TPHCM: Đẩy mạnh phát triển trường mầm non ở các khu công nghiệp

27/10/2022 - 06:20

PNO - Thành phố chi khoảng 130 tỷ đồng để TP.Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện sửa chữa, mua sắm trang thiết bị trong hè cho các cơ sở giáo dục mầm non.

Ngày 25/10, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết đến nay, thành phố có hơn 1.300 trường mầm non và hơn 1.580 nhóm trẻ, lớp mầm non độc lập. Để chuẩn bị cho năm học mới, thành phố chi khoảng 130 tỷ đồng để TP.Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện sửa chữa, mua sắm trang thiết bị trong hè cho các cơ sở giáo dục mầm non.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, thời gian qua, thành phố đã đầu tư, ưu tiên quy hoạch cho phát triển giáo dục mầm non ở các khu vực bên trong và liền kề khu chế xuất, khu công nghiệp. Trong đó, bố trí đủ diện tích đất để xây dựng trường, lớp đúng với tiêu chí của ngành, dồn ghép các điểm trường, cơ sở giáo dục nhỏ lẻ hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất để hướng đến đạt chuẩn.

Trên địa bàn TP.HCM hiện có 16 khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động, đến nay có 24 trường mầm non ở vị trí liền kề và bên trong khuôn viên các khu chế xuất, khu công nghiệp. Các trường này về cơ bản đáp ứng việc giữ trẻ là con công nhân đang làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và cả trẻ em của các hộ dân địa phương. 

Tại bảy quận, huyện và TP.Thủ Đức nơi có khu chế xuất, khu công nghiệp, đã đưa vào mạng lưới 776 trường mầm non, trong đó có 214 trường công lập và 562 trường ngoài công lập. Đồng thời, có 1.177 nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục. 

Tuy vậy, một số địa phương vẫn gặp khó khăn về việc giải quyết chỗ học mầm non cho con em. Để khắc phục, Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh chương trình huy động vốn, cho vay đầu tư xây dựng trường mầm non công lập trên địa bàn TP.HCM theo Quyết định 41 năm 2014 của UBND thành phố. 

Mặt khác, sở kiến nghị triển khai gói tín dụng cho vay đặc thù đối với ngành giáo dục, trong đó giảm tối đa các điều kiện cho vay, linh hoạt trong yêu cầu về tài sản đảm bảo để vay tín dụng phục vụ giảng dạy, đào tạo, xem xét áp dụng theo hình thức vay tín chấp đối với các cơ sở giáo dục cả trong và ngoài công lập. Miễn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất cho toàn bộ các cơ sở, doanh nghiệp giáo dục và các dịch vụ giáo dục trong hai năm bị ảnh hưởng 2020-2021 và cho giai đoạn 2022-2027. Chính sách này nhằm giúp giảm chi phí, khuyến khích, huy động các nguồn lực công - tư vào phát triển, để phục hồi ngành giáo dục một cách nhanh nhất và duy trì hoạt động trong các năm tiếp theo.

Minh Linh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI