TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số vào năm 2025

26/12/2024 - 08:59

PNO - Sáng 26/12, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: Phùng Huy
Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: Phùng Huy

Tại hội nghị, ông Dương Ngọc Hải - Phó chủ tịch UBND TPHCM - cho hay trong năm 2024, kinh tế thành phố tiếp tục hồi phục tích cực, chuyển dịch theo hướng hiện đại, có mức tăng trưởng khá. Các vấn đề bất cập, các điểm nghẽn kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…

Nhiều dự án quan trọng được đưa vào khai thác, nhiều dự án đầu tư công được đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, đưa vào vận hành khai thác tuyến metro số 1, khởi công công tác di dời hạ tầng kỹ thuật tuyến metro số 2; tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” các công trình giao thông trọng điểm.

Tình hình lao động, việc làm trên địa bàn thành phố có nhiều khởi sắc, nhu cầu tuyển dụng lao động tại các cơ sở, doanh nghiệp ngày càng tăng, các hoạt động kết nối cung - cầu lao động được triển khai thực hiện có hiệu quả; tỉ lệ lao động nộp hồ sơ đề nghị thất nghiệp giảm 11,44% so với năm 2023.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn một số hạn chế. Mức tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký giảm so với cùng kỳ năm 2023, tiến độ giải quyết một vài công việc và một số dự án vướng mắc chậm được tháo gỡ, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Ông chỉ ra một số nguyên nhân chủ quan như: công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong việc giải quyết một số khó khăn, vướng mắc chưa thực sự hiệu quả; một số đơn vị thiếu chủ động trong đề xuất giải quyết những tồn tại, chất lượng tham mưu, tiến độ triển khai một số chương trình, đề án, kết luận, chỉ đạo chưa đáp ứng yêu cầu...

“Việc xây dựng, ban hành thực hiện các đề án theo tinh thần Kết luận số 14- KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung còn chậm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã được thúc đẩy nhưng kết quả thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu quản lý, một số hoạt động đã thực hiện chuyển đổi số nhưng còn tương tác bằng bản giấy” - ông Dương Ngọc Hải thẳng thắn.

Ông Dương Ngọc Hải - Phó chủ tịch UBND TPHCM - cho hay, TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng trên 10% trong năm 2025 - Ảnh: Phùng Huy
Ông Dương Ngọc Hải - Phó chủ tịch UBND TPHCM - cho hay, TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng trên 10% trong năm 2025 - Ảnh: Phùng Huy

Năm 2025, TPHCM đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trên 10%, tỉ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; kinh tế số đóng góp khoảng 25% trong GRDP; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.500 USD; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% trong GRDP; tỉ lệ chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt trên 1%/GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt 7%.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đặt ra các chỉ tiêu văn hóa - xã hội, như: tỉ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ đạt 87,2%; tạo việc làm mới cho 140.000 lao động; phấn đấu thành phố không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia; không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố; đạt tỷ lệ 21 bác sĩ/vạn dân; 42 giường bệnh/vạn dân; đạt 300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học; tổng tỉ suất sinh đạt ít nhất 1,4 con/phụ nữ...

Thành phố tập trung chuẩn bị đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng, trong đó có Vành đai 2, Vành đai 4, xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; cao tốc TPHCM - Mộc Bài, hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị. Phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và khởi công ít nhất 2 dự án trong 5 dự án áp dụng hợp đồng BOT theo Nghị quyết số 98/2023/QH15.

“Đặc biệt, thành phố quyết liệt chuẩn bị giải pháp huy động đủ nhu cầu vốn đầu tư phát triển năm 2025 dự ước khoảng 500 nghìn tỉ đồng, trong đó vốn từ ngân sách khoảng 100 nghìn tỉ đồng, huy động các nguồn vốn xã hội khoảng 400 nghìn tỉ đồng. Riêng giai đoạn 2026 - 2030 dự ước là 4,4 triệu tỉ đồng, trong đó vốn từ ngân sách là 1,1 triệu tỉ đồng, cần huy động các nguồn vốn xã hội khoảng 3,3 triệu tỉ đồng để đạt mục tiêu tăng trưởng 9 - 10%/năm” - ông Dương Ngọc Hải nói.

Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI