|
Quang cảnh ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ 13, HĐND khóa X - Ảnh: Tú Ngân |
Cần đẩy mạnh chuyển đổi số ở khu vực tư
Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM - cho biết, sở đang tập trung xây dựng các nền tảng số đồng bộ cho toàn thành phố, trong đó vận hành 14 nền tảng lớn. Riêng trong năm 2023, sở tập trung xây dựng, phát triển 5 nền tảng quan trọng, như tổng đài 1022 để xử lý các vấn đề mà người dân phản ánh, qua đó giảm tỉ lệ hồ sơ giải quyết trễ hạn từ 3% trong năm 2022 xuống còn 0,45%.
Theo ông, trong 3 năm qua, TPHCM liên tục thăng hạng và là 1 trong 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Năm 2023, TPHCM đứng thứ hai cả nước về chỉ số chuyển đổi số và xếp thứ nhất về chỉ số thể chế và chỉ số hạ tầng số. Cổng dịch vụ công TPHCM được xếp hạng 4/63 tỉnh thành.
Gần đây nhất, UBND TPHCM cũng được trao giải thưởng cho hạng mục chính quyền số xuất sắc năm 2023 do Hội đồng Giải thưởng ASOCIO lựa chọn. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn và mong muốn thì quá trình chuyển đổi số của TPHCM vẫn còn nhiều việc phải làm.
Ông thông tin, trong năm 2024 sở sẽ tập trung đầu tư trang thiết bị để xây dựng hạ tầng số đồng bộ từ cấp thành phố đến cấp phường; dự kiến thành lập trung tâm chuyển đổi số để hỗ trợ cho các đơn vị; đẩy mạnh hình thức thuê dịch vụ; đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ tại chỗ…
Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhà trường, Trường đại học Tôn Đức Thắng - cho rằng, Sở Thông tin và Truyền thông đang quan tâm nhiều đến chuyển đổi số ở khu vực công, dịch vụ công, ít quan tâm đầu tư cho toàn bộ các hoạt động kinh tế, xã hội, khiến vai trò chuyển đổi số của khu vực tư chưa thực sự đậm nét.
Ông góp ý: “Nên cụ thể hóa bằng những chủ trương, chính sách thúc đẩy các hoạt động, các doanh nghiệp vào tiến trình chung của chuyển đổi số để phát triển nền kinh tế số. Nói cách khác, nên đánh giá đúng vai trò của khu vực tư nhân và có những chủ trương, chính sách cụ thể cho khu vực này”.
Đại biểu Phạm Đăng Khoa (quận 3) cũng kiến nghị, nên đầu tư chuyển đổi số nhiều hơn nữa cho lĩnh vực giáo dục để tăng chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai. Cụ thể là đầu tư hơn nữa về học liệu số, thư viện số, học bạ điện tử trong các trường học và cần có sự liên thông dữ liệu giữa các ban, ngành để tăng giá trị của dữ liệu.
Giải ngân lượng vốn đầu tư công lớn
Giải trình với đại biểu về giải ngân vốn đầu tư công, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM - thông tin, năm 2023, nguồn vốn đầu tư công được giao lớn (68.634 tỉ đồng) trong khi công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn về pháp lý, quy trình thực hiện; việc phối hợp giải quyết thủ tục đầu tư của các cơ quan, sở, ngành, chủ đầu tư có lúc còn chưa đồng bộ, hiệu quả.
Trước những khó khăn đó, trong thẩm quyền của mình, UBND TPHCM đã phân định rõ trách nhiệm, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các địa phương để góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Thành phố cũng bố trí toàn bộ vốn ngay từ đầu năm để các cơ quan, đơn vị thuận tiện xác định kế hoạch giải ngân chi tiết. Ban Thường vụ Thành ủy và HĐND TPHCM cũng trực tiếp giám sát, chỉ đạo trực tiếp các nội dung cụ thể gần 60 dự án trọng điểm.
Tính đến ngày 6/12, toàn thành phố đã giải ngân 35.157 tỉ đồng, đạt 51,2% tổng vốn đầu tư công năm 2023. Tuy tỉ lệ chưa cao nhưng số vốn này đã cao hơn gấp đôi cùng kỳ năm 2022, góp phần giúp tổng sản phẩm địa phương (GRDP) dự kiến đạt 5,81%, cao hơn tỉ lệ tăng trưởng trung bình GRDP của cả nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung - Phó bí thư thường trực Đảng ủy khối Dân - Chính - Đảng TPHCM - ghi nhận những áp lực trong việc giải ngân đầu tư công nhưng cho rằng, nếu không có giải pháp cụ thể thì những hạn chế trong công tác này sẽ tiếp diễn trong năm 2024. Để sớm giải ngân số vốn tồn đọng, bà đề xuất, ngay từ bây giờ, nên liệt kê, phân loại các dự án chậm triển khai để tính toán lại, theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho những dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Bà đề nghị lập tổ công tác giải quyết các vấn đề tồn đọng: “Có những đơn vị ở cấp quận họp mỗi tháng 1 lần để xem xét tiến độ các dự án và báo cáo cho UBND TPHCM. Vì vậy, lãnh đạo UBND TPHCM cũng nên họp hằng quý để giải quyết các công trình, dự án này”.
Tạo chuyển biến tích cực với những vấn đề cử tri quan tâm Các đại biểu đã quan tâm, chất vấn để làm rõ nhiều vấn đề, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, làm rõ trách nhiệm cũng như đề xuất các giải pháp khắc phục trong thời gian sắp tới, gợi ý và bổ sung những giải pháp để UBND TPHCM cùng các sở, ngành có cách thức, quyết sách phù hợp hơn trong quản lý, điều hành, đáp ứng niềm mong mỏi của cử tri và nhân dân. Những vấn đề được đại biểu HĐND TPHCM đặt ra đúng, trúng, phù hợp với tình hình thực tế và sự quan tâm của cử tri thành phố. Qua phần trả lời chất vấn của lãnh đạo UBND TPHCM cũng như các sở, ngành, có thể thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế, cần có quyết tâm cao, giải pháp đột phá để khắc phục trong thời gian tới. HĐND TPHCM đề nghị, sau kỳ họp, UBND TPHCM và các sở, ban, ngành cần phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp để đạt kết quả tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực đối với những vấn đề mà đại biểu và cử tri thành phố quan tâm. Bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TPHCM 2024 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số Trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND TPHCM, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM - nhận định, kết quả phát triển kinh tế, xã hội của TPHCM tuy chưa đạt chỉ tiêu đề ra cho năm 2023 nhưng đáng trân trọng: “Chúng ta đã tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn đã tồn đọng lâu năm và khởi công một số dự án quan trọng”. Nói về giải ngân vốn đầu tư công, ông cho hay, UBND TPHCM đã thành lập các tổ công tác, họp giao ban hằng tháng và sau này sẽ kiểm tra hằng tuần. Tỉ lệ giải ngân còn thấp nhưng xét về khối lượng công việc thì rất lớn, cho thấy nỗ lực rất cao của cả hệ thống chính trị. Một số đại biểu HĐND TPHCM cho rằng, kết quả thực hiện 4 chương trình trọng điểm trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng sẽ gây khó khăn trong việc thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM trong 2 năm còn lại. Ông Phan Văn Mãi lý giải, dịch COVID-19 đã làm xáo trộn nhiều thứ. Trong 51 chương trình, đề án thuộc 4 chương trình trọng điểm, đột phá, đến nay, đã có 45 chương trình được cụ thể hóa và quá trình này cũng diễn ra chậm, chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Do đó, trong 2 năm còn lại, với nguồn lực về ngân sách, UBND TPHCM sẽ xác định lại trọng tâm, trọng điểm, trong đó chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng số, chú trọng tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu. Ông Phan Văn Mãi cũng thông tin thêm, UBND TPHCM xác định chỉ tiêu phấn đấu tăng GRDP đạt từ 7,5 - 8%: “Chỉ tiêu như vậy là cao nhưng chúng ta tự đặt ra thử thách cho chính mình và cùng nhau phấn đấu. UBND TPHCM xác định 3 kịch bản tăng trưởng, nếu tình hình bất lợi thì tăng trưởng 5,62 - 5,69%, nếu tình hình không biến động thì tăng trưởng 6,29 - 7,05% và nếu thuận lợi thì tăng trưởng 7,13 - 7,95%”. Để đạt các chỉ tiêu trên, ông cho hay, trong năm 2024, UBND TPHCM sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TPHCM với dữ liệu quốc gia; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút, thúc đẩy đầu tư theo hướng ưu tiên hình thức hợp tác công tư; triển khai, vận hành hệ thống thông tin quản lý đất đai; triển khai đề án nâng cao năng lực chuyển đổi số của chính quyền cấp cơ sở; hoàn thiện đề án xây dựng trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0; nâng cấp, tiếp tục phát triển sàn giao dịch công nghệ và xây dựng; triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông. |
Thu Lê - Tú Ngân