TPHCM: Dân thích nghi, chính quyền vượt khó sau sáp nhập phường

10/02/2025 - 06:45

PNO - Sau hơn 1 tháng thực hiện sáp nhập một số phường ở TPHCM, cán bộ của các phường phải làm việc nhiều hơn nhưng về cơ bản, việc thay đổi địa chỉ không gây bất tiện, xáo trộn cho cư dân.

Cán bộ phải làm việc nhiều hơn

Hơn 8g sáng, trụ sở UBND phường 1, quận Gò Vấp nhộn nhịp người đến làm thủ tục công chứng, sao y giấy tờ, thắc mắc thủ tục bảo hiểm y tế khi chuyển đổi sang phường mới. Tất cả đều được đội ngũ cán bộ, công chức tiếp đón và hướng dẫn chu đáo, tận tình.
Cùng chồng sắp cưới đến đăng ký kết hôn, chị Nguyễn Thị Thanh Thảo chia sẻ: “Trước đây, nhà tôi thuộc phường 7, nhưng nay được sáp nhập vào phường 1. Khi đến đây, tôi được cán bộ hướng dẫn rất nhiệt tình. Tôi thấy dù đông người, mọi thủ tục vẫn diễn ra nhanh chóng. Điều này khiến tôi rất hài lòng”. Theo chị, để tránh tình trạng quá tải, người dân ở các phường bị sáp nhập chỉ nên đổi thông tin trên giấy tờ khi thực sự cần thiết.

Ông Dương Văn Kim - Chủ tịch UBND phường 1, quận Gò Vấp - cho biết, sau 1 tháng sáp nhập các phường, người dân cơ bản đã làm quen với những thay đổi dù ban đầu có đôi chút bỡ ngỡ. Điều ông băn khoăn là hiện nay, các doanh nghiệp, ngân hàng vẫn còn gặp phiền toái khi điều chỉnh giấy phép kinh doanh liên quan đến thuế do một số cơ quan yêu cầu phải có văn bản xác nhận về việc đã sáp nhập phường. Từ thực tế đó, ông góp ý: “Các sở, ban, ngành và đơn vị chuyên môn nên chủ động cập nhật thông tin thay đổi chứ không nên yêu cầu người dân và doanh nghiệp tự xử lý, bởi sáp nhập cơ quan hành chính là chủ trương của Nhà nước”.

Người dân đến trụ sở UBND phường 1, quận Gò Vấp làm thủ tục trong thời gian đầu sáp nhập phường
Người dân đến trụ sở UBND phường 1, quận Gò Vấp làm thủ tục trong thời gian đầu sáp nhập phường

Ông cũng nhìn nhận, việc sáp nhập tạo ra áp lực lớn hơn cho cán bộ phường. Nhân sự UBND phường tăng trong khi cơ sở vật chất lại chưa hoàn thiện. Đặc biệt, hồ sơ từ các phường cũ dồn về một nơi khiến kho lưu trữ quá tải. “Hiện tại, cán bộ phải chia nhau quay lại các phường cũ để dọn dẹp, sắp xếp hồ sơ, giấy tờ. Ngay cả trong những ngày nghỉ, họ vẫn phải làm việc liên tục để mọi việc ổn định, chuẩn bị bước vào giai đoạn hoạt động mới” - ông nói.

Ưu tiên khâu tiếp nhận trả hồ sơ

Ông Nguyễn Minh Kiệt - Chủ tịch UBND phường 10, quận 10 - cho biết, từ ngày 1/1, UBND phường tập trung vận hành hiệu quả bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ. UBND phường cũng điều chỉnh các phần mềm quản lý và công khai đường dây nóng của lãnh đạo UBND phường trên các trang thông tin điện tử, infographic để giúp người dân làm các thủ tục hành chính thuận tiện. Dù còn nhiều lúng túng nhưng UBND phường đã nhanh chóng phân bổ lại công việc, tinh gọn các vị trí theo tình hình thực tế, đảm bảo mỗi cán bộ làm đúng nhiệm vụ chuyên môn.

Ông cho biết thêm, ở phường có 2 bệnh viện lớn nên việc gìn giữ an ninh trật tự và vệ sinh môi trường được đặc biệt chú trọng. UBND phường đã sớm thành lập tổ công tác chuyên kiểm tra vệ sinh môi trường và trật tự đô thị, đồng thời phân công cán bộ, công chức và lực lượng không chuyên trách quản lý từng tuyến hẻm, khu vực mặt tiền. Điều này đảm bảo thông tin được kết nối chặt chẽ giữa khu phố và UBND phường, góp phần giữ vững trật tự và mỹ quan đô thị.

Bà Đỗ Thùy Vân - Chủ tịch UBND phường Hưng Phú, quận 8 - cho hay, phường mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập từ 3 phường 8, 9 và 10 với tổng diện tích 1km², dân số hơn 50.400 người, chia thành 20 khu phố. Quá trình sáp nhập nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo và các phòng, ban chuyên môn trong việc bố trí nhân sự, sắp xếp trụ sở làm việc, trang thiết bị nên phường sớm đi vào hoạt động ổn định. Dù vậy, cũng có không ít khó khăn trong những ngày đầu thành lập phường.

Cụ thể, UBND phường mới có tổng số 62 cán bộ nên việc sắp xếp, phân công công việc phải hợp lý, khoa học, đảm bảo phục vụ được người dân ngay. Dù đã được tuyên truyền về chủ trương sáp nhập, người dân vẫn không tránh khỏi bỡ ngỡ khi giải quyết giấy tờ ở trụ sở mới, gặp cán bộ mới hoặc tìm kiếm các phòng, ban liên quan. Giai đoạn đầu sáp nhập cũng cận tết Nguyên đán nên áp lực công việc tăng cao, đặc biệt trong công tác an sinh xã hội, chăm lo các hộ khó khăn. Số đối tượng cần hỗ trợ tăng đáng kể so với trước, đòi hỏi đội ngũ cán bộ cơ sở phải làm việc nhiều hơn.

Bà Ngô Thị Hiền - Chủ tịch UBND phường 9, quận 3 - cho biết, nhờ khâu tuyên truyền bài bản và sự hỗ trợ tích cực của các tổ dân phố, cán bộ trẻ tiếp nhận và vận hành công việc được thuận lợi. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, khối lượng công việc lớn và việc tăng 28 nhân sự cũng gây ra chút lúng túng. Để các hoạt động hành chính được thông suốt, UBND phường ưu tiên xử lý nhanh chóng ở bộ phận “một cửa”, không để ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Hiện tại, UBND phường tập trung vào hoạt động chuẩn bị tổ chức đại hội các cấp, chăm lo người dân và hoàn thiện việc sắp xếp trụ sở làm việc.

Cơ quan nhà nước không được gây khó khăn cho dân

Chỉ đạo về hoạt động sáp nhập địa giới hành chính ở TPHCM, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TPHCM - yêu cầu các cơ quan nhà nước không được gây khó khăn cho người dân trong việc điều chỉnh giấy tờ liên quan đến sáp nhập. Theo đó, các cơ quan không được tự ý yêu cầu người dân, doanh nghiệp điều chỉnh giấy tờ.

Theo ông, mọi thủ tục hành chính cần được thực hiện một cách chủ động. Nếu có bất kỳ trường hợp nào đòi hỏi người dân cung cấp thông tin hoặc điều chỉnh giấy tờ không cần thiết, UBND địa phương phải lập tức báo cáo UBND thành phố bằng văn bản hoặc hình ảnh, UBND thành phố sẽ chỉ đạo kiểm tra và xử lý ngay các cá nhân, đơn vị vi phạm. Mọi hoạt động hành chính phải đảm bảo nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, không phát sinh thêm yêu cầu trái quy định.

Thanh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI