"TPHCM đang khỏe lại là món quà lớn nhất cho ngày 20/10 với chúng tôi"

20/10/2021 - 07:06

PNO - Hơn 70 ngày, đêm cùng nhau “chiến đấu” chống dịch COVID-19, số lượng bệnh nhân ngày một giảm, dịch bệnh được kiểm soát là món quà ý nghĩa nhất trong Ngày Phụ Nữ Việt Nam của các bác sĩ nữ.

Xuyên suốt đợt dịch COVID-19 thứ 4 tại TPHCM, các bác sĩ ở Bệnh viện Dã chiến số 12 (do Bệnh viện Da liễu TPHCM phụ trách) đã cùng nhau chăm sóc, điều trị, giành giật mạng sống cho hơn 13.000 bệnh nhân. Đó là một hành trình không thể nào quên đối với các bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ nữ.

Những ngày không thể nào quên

Từng tia nắng sớm mai rọi xuống khuôn viên khu tái định cư phường An Khánh, TP. Thủ Đức, “dải lụa” vàng ấm áp trải dài qua từng bụi cỏ còn đọng sương đêm, tạo nên những mảng hồng lấp lánh, vui mắt.

Hơn 3 tháng qua, bác sĩ Trần Ngọc Hoàng Dung – khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Dã chiến số 12 mới có một chút không gian sáng sớm thơ mộng đến vậy. Nhìn qua cửa sổ, chị cười: “Bệnh nhân COVID-19 đã dần giảm, tôi có thể thư giãn đôi chút, cũng gọi điện thoại về nhà cho 2 con được nhiều hơn”.

Bệnh nhân nhí đập tay quyết tâm với bác sĩ tại Bệnh viện Dã chiến số 12
Bệnh nhân nhí đập tay quyết tâm với bác sĩ tại Bệnh viện Dã chiến số 12

Nhìn lại khoảng thời gian khốc liệt của “trận chiến” vừa qua, chị Dung chia sẻ: “Đó là một thử thách rất lớn đối với y, bác sĩ, nhưng vượt lên tất cả chính là sự đoàn kết của tất cả mọi người. Đó cũng là minh chứng cho tình người, tình đồng nghiệp giữa làn ranh sinh tử”.

Do Bệnh viện Da liễu còn phải “chia quân” chi viện đi tiêm vắc xin, lấy mẫu xét nghiệm,… nên đợt huy động nhiều nhất cũng chỉ đến khoảng 80 nhân viên y tế. Phần lớn, Bệnh viện Dã chiến số 12 chăm sóc người bệnh F0 nhẹ, nhưng tổng số bệnh nhân nặng, cấp cứu lên đến hơn 1.000 người. 

Nhớ lại chặng đường đã qua, các bác sĩ cho biết khốc liệt nhất là tháng 8, 9 khi lượng bệnh nhân được phát hiện ào ạt, xe đưa vào liên tục, có ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 2.000 người bệnh F0. Trong đó không ít gia đình tưởng như không thể cứu kịp. Đỉnh điểm, khẩu trang, đồ bảo hộ đa phần chỉ có thể ưu tiên cho khoa cấp cứu, ai cũng cần kiệm để duy trì mong dịch chóng qua.

“Giai đoạn đó bệnh nhân chuyển nặng khá nhanh, có người vừa được đưa đến phổi đã trắng xóa, chỉ còn trong chờ vào oxy. Rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh nền, khoa cấp cứu làm việc liên tục mà không xuể. Hệ thống y tế thật sự quá tải, để chuyển bệnh nhân lên tuyến trên không hề dễ dàng. Chúng tôi buộc phải đưa ra quyết định nhanh nhất có thể để giữ - chuyển từng người một”, bác sĩ Dung nói.

Bác sĩ Dung nhiều lần xin ở lại, hơn 70 ngày cùng bệnh viện chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân F0
Bác sĩ Dung nhiều lần xin ở lại, hơn 70 ngày cùng bệnh viện chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân F0

Những F0 nặng nhất sẽ được chuyển tuyến, trong số những bệnh nhân còn lại, ê-kíp bác sĩ buộc phải chiến đấu với tinh thần “phải làm tốt nhất với những gì đang có, phải bên cạnh F0 như chính người thân của mình”. 

Từng người một được duy trì đợi giường tuyến trên, người được điều trị bằng tất cả chân tình của y, bác sĩ mà hồi sinh ngoạn mục. Rất nhiều ca bệnh tiên lượng tử vong nhưng các bác sĩ đã dồn hết tâm sức để cứu chữa nên nhiều ca mắc khá nhiều bệnh nền đã được cứu sống. Mỗi bệnh nhân là một bài học, tích lũy dần, tính đến nay tại Bệnh viện Dã chiến số 12 chỉ một bệnh nhân tử vong do COVID-19. 

Bệnh nhân ngày một giảm là món quà lớn nhất

“Trận chiến” nào, dù khốc liệt đến đâu rồi cũng phải đến hồi kết, những ngày qua các tòa nhà của Bệnh viện Dã chiến số 12 dần vắng lặng. Đồng nghĩa lượng bệnh nhân F0 được chuyển đến ngày một vơi đi, hiện tại ở bệnh viện chỉ còn khoảng 300 người bệnh, số lượng vẫn đang giảm. Các bác sĩ có nhiều thời gian cho bản thân, liên lạc với gia đình nhiều hơn.

Bác sĩ Dung cười: “2 tuần nay tôi chủ động gọi điện thoại về nhà nhiều hơn. 2 con lớn nhanh quá, cũng đã nhớ mẹ, tôi bảo con cố gắng một chút xíu nữa thôi, mẹ sắp về rồi. Tôi muốn cám ơn chồng rất nhiều, nhờ có anh ấy bên cạnh con, tôi yên tâm lắm”.

Bác sĩ Cúc (đứng) cùng đồng nghiệp hội chẩn, tổng hợp 300 ca bệnh đang điều trị
Bác sĩ Cúc (đứng) cùng đồng nghiệp hội chẩn, tổng hợp 300 ca bệnh đang điều trị

Nói về 20/10, chị Dung cho rằng không một ngày lễ nào trong năm chị không được người thân tặng quà. Năm nay, món quà lớn nhất mà chị sẽ có đó là trải qua trận chiến lớn, cả gia đình chị không ai phải là F0 trước COVID-19, hơn hết số lượng bệnh nhân nặng tại đây đã hết, bệnh nhân điều trị cũng giảm dần đi. 

Cùng đồng nghiệp tổng hợp danh sách, lên kế hoạch cho những bước tiếp theo đến cuối tháng 11/2021 “rút quân”, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc – phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Dã chiến số 12 (Bác sĩ khoa Lâm sàng, Bệnh viện Da liễu TPHCM) cho biết, TPHCM đang dần khỏe, khó khăn đã qua đi. Hơn 70 ngày qua là một hành trình đầy khó khăn, nhưng cuối cùng tình người, y đức, yêu thương đã chiến thắng tất cả. 

Bác sĩ Cúc sẽ được về nhà cùng 2 con và người mẹ già đã hơn 80 tuổi, hỏi về 20/10, bác sĩ Cúc cười, lắc đầu không nhớ, nhưng món quà chị cần đó là tất cả F0 đều khỏe lại về với gia đình, người thân yêu của mình. 

“Cảm giác khó tả lắm, tiếng xe cấp cứu đã vơi dần, chúng tôi cũng không còn… chạy kiếm bệnh viện chuyển F0. TPHCM đang khỏe lại là món quà lớn nhất cho ngày 20/10 với chúng tôi, tôi mong không chỉ nơi đây mà ở các tỉnh thành khác dịch bệnh sẽ được đẩy lùi. Việt Nam sớm chiến thắng dịch để ai cũng được trở về nhà”, bác sĩ Cúc nói.

Với các bác sĩ, đại dịch là một thử thách lớn nhưng trên hết tình người, y đức, sự yêu thương luôn mang đến niềm tin chiến thắng
Với các bác sĩ, đại dịch COVID-19 là một thử thách lớn nhưng trên hết tình người, y đức, sự yêu thương luôn mang đến niềm tin chiến thắng

Theo bác sĩ CK2 Phạm Đặng Trọng Tường  - Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TPHCM kiêm Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 12 tổng cộng có 144 nhân viên của bệnh viện luân phiên trong 2 đợt “đổ quân” cho dã chiến số 12, trong đó có 91 nhân viên nữ. Trong cuộc chiến trước dịch bệnh, nhân viên y tế nỗ lực rất lớn, so với nhân viên nam, chị em bác sĩ, điều dưỡng và cả các chị lao công còn khó khăn, hy sinh nhiều gấp bội. Những người mẹ phải nén nỗi nhớ con, tạm gác sự chăm sóc cha mẹ, việc nhà để "ra trận".

“Chúng tôi may mắn có được những người phụ nữ rất mạnh mẽ, dẻo dai, rất nhiều bác sĩ nữ đã ở lại xuyên suốt thời gian qua và cứ âm thầm cố gắng tốt nhất trong việc cứu người, có giai đoạn hầu như không thể ngơi tay để gọi về nhà. Xin cám ơn sự hy sinh của chị em trong công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện Dã chiến số 12, Ngày Phụ Nữ Việt Nam chúc cho tất cả các chị nhiều mạnh khỏe, bền chí, thời gian ngắn nữa thôi chúng ta sẽ về nhà”, bác sĩ Tường chia sẻ.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI