TPHCM đặt mục tiêu mỗi học sinh biết chơi ít nhất 1 môn thể thao

06/10/2023 - 16:09

PNO - Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị sau giờ học, các trường cần tổ chức nhiều hoạt động thể thao cho học sinh tham gia.

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên Sở GD-ĐT TPHCM phát động Ngày thể thao học sinh vào Chủ nhật hàng tuần đã tạo ra phong trào rèn luyện thể dục thể thao cho học sinh toàn thành phố. 

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, toàn thành phố có 90% đơn vị trường học có câu lạc bộ thể thao dành cho học sinh, 72,3% học sinh thường xuyên được tham gia các câu lạc bộ thể thao ngoại khoá của nhà trường. Nhiều môn thể thao đang được các nhà trường quan tâm thông qua hình thức câu lạc bộ như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội, cầu lông, võ vovinam, võ cổ truyền, điền kinh, bóng bàn. 

Thầy Nguyễn Công Đức - Phó hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) - cho biết, hiện trường có 27 câu lạc bộ ở các lĩnh vực từ học thuật, năng khiếu đến hoạt động thể thao. Riêng năm học 2023-2024, đến 1.500 học sinh học sinh toàn trường (gần 70%) học sinh tham gia các câu lạc bộ và được cấp giấy chứng nhận. Nhiều câu lạc bộ trở thành sân chơi chuyên nghiệp cho học sinh nhà trường, giành được nhiều giải cao trong các cuộc thi cấp thành phố.

Nhiều môn thể thao đang được các nhà trường quan tâm thông qua hình thức câu lạc bộ như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội
Nhiều môn thể thao đang được các nhà trường quan tâm thông qua hình thức câu lạc bộ như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội...

“Bên cạnh việc học, hướng tới giáo dục toàn diện học sinh, nhà trường khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động rèn luyện thể chất thông qua việc tạo điều kiện để các em tham gia các câu lạc bộ. Việc đa đạng các câu lạc bộ không chỉ đáp ứng được nguyện vọng của học sinh mà còn giúp các em rèn luyện sức khoẻ, qua đó còn phát huy năng khiếu, sở trường, góp phần định hướng nghề nghiệp cho các em” - thầy Nguyễn Công Đức chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - đánh giá, số học sinh thành phố tham gia vào hoạt động câu lạc bộ vẫn còn ít. Trong khi đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ VII có đề ra TPHCM hướng đến mỗi em học sinh phải biết chơi ít nhất 1 môn thể thao.

Do vậy, ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị sau giờ học trường học cần tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh tham gia, tạo môi trường, sự gắn kết và mối quan hệ tốt đẹp giữa các em học sinh, từ đó tạo ra môi trường hạnh phúc. Các trường bố trí linh hoạt thời gian sinh hoạt câu lạc bộ, phù hợp với thời gian học của học sinh để thu hút đông đảo học sinh tham gia, hình thành thói quen tập luyện thể thao, rèn luyện thân thể…

“Từng trường cần phấn đấu mỗi học sinh phải biết chơi ít nhất 1 môn thể thao. Đây là nền tảng để các em có sức khoẻ để học tập, làm việc, sau này cống hiến cho xã hội” - ông Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu.

Riêng về phổ cập bơi, ông Nguyễn Văn Hiếu nói thêm, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2030 thành phố có 100% học sinh tiểu học biết bơi. Tuy nhiên, thống kê đến nay có chưa đến 30% học sinh tiểu học biết bơi. Một số quận trung tâm có điều kiện tốt, hồ bơi nhiều, sông ngòi ít như quận 1 gần 100% học sinh biết bơi, song các quận huyện ngoại thành điều kiện khó khăn, sông ngòi nhiều thì tỉ lệ học sinh biết bơi lại ít. 

“Năm học này, các địa phương cần quyết liệt đưa nội dung bơi vào trong trường học. Không để học sinh nào của thành phố vì không biết bơi mà đuối nước. Cạnh đó cần phối hợp với các đơn vị đưa kỹ năng phòng chống đuối nước vào trong nhà trường” - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nhấn mạnh.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI