TPHCM: Đảm bảo công tác tổ chức bầu cử đúng quy định, tiến độ

04/02/2021 - 12:44

PNO - Sáng 4/2, Ủy ban bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐBHĐND) TPHCM nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức phiên họp thứ nhất triển khai công tác của Ủy ban bầu cử và các tiểu ban phục vụ công tác bầu cử trên địa bàn TPHCM.

Ủy ban bầu cử TPHCM họp phiên thứ nhất triển khai nhiều nhiệm vụ.
Ủy ban bầu cử TPHCM họp phiên thứ nhất triển khai nhiều nhiệm vụ

Tại buổi họp, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân đã triển khai Quyết định thành lập Ủy ban bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐBHĐND TPHCM nhiệm kỳ 2021 - 2026 gồm 21 thành viên. Trong đó, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ là Chủ tịch Ủy ban bầu cử; 4 phó chủ tịch là Phó bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu, Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan và Phó chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Đức Hải.

Các quyết định phân công các thành viên Ủy ban bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐBHĐND TPHCM nhiệm kỳ 2021 - 2026 và thành lập các tiểu ban phục vụ bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (6 tiểu ban: tuyên truyền, nhân sự, tổ chức bầu cử, bảo đảm an ninh - trật tự an toàn xã hội, hậu cần, hành chính - tổng hợp) cũng được triển khai. Trong đó bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Ủy ban bầu cử TP, và ông Huỳnh Văn Hạnh - Giám đốc Sở Tư pháp, Ủy viên Ủy ban bầu cử TP - chỉ đạo công tác bầu cử tại TP. Thủ Đức.

TPHCM đảm bảo công tác bầu cử tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm
TPHCM đảm bảo công tác bầu cử dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm

Trình bày kế hoạch tổ chức bầu cử, Phó chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Đức Hải cho biết nhiệm kỳ 2021 - 2026 bầu 500 ĐBQH, TPHCM được phân bổ cao nhất 40 đại biểu. HĐND TPHCM sẽ bầu 95 đại biểu theo Luật Chính quyền địa phương. Triển khai chính quyền đô thị tại TPHCM theo Nghị quyết 131 của Quốc hội, TP chỉ bầu HĐND TPHCM, HĐND TP. Thủ Đức, HĐND 5 huyện và 63 xã, thị trấn. Trong đó, cấp huyện bầu 35 đại biểu; các xã, thị trấn bầu 30 đại biểu.

“Còn TP. Thủ Đức, theo quy định bầu 35 đại biểu. Nhưng trong luật cũng đề xuất nơi nào trên 30 đơn vị hành chính có thể xin lên 40 đại biểu. TP. Thủ Đức có 34 đơn vị hành chính và TPHCM đang xin Thường vụ Quốc hội cho TP. Thủ Đức tăng từ 35 lên 40 đại biểu”, ông Phạm Đức Hải cho biết.

Sau khi thành lập, Ủy ban bầu cử tiếp tục thực hiện các bước theo quy định: thành lập Ban bầu cử (trước ngày 14/3) ở cấp có tổ chức HĐND; lập Tổ bầu cử ở 312 phường, xã, thị trấn của TP (trước ngày 3/4). Ngoài 312 Tổ bầu cử, các đơn vị lực lượng vũ trang sẽ tổ chức công tác bầu cử theo hướng dẫn cụ thể của Sở Nội vụ TPHCM. “Hiệp thương là việc rất cấp bách. Thành phố dự kiến hiệp thương vào tuần sau. Đề nghị 5 huyện, 63 xã, thị trấn và TP. Thủ Đức tiến hành hiệp thương trước 28 Tết”, ông Phạm Đức Hải nhấn mạnh.

Đại diện Ủy ban bầu cử TP. Thủ Đức cho biết công tác tổ chức bầu cử của TP. Thủ Đức đang triển khai đảm bảo tiến độ, đã thành lập Ủy ban bầu cử từ 25/1, sẽ hiệp thương vào chiều 8/2. TP .Thủ Đức chuẩn bị song song 2 phương án bầu 35 đại biểu và 40 đại biểu, đang chờ quyết định chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem sẽ triển khai phương án nào.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ lưu ý công tác tổ chức bầu cử cần đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ lưu ý, công tác bầu cử cần đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp

Kết luận tại buổi họp, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh việc tổ chức bầu cử vẫn phải luôn đảm bảo công tác phòng, chống dịch an toàn. Bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị các thành viên Ủy ban bầu cử TP sớm có kế hoạch theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn thực hiện công tác bầu cử theo phân công. Các tiểu ban khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện nhiệm vụ; chủ động tham mưu cho Thường trực Ủy ban, đảm bảo bầu cử tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ, khó nhất là bước vào giai đoạn hiệp thương với việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự hợp lý, đảm bảo cơ cấu, cần phải tập trung cho công tác này. Đồng thời, cần quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa và tầm quan trọng các quy định của Luật bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND; chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng các phương án đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, nhất là trong tình hình dịch bệnh.

“Phải giải quyết kịp thời các khiếu nại tố cáo trên địa bàn, xử lý cẩn trọng khéo léo, đảm bảo không phát sinh điểm nóng, phát huy sức mạnh của dân. Kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, âm mưu phá hoại bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối. Ngoài ra cần có phương án chủ động ứng phó với nếu xảy ra thiên tai, dịch bệnh trong thời gian bầu cử”, bà Nguyễn Thị Lệ chỉ đạo.

Tam Bình

 

 

 

 

 

 

 

 

 
TIN MỚI