Cầu “đắp chiếu” đã lâu
Cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân) bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát được khởi công từ đầu năm 2018 và dự kiến hoàn thành sau 6 tháng thi công. Thế nhưng, sau khi làm xong phần dầm cầu, mố cầu thì dự án lại vướng giải phóng mặt bằng nên liên tục chậm tiến độ, rồi “đắp chiếu” suốt từ cuối năm 2018 đến nay. Trong thời gian này, thành phố đã cho làm 2 cầu tạm bằng sắt để người dân và các phương tiện qua lại.
|
Việc xây cầu Bà Hom (quận Bình Tân) đình trệ nhiều năm nay, dân phải lưu thông qua cầu tạm nhỏ hẹp |
Theo ghi nhận của chúng tôi, phần cầu xây dang dở đang được vây kín, bên trong cỏ mọc um tùm, vật liệu xây dựng để ngổn ngang. Chị Nguyễn Thị Thoa - một người dân sinh sống gần công trình - cho biết, đây là cây cầu nối giữa Quốc lộ 1A và đường Tân Kỳ - Tân Quý nên mật độ lưu thông rất lớn. Do cầu xây dang dở nên cứ tới giờ cao điểm, xe cộ đổ dồn về là ùn tắc xảy ra. Việc cầu tạm phải gánh quá nhiều xe qua lại hằng ngày cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Chưa kể, mỗi khi trời mưa, cầu sắt trơn trượt, chạy xe không cẩn thận rất dễ bị té. Đã có nhiều người bị té trên cầu.
Còn tại TP Thủ Đức, dự án cầu Tăng Long trên đường Lã Xuân Oai hoàn thành được khoảng 1/3 khối lượng thì “đắp chiếu” suốt 4 năm nay, trở thành điểm ùn tắc giao thông thường trực tại khu vực. Cách đó không xa, cầu Ông Nhiêu cũng là dự án trọng điểm, nằm trên tuyến đường huyết mạch Nguyễn Duy Trinh của TP Thủ Đức. Dự án khởi công vào cuối năm 2017 rồi để đó cho đến nay vì chưa giải phóng được mặt bằng.
Khi biết tin 2 cây cầu lớn của TP Thủ Đức sắp được tái khởi động sau nhiều năm “phơi nắng, phơi mưa”, người dân ở 2 phường Phú Hữu, Trường Thạnh và các phường lân cận rất vui mừng. Anh Văn Tâm - một tài xế chở hàng thường xuyên lưu thông qua khu vực này - cho hay, do các cây cầu huyết mạch đình trệ quá lâu, người dân phải lưu thông qua cầu tạm hoặc phần đường tạm chật hẹp nên kẹt xe thường trực. Cầu tạm được xây với mục đích sử dụng trong thời gian ngắn, thế nhưng xe cộ lưu thông “tạm” đã 3-4 năm nay rồi, không biết kết cấu cầu có đảm bảo an toàn hay không. Chưa kể, cầu tạm chỉ rộng khoảng 10m, với 2 làn xe ngược chiều nhau, hoàn toàn không đáp ứng được nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa rất lớn tại khu vực.
“Người dân chen chúc trên cầu tạm, nhìn sang bên cạnh thấy cầu chính bị “đắp chiếu” quá lâu, vừa xót xa, vừa bức xúc. Nếu sớm tái khởi động để hoàn thành và thông xe thì người dân mừng lắm” - anh Tâm bày tỏ.
Quyết liệt nối những bờ vui
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM - cho biết, hiện nay các địa phương đang quyết liệt giải tỏa mặt bằng các dự án cầu bị “treo”. Trước mắt sẽ tái khởi động 4 cây cầu bị đình trệ nhiều năm là cầu Tân Kỳ - Tân Quý, cầu Bà Hom (quận Bình Tân), cầu Ông Nhiêu và cầu Tăng Long (TP Thủ Đức).
|
Cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân) đắp chiếu 5 năm nay, dân phải lưu thông qua cầu sắt tạm |
Cầu Tân Kỳ - Tân Quý được bổ sung vào dự án BOT cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1, đoạn An Sương - An Lạc vào năm 2018. Dự kiến sau khi hoàn thành, nhà đầu tư sẽ thu phí tại trạm thu phí An Sương - An Lạc trên Quốc lộ 1.
Tuy nhiên, dự án bị đình trệ từ tháng 12/2018 đến nay do chưa hoàn tất bồi thường giải phóng mặt bằng và không phù hợp Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó quy định không làm dự án BOT (có thu phí) trên đường hiện hữu. Sau đó, UBND TPHCM dừng hợp đồng BOT để chuyển sang hình thức đầu tư công.
Tháng 10/2022, HĐND TPHCM đã chấp thuận chi hơn 491 tỉ đồng (tăng 179 tỉ đồng so với mức đầu tư ban đầu) từ ngân sách để hoàn thiện công trình. Hiện nay, các sở ngành liên quan đang khẩn trương tham mưu bố trí vốn bổ sung năm 2023 để hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và thanh toán cho nhà đầu tư. Sau đó, sẽ tái khởi công để kịp hoàn thành vào năm 2025.
Dự án cầu Tăng Long cũng bị đình trệ 4 năm qua, khiến vốn đầu tư tăng thêm 238 tỉ đồng, lên hơn 688 tỉ đồng. Đến tháng 7/2022, dự án được HĐND TPHCM chấp thuận chủ trương điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và sẽ sớm khởi động trở lại. Tương tự, các dự án cầu Bà Hom, cầu Ông Nhiêu cũng đang quyết liệt tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng để “phá băng” sau 4-5 năm đình trệ.
Ông Lương Minh Phúc cho biết, giải phóng mặt bằng vẫn là “bài toán khó” cản trở các công trình hạ tầng về đích đúng tiến độ. Vì vậy, chủ đầu tư phải thực hiện theo phương thức “cuốn chiếu”, có mặt bằng đến đâu, thi công đến đó. Mới đây, TPHCM đã chính thức thông xe cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè) và cầu Vàm Sát 2 (huyện Cần Giờ). Đây cũng là 2 cây cầu bị đình trệ nhiều năm vì vướng mặt bằng. Cá biệt, cầu Long Kiểng từ khi phê duyệt dự án đầu tư đến khi thông xe kéo dài 22 năm.
Theo ông, từ các dự án này, có thể thấy, muốn đảm bảo tiến độ cần sự quyết liệt, sự giám sát, chỉ đạo kịp thời của các cấp lãnh đạo thành phố; sự chủ động, phối hợp, đeo bám, đồng hành của chủ đầu tư với chính quyền địa phương và các sở ban ngành trong suốt quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng. Quan trọng nhất là phải làm sao để tạo sự chia sẻ, đồng thuận của người dân để đẩy nhanh tiến độ công trình phục vụ cho lợi ích chung của cộng đồng.
Bảo Anh