Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, sẽ di dời khoảng 40.000 căn nhà gắn với mục tiêu chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường sống của người dân.
 |
Những căn nhà tạm bợ san sát nhau trên rạch Long Vân Tự thuộc hệ thống rạch Xuyên Tâm, quận Bình Thạnh |
Dân mong sớm được di dời đến nơi tốt hơn
Nằm sâu trong con hẻm 125/100 Bùi Đình Túy, phường 14, quận Bình Thạnh, bên con rạch Long Vân Tự thuộc hệ thống rạch Xuyên Tâm, dãy nhà mái tôn xập xệ là nơi sinh sống của 15 người thuộc 4 hộ.
Sống ở dãy nhà này gần 60 năm qua, ông Lê Văn Liễu đã quen với cảnh sống chật chội, chịu mùi hôi nồng nặc hắt lên từ dòng nước rạch ô nhiễm trước cửa nhà. Ông kể: “Ngày trước, nước rạch này trong lắm, trẻ con bơi lội thỏa thích còn người lớn lấy nước sinh hoạt.
Nhưng dần dần, nhà cửa mọc lên san sát, người ta đổ rác thải xuống khiến dòng nước đen kịt, bốc mùi tanh hôi. Ngày nắng thì mùi hôi xộc vào nhà, lúc mưa hay triều cường thì rác tràn vào nhà, muỗi mòng bay kín”.
3 năm trước, vợ ông qua đời do bệnh tật, ông sống cùng con trai 21 tuổi bị thiểu năng trí tuệ. Những ngày đi làm, ông phải nhờ họ hàng trông giúp con nhưng không thể yên tâm, cứ sợ con sơ sẩy té xuống rạch. Dù biết môi trường sống không tốt, ông vẫn phải bám trụ bởi thu nhập bấp bênh, không thể để dành tiền mua nhà chỗ khác.
Ngay sát nhà ông Liễu là căn nhà 10m² của vợ chồng bà Huỳnh Ngọc Thành. Đồ đạc chất kín lối đi khiến không gian vốn nhỏ hẹp càng thêm ngột ngạt. Trong góc nhà, bàn thờ đứa con trai duy nhất vẫn được bà gìn giữ cẩn thận, nhưng bà không dám đến đốt nhang thường xuyên bởi sàn nơi đó yếu, có thể sập bất cứ lúc nào.
“Cả đời sống trong cảnh tạm bợ, tôi chỉ mong có được một chỗ ở sạch sẽ trước khi nhắm mắt, có nơi đàng hoàng để đặt bàn thờ con trai mình” - bà Thành nghẹn ngào.
Hơn 20 năm qua, bà Lê Bích Ngọc cùng gia đình sống trong căn nhà 21m² ven kênh Tàu Hủ, quận 8. Căn nhà được dựng tạm bợ bằng gỗ, mái tôn mục nát, mọi vật dụng đều treo lủng lẳng trên vách để có không gian ngủ nghỉ. Mỗi lần trời mưa, quần áo của con bị gió cuốn xuống kênh, bà phải lội xuống vớt lên, giặt lại.
1 năm trước, vụ hỏa hoạn lớn trên đường Phạm Thế Hiển đã thiêu rụi nhiều căn nhà khiến bà luôn mang theo giấy tờ quan trọng bên mình, phòng bất trắc.
Biết tin chính quyền thành phố sắp triển khai di dời nhà ven kênh, bà cũng mong được chuyển đến nơi ở mới tốt hơn, nhưng lại lo tiền hỗ trợ thường không đủ để mua nhà mới, con phải chuyển sang trường lớp mới.
Thuộc diện di dời nhà ven kênh nhưng nhà của ông Nguyễn Văn Phúc - 86 tuổi, 278 Phạm Thế Hiển, phường 6, quận 8 - lại rộng hơn 200m², được xây dựng từ năm 1968. Đây là nơi sinh sống của hơn 20 người thuộc 4 thế hệ.
Gia đình ông đồng thuận với chủ trương di dời, nhưng vẫn lo chỗ ở mới không được rộng rãi, tiện lợi như hiện tại. Ông không muốn tái định cư ở chung cư bởi chi phí sinh hoạt hằng tháng sẽ cao hơn, chung cư chật hẹp, không có chỗ trồng cây, khác hẳn với nơi ở lâu nay của gia đình mình.
 |
Ông Lê Văn Liễu cùng con trai sống trong căn nhà tồi tàn trên mép rạch Xuyên Tâm |
Tính đến việc làm và thu nhập cho người tái định cư
Theo Sở Xây dựng TPHCM, thời gian qua, hệ thống kênh, rạch ở TPHCM ngày càng bị thu hẹp do bị lấn chiếm, ô nhiễm và bồi lắng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thoát nước và cảnh quan đô thị. Trước thực trạng này, UBND TPHCM đã xác định việc di dời nhà ven sông, kênh, rạch là nhiệm vụ trọng tâm nhằm giải quyết tình trạng ngập úng, khơi thông dòng chảy, giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Chương trình di dời đã được triển khai từ năm 1993 trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, giúp thay đổi diện mạo đô thị với 44.338 căn nhà đã được giải tỏa. Tuy nhiên, từ năm 2006 trở lại đây, tiến độ di dời chậm lại và hiện toàn thành phố vẫn còn khoảng 39.600 căn cần di dời thuộc 398 tuyến sông, kênh, rạch ở 16 quận, huyện và TP Thủ Đức.
Theo đề án của Sở Xây dựng TPHCM, việc di dời sẽ đi liền với việc xây dựng các khu tái định cư, phát triển nhà ở xã hội để đảm bảo chỗ ở mới ổn định cho người dân; những trường hợp đủ điều kiện bồi thường sẽ được hỗ trợ theo giá thị trường. Sở dự kiến thí điểm việc di dời ở quận 8 - nơi có mật độ nhà ven kênh, rạch cao nhất thành phố.
Tổng tiền dự kiến chi cho đề án từ ngân sách khoảng 221.370 tỉ đồng, gồm 130.680 tỉ đồng dành cho bồi thường, gần 10.700 tỉ đồng dùng phát triển nhà ở xã hội và 80.000 tỉ đồng để xây dựng hạ tầng, nạo vét, cải tạo kênh rạch. Sau khi hoàn thành đề án, số tiền thu hồi được từ quỹ đất dọc kênh, rạch hơn 164.100 tỉ đồng.
Tiến sĩ, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn góp ý, nên quy hoạch không gian ven kênh thành mảng xanh thay vì để bị tái lấn chiếm. Hiện nay, diện tích mảng xanh đô thị chỉ đạt 0,5m²/người, cần tăng lên ít nhất 20 lần để đảm bảo môi trường sống chất lượng hơn. Việc nạo vét, cải tạo kênh, rạch giúp nâng cao chất lượng sống, đồng thời làm tăng giá trị bất động sản xung quanh. Nếu quy hoạch tốt, có thể thu hồi vốn qua việc đấu giá đất, tạo nguồn lực cho hoạt động tái đầu tư.
Theo ông, ngoài lợi ích kinh tế, việc cải tạo kênh, rạch còn giúp người dân thoát khỏi cảnh sống tạm bợ, thiếu an toàn. UBND TPHCM từng có các dự án chỉnh trang đô thị thành công như cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cải tạo kênh, rạch ở quận 7 phù hợp với lối sống và điều kiện của Việt Nam. Những mô hình này đã tạo không gian sống tốt hơn cho người dân ven kênh, rạch.
Ông cũng góp ý, việc chỉnh trang kênh, rạch cần đồng bộ ở 2 bờ, biến chúng thành không gian đô thị hiện đại. Có thể áp dụng mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) để cùng lúc phát triển giao thông công cộng, không gian xanh và tiện ích đô thị, làm cho kênh, rạch vừa sạch đẹp, vừa trở thành điểm nhấn của diện mạo đô thị.
Ông lưu ý, một vấn đề quan trọng khi tái định cư là đảm bảo sinh kế cho người dân. Nhiều dự án trước đây chỉ quan tâm diện tích nhà ở mà chưa tính đến việc làm và thu nhập của cư dân sau khi di dời chỗ ở. Do đó, cần ưu tiên tái định cư tại chỗ, giúp người dân tiếp tục sinh sống, làm việc ở nơi quen thuộc; với những hộ chấp nhận ở nơi xa chỗ cũ cần được đền bù hợp lý để có thể mua nhà mới.
Các khu tái định cư cần có hạ tầng tiện ích, khu vực kinh doanh. Nên dành 2 tầng dưới cùng của các tòa chung cư để làm chợ, cửa hàng hoặc khu dịch vụ, giúp người dân duy trì kế sinh nhai. Đồng thời, cần thu hút doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở sản xuất, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho người dân ngay trong khu tái định cư. Cũng cần phát triển nhà ở xã hội cho thuê với giá rẻ.
Ông nói: “Trong quá trình chỉnh trang kênh rạch, cần tiến hành song song việc cải tạo môi trường và nâng cao đời sống người dân. Chỉ khi người dân có nhà ở ổn định, việc làm vững chắc thì các dự án tái định cư mới thực sự thành công”.
Năm 2030, hoàn thành việc bồi thường, tái định cư Theo Sở Xây dựng TPHCM, trong năm 2025, sở tập trung xây dựng đề án, lấy ý kiến góp ý và hoàn chỉnh đề án, trình UBND thành phố phê duyệt. Giai đoạn 2025-2026, các địa phương triển khai nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch phân khu, đồng thời lập thủ tục đầu tư xây dựng nhà tái định cư, nhà ở xã hội và các dự án cải tạo kênh, rạch. Trong giai đoạn 2026-2027, khởi công xây dựng quỹ nhà tái định cư và thực hiện các thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dời nhà. Trong giai đoạn 2028-2030, tiếp tục thực hiện các dự án còn lại và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giao thông, kè bờ, hệ thống xử lý nước thải, cải tạo cảnh quan ven sông. Năm 2030, hoàn tất công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc đấu giá quỹ đất dọc sông, kênh, rạch để phát triển các công trình công cộng, công viên cây xanh và không gian sinh hoạt cho cộng đồng |
Thanh Tâm