TPHCM đẩy mạnh chăm sóc y tế từ xa

20/08/2021 - 06:48

PNO - Trước tình hình dịch COVID-19 tại TPHCM diễn biến vô cùng phức tạp gây ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm sóc sức khỏe cho người dân, ngành y tế đang cố gắng ứng phó, đưa ra các đối sách không chỉ giúp bệnh nhân COVID-19 mà cả người mắc bệnh lý khác được tư vấn, hướng dẫn kịp thời.

Khoa Nội tim mạch của Bệnh viện Chợ Rẫy bình thường có khoảng 500 bệnh nhân ngoại trú thì nay số lượng tới khám và theo dõi chỉ khoảng 50 ca. Từ đó cho thấy, dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn tới việc đi khám bệnh của người dân. Để kịp thời hỗ trợ bệnh nhân, Bệnh viện Chợ Rẫy đang triển khai tư vấn qua điện thoại cho 30 chuyên khoa về các bệnh lý ngoài COVID-19. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận trên 3.000 cuộc gọi từ người dân.

Kịp thời tư vấn cho bệnh nhân khi giãn cách 

Điện thoại reo, đầu dây bên kia giọng đàn ông rất cấp bách: “A lô, bác sĩ ơi, ba tôi 65 tuổi là bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Hai ngày nữa, ông mới tới lịch chạy thận nhưng hiện nay đang tức bụng dưới và đi tiểu buốt. Gia đình tôi nên làm gì ngay lúc này?”. Bác sĩ Nguyễn Minh Giám, Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Chợ Rẫy, sau khi tiếp nhận thông tin đã cho bệnh nhân số điện thoại riêng của mình, đề nghị người nhà gửi hết các toa thuốc cũ của cụ ông. Bác sĩ mất khoảng 30 phút để xem xét tình trạng ca này, bởi người gọi điện là con của bệnh nhân, khi bác sĩ hỏi thì anh lại phải truyền đạt lại cho bố mình rồi mới kể cho bác sĩ. 

Nhân viên y tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy đang tư vấn cho người dân qua điện thoại
Nhân viên y tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy đang tư vấn cho người dân qua điện thoại

Nếu như trình tự thông thường, bệnh nhân sẽ cần làm xét nghiệm nước tiểu nhưng trong thời điểm thành phố giãn cách như hiện nay, lại là điều rất khó khăn. Các phòng khám tư nhân đều nghỉ, chẳng lẽ chỉ vì một vấn đề không tới nỗi quá nghiêm trọng mà yêu cầu bệnh nhân vào bệnh viện thì nguy cơ lây chéo cho họ là không đáng. Bác sĩ Nguyễn Minh Giám đã cho bệnh nhân toa thuốc kháng viêm, sát trùng đường tiểu để uống; dặn người nhà hai ngày nữa khi cụ ông vào bệnh viện chạy thận nhớ khai rõ cả tình trạng viêm tiết niệu để bác sĩ kiểm tra kỹ lưỡng hơn.

Trong những ngày vừa qua, có lẽ Khoa Nội tim mạch của Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong những chuyên khoa nhận được nhiều cuộc điện thoại của người dân nhất. Bác sĩ chuyên khoa II Lý Văn Chiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch kiêm Phó khoa Nội tim mạch của bệnh viện, cho biết, trung bình mỗi ngày, đơn vị mình tiếp nhận 300 - 400 cuộc gọi, trong đó 2/3 liên quan tới bệnh lý tim mạch, còn lại là liên quan tới COVID-19 và tiêm vắc xin.

Bác sĩ Lý Văn Chiêu cũng mới tư vấn cho một cụ ông 70 tuổi, đang là bệnh nhân ngoại trú của Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh nhân này huyết áp tăng cao hơn bình thường, thuốc thì đã uống hết. Cụ ông muốn biết có uống tiếp toa cũ được không hay phải điều chỉnh lại thuốc. Sau khi xem xét toa cũ cũng như các chỉ số huyết áp bệnh nhân tự đo ở nhà, bác sĩ Lý Văn Chiêu đã điều chỉnh thuốc cho cụ. 

Hữu ích với các bệnh lý nhẹ

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Giám, tư vấn từ xa qua điện thoại cho người dân có ưu điểm nhưng cũng gặp phải nhiều hạn chế. Ưu điểm là khi gặp các vấn đề về sức khỏe, người dân sẽ được hướng dẫn bởi người có chuyên môn y tế, nhờ thế với những bệnh lý nhẹ, đơn giản thì có thể xử lý được. Từ đó, bệnh nhân và người nhà cũng bớt lo lắng, không phải vội vàng vào bệnh viện khi chưa thực sự cần thiết, yên tâm ở trong nhà giãn cách xã hội. 

Tuy nhiên, điều hạn chế là không phải bệnh lý nào các bác sĩ cũng xử lý qua hình thức nghe điện thoại hay nhìn hình ảnh được. Bác sĩ không được trực tiếp thăm khám bệnh nhân, sự giao tiếp qua điện thoại bị giới hạn, bởi chưa chắc bệnh nhân đã miêu tả hết ý. Đó còn chưa kể người gọi điện không phải bệnh nhân mà là con cái, sau đó con mới đi hỏi bố mẹ mình rồi truyền đạt lại với bác sĩ nên việc sai lạc rất dễ xảy ra. 

Những chuyên khoa về tim mạch, tiêu hóa, hô hấp luôn luôn trong tình trạng “cháy máy”, nhưng phân nửa lại không phải hỏi về bệnh lý đúng chuyên khoa đó mà hỏi về các vấn đề không liên quan như tiêm vắc xin, COVID-19. Ban ngày, các bác sĩ trực đã vô cùng quá tải, ban đêm cũng tiếp nhận vài chục cuộc điện thoại như vậy khiến nhân viên y tế đang rất đuối sức. Khi nhận được điện thoại về các vấn đề liên quan COVID-19 thì các bác sĩ trực điện thoại vẫn không từ chối mà hướng dẫn người dân gọi tới đúng địa chỉ cần tìm. 

Không chỉ khối y tế công lập mà các đơn vị y tế tư nhân cũng đã triển khai các dịch vụ tư vấn, hướng dẫn từ xa cho người dân theo hình thức trả phí. 

Cách đây một tuần, chị T.T.C.Đ., ở P.Tân Phú, Q.7, TPHCM, đã gọi điện tới một bệnh viện tư nhân tại quận này để đặt lịch tư vấn online cho bố.

Bố chị Đ. 66 tuổi, bị tăng huyết áp và đái tháo đường nhiều năm. Ông vẫn đang uống thuốc theo toa cũ từ cách đây ba tháng. Bỗng dưng liên tiếp trong ba ngày, ông kêu mệt, đo huyết áp bị tụt còn có 90/120, chỉ số đường huyết lại vọt lên 23mmol/L. Buổi chiều, đăng ký khám thì bố chị Đ. được bệnh viện hẹn lịch gặp bác sĩ online vào sáng hôm sau.

Chị còn được dặn dò hãy gửi trước toa thuốc, các thông tin tiền sử bệnh lý của bố mình cho bác sĩ, đo đường huyết, huyết áp vào buổi tối và sáng sớm hôm sau để bác sĩ có dữ liệu căn cứ. Ngày hôm sau bác sĩ đã kết nối với bố của chị Đ. qua Zalo, thời gian nói chuyện khoảng 20 phút. Sau đó, vị bác sĩ giảm liều lượng thuốc huyết áp và tăng thêm một liều thuốc đái tháo đường vào cữ chiều cho bố chị. Từ khi điều chỉnh thuốc tới nay, tình trạng sức khỏe của bố chị Đ. ổn định.

Tại Q.7 cũng có một phòng khám đang quảng cáo về gói dịch vụ chăm sóc F0 tại nhà với giá từ mười mấy tới 20 triệu đồng/người, tùy từng hạng mục. Cụ thể, F0 sẽ được tư vấn online mỗi ngày trong một tuần, được gửi thuốc tới nhà nếu cần thiết, thậm chí còn có dịch vụ xe cứu thương tới đón đưa đi bệnh viện lúc trở nặng…

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI