|
Quang cảnh kỳ họp lần thứ 17, HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 - Ảnh: Tú Ngân |
Đến tận nhà hỗ trợ dân làm thủ tục qua mạng
Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM - cho biết, chuyển đổi số là chương trình quan trọng, được UBND thành phố tập trung đầu tư trong nhiều năm qua; thứ hạng về chuyển đổi số của TPHCM tăng liên tục từ năm 2021 đến 2023, hiện xếp thứ hai trong 63 tỉnh, thành.
Theo ông, chuyển đổi số đã đóng góp tích cực vào công tác cải cách hành chính và quản trị thành phố. TPHCM đã tích hợp hơn 40 cổng dịch vụ công vào 1 cổng duy nhất, kết nối với hệ thống cổng dịch vụ công quốc gia, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính của thành phố. Nhờ chuyển đổi số, công tác quản lý của nhiều ngành hiệu quả hơn.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Huỳnh Đặng Hà Tuyên về việc cung cấp dịch vụ công của UBND cấp phường, quận, ông Lâm Đình Thắng cho biết, trong năm 2024, sở đặt chỉ tiêu rà soát, nâng cấp 100% hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo sự liên thông kết nối từ cấp thành phố đến cấp quận và phường. Sở đã phối hợp rà soát, đầu tư hơn 3.000 thiết bị với tổng tiền hơn 150 tỉ đồng cho các đơn vị, địa phương và sẽ tiếp tục kiến nghị UBND TPHCM nghe ý kiến các sở, ngành để sớm thông qua chủ trương, bố trí vốn kịp thời.
Về vấn đề an ninh mạng, bảo mật thông tin do đại biểu Nguyễn Đức Hiếu nêu, ông Lâm Đình Thắng cho biết, sở đang triển khai một số giải pháp như đặt toàn bộ dữ liệu tại trung tâm dữ liệu của thành phố, giám sát liên tục hằng ngày. Sở cũng nghiên cứu xây dựng dự án trung tâm dữ liệu dự phòng, tổ chức bảo vệ an toàn thông tin qua 4 lớp, đồng thời tổ chức mạng lưới ứng cứu an toàn thông tin phòng khi các đơn vị gặp sự cố.
Đại biểu Lê Minh Đức - Phó trưởng ban Pháp chế, HĐND TPHCM - phản ánh, người lớn tuổi, người khuyết tật, đối tượng yếu thế rất lúng túng khi thực hiện các hoạt động trên cổng dịch vụ công trực tuyến.
Ông Lâm Đình Thắng cho hay, sở đã thiết kế cổng dịch vụ công đơn giản từ quy trình đến giao diện, tiện lợi và đồng bộ với cổng dịch vụ công quốc gia, giúp người dân dễ nhận diện, thao tác. Ngoài ra, người dân cũng được giảm bớt các thủ tục do chỉ cần khai báo dữ liệu cá nhân 1 lần. TPHCM cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân như: sử dụng trợ lý ảo; bố trí cán bộ hỗ trợ người dân làm thủ tục hành chính ở các cơ quan, nhận hỗ trợ qua email, số điện thoại; triển khai tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương, đến từng nhà hỗ trợ người dân đặc biệt là người yếu thế, người lớn tuổi…
Đại biểu Phạm Đăng Khoa đặt vấn đề, ngân sách TPHCM bố trí hơn 1.800 tỉ đồng cho các dự án chuyển đổi số nhưng đến nay chưa giải ngân được đồng nào, vậy vướng mắc ở đâu và Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM sẽ thúc đẩy việc giải ngân vốn như thế nào? Ông Lâm Đình Thắng giải thích, trong năm 2024, UBND TPHCM đã bố trí vốn cho các dự án chuyển đổi số khoảng 1.290 tỉ đồng. Từ tháng 6/2023, các đơn vị đã đề xuất các hạng mục đầu tư để sở tổng hợp trình UBND TPHCM từ tháng 12/2023. Thế nhưng, qua khảo sát, có những đơn vị chưa báo cáo đầy đủ nên đến tháng 5/2024, mới có quyết định bố trí vốn, dẫn đến tiến độ giải ngân chậm. Dự kiến, việc giải ngân sẽ hoàn thành trong năm nay.
Dùng đất nghĩa trang xây trường học
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - về tiến độ các dự án xây trường tiểu học, quy hoạch các cụm trường, ông Nguyễn Minh Nhựt - Chủ tịch UBND quận Bình Tân - cho biết, đến nay, UBND quận được bố trí 10.200 tỉ đồng cho 101 dự án, trong đó có 42 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo với 4.819 tỉ đồng.
UBND quận Bình Tân được HĐND TPHCM bố trí vốn cho 23 dự án xây trường với hơn 729 phòng học, đã hoàn thành 7 trường với 235 phòng. Dự kiến năm 2025, UBND quận sẽ đầu tư xây 16 trường còn lại, nâng tổng số phòng học lên 2.238 phòng. Như vậy, đến năm 2025, quận sẽ đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận.
UBND quận Bình Tân cũng sẽ phối hợp các sở, ngành rà soát quỹ đất của các tổng công ty đang bỏ trống để xây dựng trường học, kêu gọi xã hội hóa việc đầu tư xây trường tiểu học, THCS. Ngoài ra, sau khi di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa, sẽ có 40ha đất trống, UBND quận đề xuất điều chỉnh quy hoạch, bố trí đất trong khu này làm trường học. Dự kiến đầu năm sau, UBND quận sẽ khởi công xây dựng trường tiểu học và THCS tại đây. Ngoài ra, UBND quận còn đề xuất UBND TPHCM giao 7/59 địa chỉ nhà, đất bị sử dụng không đúng mục đích hoặc bỏ trống để đầu tư xây trường học.
Về thực trạng thu gom, vận chuyển rác ở quận Bình Tân mà đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM - nêu, ông Nguyễn Minh Nhựt cho biết, trước đây, UBND quận chia việc thu gom rác dân lập thành 2 khâu thu gom và vận chuyển. Tuy nhiên, qua đánh giá thực trạng, UBND quận nhận thấy 2 khâu này còn nhiều bất cập như gây mất vệ sinh môi trường, làm phát sinh mùi hôi, nước thải, không đảm bảo thời gian thu gom nên đã tổ chức lại theo hướng cho phép 1 đơn vị vừa thu gom, vừa vận chuyển rác đi xử lý. Việc thu tiền rác được thực hiện qua ứng dụng (app) để dễ kiểm soát. Dự kiến, việc thu tiền thu gom, vận chuyển rác sẽ được thực hiện từ tháng 9/2024 sau khi đã cập nhật và hoàn chỉnh các số liệu.
Với câu hỏi của đại biểu Đặng Trần Trúc Dao - Chủ tịch Hội LHPN huyện Hóc Môn - về việc làm, thu nhập, chính sách đối với người lao động nữ trong các khu công nghiệp, ông Nguyễn Minh Nhựt cho rằng, đảng bộ, UBND quận luôn quan tâm, chăm lo đời sống người lao động, đặc biệt là lao động nữ để họ an tâm sinh sống và lao động, góp phần giúp quận phát triển. Cũng từng có thông tin người sử dụng lao động có xu hướng cắt giảm người lao động làm việc lâu năm, có chỉ số tiền lương cao nhưng qua kiểm tra, các cơ quan chức năng của quận ghi nhận không có tình trạng này, chỉ có hiện tượng cắt giảm người lao động theo lộ trình do không có nguồn hàng. UBND quận đã kêu gọi doanh nghiệp có trên 1.000 lao động đầu tư cơ sở giữ trẻ, phòng trữ và hút sữa mẹ. Đồng thời, thúc đẩy các khu công nghiệp xây nhà lưu trú cho công nhân để người lao động yên tâm sinh sống và làm việc.
Tú Ngân - Trang Nguyễn