TPHCM đang phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng (TOD) ra sao?

28/11/2023 - 12:06

PNO - Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết 98/2023.

Tại mục a, khoản 2, điều 4 Nghị quyết số 98 nội dung về thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD): "Hội đồng nhân dân TP quyết định sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công lập, nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 thuộc địa phận TP để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ theo quy định của pháp luật”.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 98, MAUR đã có buổi làm việc với Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) liên quan đến việc thành lập một nhóm công tác chung giữa TPHCM và JICA để thảo luận nghiên cứu khả năng hợp tác đầu tư triển khai các dự án phát triển đô thị theo TOD. Hiện nay, Chủ tịch UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương thúc đẩy hợp tác giữa TP và JICA trong lĩnh vực phát triển TOD thời gian sắp tới. 

Nhà ga Tân Cảng thuộc tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, có vị trí cực kỳ đắc địa khi nằm cạnh cầu Sài Gòn, sông Sài Gòn, cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Đây là điểm tiếp nối đến ga Văn Thánh rồi chuyển tiếp vào đoạn hầm ngầm về đến Bến Thành
Nhà ga Tân Cảng thuộc tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên nằm cạnh cầu Sài Gòn

Ngoài ra, MAUR cũng phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP, đề xuất nhà ga có diện tích đất công xung quanh lớn để đưa vào kế hoạch. Đồng thời, kiến nghị UBND TP cho phép triển khai các dự án trong thời gian tới như ga Phước Long, ga Tân Cảng, ga Văn Thánh, ga Khu công nghệ cao…

Trước đó, tháng 9/2023, MAUR cũng đã có buổi việc với cơ quan tái thiết đô thị (UR) và tư vấn Nippon Koei với các sở, ngành liên quan về việc nghiên cứu quy hoạch TOD khu vực nhà ga Phước Long.

Tuy nhiên, với đặc thù của các dự án đường sắt đô thị, cũng như việc triển khai và thực hiện chỉ đạo tại các nghị quyết đang ở những bước đầu tiên nên khó khăn, vướng mắc. 

Cụ thể, phạm vi quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị hiện nay chỉ dừng lại ở quy hoạch hướng tuyến, vị trí nhà ga, chưa gắn với quy hoạch phát triển đô thị dọc tuyến, do vậy không đảm bảo tính đồng bộ. 

Công tác giải phóng mặt bằng tốn nhiều thời gian và chi phí tăng cao do sau khi quy hoạch giá đất các vị trí khu vực lân cận ngày càng tăng. Do đó, để tránh việc đầu cơ đất, tạo quỹ đất sạch để tổ chức đấu giá, đấu thầu, tiết kiệm chi phí giải phóng mặt bằng cần phải nghiên cứu triển khai thực hiện thu hồi đất đối với các dự án đường sắt đô thị ngay từ giai đoạn dự án được phê duyệt quy hoạch. 

Ngoài ra, cần phải đa dạng hóa nguồn lực tài chính để đáp ứng nhu cầu vốn cho xây dựng hệ thống đường sắt đô thị và dự án TOD.

Trong quá trình thực hiện nghị quyết 98, MAUR đã phối hợp vận dụng sáng tạo các cơ chế, chỉ đạo tại Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045. Theo đó, MAUR đã chủ động xây dựng và trình UBND TPHCM chấp thuận đề cương Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM (đề án).

Trong đề án, có 5 lĩnh vực trọng yếu và cần được ưu tiên gấp rút nghiên cứu, thống nhất phương hướng hành động và xây dựng kế hoạch thực hiện, gồm: quy hoạch, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng; đa dạng nguồn lực tài chính: ngân sách nhà nước, giá trị gia tăng quỹ đất theo mô hình TOD, vay vốn, trái phiếu; rút ngắn trình tự, thủ tục đầu tư, phê duyệt và triển khai dự án; xây dựng khung tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ, tổ chức thi công, cung cấp nguyên vật liệu, đầu tư thiết bị; xây dựng phương án mô hình tổ chức, quản lý, nhân lực.

Anh Hào

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI