ thuật, thi người đẹp, người mẫu trên địa bàn, rất khó kiểm soát, ngăn chặn từ ban đầu.
UBND TPHCM đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, nghiên cứu có hướng dẫn cho việc triển khai thực hiện.
|
Ban tổ chức Miss Peace VietNam 2022 từng bị UBND TPHCM phạt 55 triệu đồng vì tổ chức tuyển sinh nhưng không xin phép địa phương |
Liên quan quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 8 của Nghị định số 144/2020/NĐ-CP, văn bản cũng đề nghị cần làm rõ một số nội dung.
Trên thực tế có những chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ các nhiệm vụ chính trị do cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện dưới hình thức xã hội hóa (không sử dụng ngân sách nhà nước) với quy mô là sự kiện lễ hội cấp thành phố, có thành phần tham gia biểu diễn chuyên nghiệp.
Với quy mô, phương thức như trên, chỉ thực hiện thủ tục thông báo cho cơ quan quản lý (cụ thể là UBND quận, huyện) là chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, có những chương trình không bán vé, nhưng tổ chức biểu diễn tại địa điểm nằm ngoài cơ sở kinh doanh (được nêu ở khoản 2, Điều 8). Có chương trình biểu diễn tại phòng trà, quán bar (có sự tham gia của ca sĩ nước ngoài, ca sĩ Việt Nam sống ở nước ngoài), không bán vé nhưng phụ thu tiền thức uống, quảng cáo sản phẩm hoặc các hình thức kinh doanh khác. Một số chương trình sự kiện, hội chợ không bán vé xem chương trình nghệ thuật nhưng có bán vé vào cổng. Vì thế, việc chỉ thực hiện thủ tục thông báo cũng chưa phù hợp.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 9 của nghị định này, các chương trình biểu diễn phục vụ thuộc khoản 1, 2 Điều 8 thực hiện thông báo đến cơ quan có thẩm quyền trước khi tổ chức, nhưng trong nghị định không quy định về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền.
Theo đó, các đơn vị tổ chức không thể xác định đã thực hiện đúng quy định hay chưa, hoặc cơ quan có thẩm quyền có nhận được thông báo chưa. Đối với các trường hợp nộp thông báo trực tuyến sẽ có thể gây khó, bởi không có tài liệu chứng minh, xuất trình với cơ quan thẩm quyền khi có các đoàn kiểm tra, thanh tra đến làm việc.
Trung Sơn