Hi-tech vào trường học
Là một trong những trường đi đầu về ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, từ năm học 2019-2020, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) đã đầu tư phòng chiếu 3D với nhiều trang thiết bị hiện đại như màn hình tương tác, máy chiếu, kính 3D...
Bước đầu, phòng 3D dùng để chiếu phim tư liệu, hỗ trợ dạy các môn xã hội như lịch sử, địa lý... được học sinh yêu thích. Không dừng ở đó, qua từng năm học, trường đã nghiên cứu ứng dụng 3D trong giảng dạy đa dạng các môn học, trong đó có toán hình học không gian, sinh học, hóa học, chương trình giáo dục STEM... Không chỉ giúp tăng sự hứng thú của học sinh với môn học, các ứng dụng hiện đại này còn tạo ra hiệu quả truyền đạt tốt hơn so với hình thức học tập đơn điệu trên giấy, bút.
Ông Hà Hữu Thạch - Hiệu trưởng nhà trường - cho hay: Các năm qua, trường luôn chủ động đầu tư máy móc, phần mềm công nghệ phục vụ việc quản lý và giảng dạy học sinh. Hiện nay, các lớp học đều được trang bị ti vi LCD lớn, bảng tương tác, máy vi tính, dàn âm thanh... để việc học tập sinh động, hiệu quả hơn. Bắt đầu từ năm học 2022-2023, trường phủ sóng wifi tốc độ cao trong toàn bộ khuôn viên trường, vào từng lớp học để phục vụ việc giảng dạy bằng các thiết bị công nghệ.
|
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn sử dụng bảng tương tác thông minh trong giờ học - Ảnh: M.L |
“Trường là một trong số ít nơi cho phép học sinh được sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học. Học sinh làm bài tập trên smartphone dưới sự quản lý chặt chẽ của giáo viên. Bài tập về nhà cũng được giao qua smartphone, học sinh phải hoàn thành bài và nộp trước khi đóng cổng thông tin” - ông Hà Hữu Thạch cho biết. Nhà trường, giáo viên sử dụng hệ thống quản lý học tập LMS để xây dựng kho học liệu, ra bài tập cho học sinh tự học, tự tìm kiếm thông tin rồi xây dựng thành các dự án, chuyên đề để báo cáo trước lớp. Chẳng hạn, với môn lịch sử, học sinh được đi thực tế và sử dụng các thiết bị công nghệ để làm thành những đoạn phim. Đã có những sản phẩm công phu thể hiện sức sáng tạo và làm chủ công nghệ của học sinh.
Cô Phạm Thị Bé Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) - thông tin: Cùng với việc từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất trường học, từ năm học 2019-2020, trường là nơi đầu tiên đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào giảng dạy cho học sinh. Trong đó, học sinh lớp 10 được dạy ở mức độ cơ bản, lên lớp 11 và 12 sẽ tiếp tục giảng dạy chuyên sâu cho các em có năng lực và đam mê.
Theo cô Hiền, bước đầu của việc khuyến khích nghiên cứu khoa học và giảng dạy AI đã có những kết quả đáng ghi nhận khi giúp học sinh thành thạo tiếng Anh, code máy tính và toán. Các em có kinh nghiệm thực tế qua các dự án lập trình AI, phát triển các kỹ năng điều hành, kỹ năng cộng tác và làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề và viết báo cáo khoa học...
Trường luôn quan tâm, đầu tư cho các dự án nghiên cứu của học sinh. Nhờ vậy, nhiều em đã cho ra đời những dự án, sản phẩm thiết thực, ứng dụng trong thực tế như: xe lăn đa địa hình cho người khuyết tật, găng tay chuyển ngữ tương thức với điện thoại thông minh, kính hỗ trợ đọc văn bản cho người khiếm thị...
Trường học không tiền mặt
Một trong những bước tiến tới trường học thông minh là sử dụng hoàn toàn các bước thanh toán bằng công nghệ, trực tuyến. Trong đó, Trường THCS Lý Thánh Tông (quận 8) là một trong những nơi đi đầu trong triển khai trường học không tiền mặt. Đến nay, đã có 100% học sinh sử dụng thẻ thông minh để thanh toán trong trường học, phụ huynh đóng học phí hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến. Ông Nguyễn Long Giao - Hiệu trưởng nhà trường - cho hay qua 4 năm triển khai, tất cả học sinh, phụ huynh đều đánh giá cao hình thức thẻ thông minh trong nhà trường, sử dụng để điểm danh, quản lý ra vào cổng, mua thức ăn ở căng-tin... Không chỉ giúp nhà trường quản lý hiệu quả học sinh, mà phụ huynh cũng rất yên tâm khi nắm được các thông tin về học tập, giờ giấc, ăn uống của con cái. Đồng thời, việc không sử dụng tiền mặt cũng đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, tăng cường minh bạch thu chi trong nhà trường.
Tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5), sau thời điểm dịch bệnh, trung tâm đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý học sinh với mục tiêu kép là phòng, chống dịch và hiện đại hóa môi trường học tập. Ông Đỗ Minh Hoàng - Giám đốc trung tâm - cho biết hiện nay, trường có thẻ học đường thông minh áp dụng trong điểm danh và quản lý học sinh. Thẻ đồng thời có tác dụng như thẻ ATM để sử dụng các dịch vụ ăn uống trong trường. Các em dùng thẻ để quét và đặt các món ăn, thanh toán trực tuyến sau đó xuống căng-tin lấy thức ăn, rất nhanh gọn, không phải chờ đợi. Khi dùng thẻ thông minh, phụ huynh quản lý được con, nhà trường, giáo viên theo dõi được học sinh.
Từ năm học 2022-2023, trung tâm triển khai cho học sinh được gọi điện thoại miễn phí cho người thân bằng thẻ học đường thông minh. Các em sử dụng miễn phí điện thoại trong trường để gọi nhanh cho gia đình, người thân để nhờ đưa đón hoặc thông báo khi cần.
“Trong thời điểm dịch bệnh, thẻ học đường còn có thêm nhiệm vụ giám sát việc đo thân nhiệt và khai báo y tế. Học sinh không đo thân nhiệt và khai báo y tế thì không được điểm danh dù có quẹt thẻ. Mỗi thẻ liên kết với một tài khoản học tập trực tuyến và các em được giao bài kiểm tra, làm bài tập trực tuyến và được biết điểm ngay sau khi làm bài. Hiện nay, tất cả việc giảng dạy, tài liệu, quản lý sổ điểm đều được trường đưa lên môi trường trực tuyến” - ông Đỗ Minh Hoàng nói.
Ông Lê Duy Tân - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM - thông tin: Đề án thẻ thông minh và thanh toán không tiền mặt được thí điểm cách đây 5 năm. Trong đó, sở đã triển khai thành công giải pháp thu học phí qua “phần mềm quản lý trực tuyến các nguồn thu”, với 100% các đơn vị trực thuộc sở (121 trường THPT) thực hiện phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản phí, học phí của nhà trường. Ở các trường công lập thuộc 21 quận, huyện, TP.Thủ Đức cũng tiến tới trực tuyến hóa việc quản lý các nguồn thu. Đến nay, hơn một nửa các giao dịch nộp học phí và các khoản thu khác tại các trường đều thực hiện thanh toán điện tử, hóa đơn điện tử, thuế điện tử.
Con người đóng vai trò quan trọng Ông Hà Hữu Thạch nhận xét, để xây dựng trường học thông minh và nền giáo dục thông minh, con người vẫn đóng vai trò then chốt. Việc soạn giáo án bài giảng trên nền tảng thiết bị công nghệ đòi hỏi giáo viên phải đầu tư nhiều thời gian và không ngừng nâng cao trình độ. Nếu giáo viên không cập nhật kiến thức thì không thể hướng dẫn học sinh và cũng không phát huy được thế mạnh của công nghệ. Ngay cả lãnh đạo nhà trường cũng phải cập nhật kiến thức liên tục mới có thể làm tốt vai trò quản lý. Do đó, việc xây dựng trường học thông minh không chỉ đơn giản là đầu tư máy móc hiện đại, mà quan trọng nhất là cần các chính sách đãi ngộ và nâng cao trình độ cho giáo viên. Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh - Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường đại học Sư phạm TPHCM) - cho biết TPHCM đã có đề án xây dựng nền giáo dục thông minh. Trong đó có xây dựng trung tâm điều hành giáo dục thông minh và thí điểm xây dựng mô hình trường học thông minh tại năm trường THPT, gồm: chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa, Lê Quý Đôn, Nguyễn Hiền, Nguyễn Du. Tuy nhiên, cần nhận thức việc xây dựng trường học thông minh không chỉ đồng nghĩa với đầu tư công nghệ, máy móc, mà cần nhiều giải pháp đồng bộ. “Việc đầu tư cơ sở vật chất chỉ là điều kiện ban đầu của giáo dục thông minh, ngành giáo dục cần xác định tiêu chí, tức đầu ra của giáo dục thông minh. Mục tiêu của trường học thông minh là gì, là nhằm đào tạo lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó người học là trung tâm được cung cấp các dịch vụ học tập hiện đại, có chất lượng, phù hợp với từng cá nhân. Công nghệ thông minh (gồm phần cứng và phần mềm) đóng vai trò quan trọng để xây dựng và duy trì môi trường giáo dục thông minh. Tuy nhiên, quan trọng hơn là chuẩn bị chương trình, tài liệu (nguồn học liệu số), tập huấn đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục” - ông Hồ Sỹ Anh góp ý. |
Minh Linh