Mong thủ tục đăng ký nhanh gọn
Những ngày cuối tháng 12/2023, vỉa hè trước cửa hàng thời trang của chị Nguyễn Thị Nguyệt trên đường Phan Bội Châu (quận 1) đã được kẻ vạch vàng chia làm 2 phần, phía trong dành cho người đi bộ, phía ngoài để phục vụ kinh doanh. “Mấy năm trước, dù vắng khách nhưng lượng xe đậu trước cửa rất nhiều, có khi khách du lịch phải đi dưới lòng đường. Từ ngày kẻ vạch, xe máy đến được xếp gọn gàng vào nơi quy định, không lấn chiếm không gian của người đi bộ. Việc kinh doanh cũng khởi sắc” - chị Nguyệt cho biết.
Khác với chị Nguyệt, anh Trần Đình Nam lại băn khoăn: “Nhà tôi có mặt tiền rộng 4m, đủ điều kiện để thành phố cho thuê vỉa hè, nhưng gia đình tôi lại không có nhu cầu kinh doanh. Vậy khi áp dụng cho thuê liệu có ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của gia đình tôi không?”.
Buôn bán hàng rong trên đường Quang Trung (quận 12) đã lâu, anh Văn Hào than vãn về chuyện đã rất nhiều lần phải chạy trốn các nhân viên trật tự đô thị. Vì vậy, anh đồng tình với việc đóng phí theo quy định của thành phố để việc buôn bán được yên ổn. Anh rất mong được hướng dẫn các thủ tục đăng ký nhanh gọn và công khai mức phí phù hợp.
Ông Vũ Nguyễn Quang Vinh - Phó chủ tịch UBND quận 1 - cho biết, trên địa bàn có 155 đoạn, tuyến đường có vỉa hè rộng, đủ điều kiện cho sử dụng tạm một phần để tổ chức các hoạt động ngoài mục đích giao thông. Trong đó, 84 đoạn, tuyến dự kiến làm điểm giữ xe máy tự quản, 54 khu vực cho kinh doanh - buôn bán, 16 tuyến còn lại được làm nơi giữ xe có thu tiền.
Ông Vũ Nguyễn Quang Vinh thông tin, Phòng Quản lý đô thị quận 1 cùng các phường đã rà soát và lấy ý kiến phản biện của các đơn vị liên quan nhằm thống nhất danh mục các tuyến đường nói trên. Những vỉa hè bị hư hỏng cũng đã được sửa chữa để đảm bảo mỹ quan đô thị, an toàn khi sử dụng. Còn những tuyến có vỉa hè đủ điều kiện sử dụng cho các hoạt động ngoài mục đích giao thông đã được kẻ vạch, phân chia hợp lý, sẵn sàng cho đăng ký sử dụng và đóng phí.
Tạo điều kiện để người dân cùng giám sát
Đại diện UBND quận 10 cho biết, hiện nay quận chỉ mới khảo sát, lập phương án cho sử dụng tạm vỉa hè trên 25 tuyến đường đủ điều kiện. Việc lên danh sách những tuyến đường này được lấy ý kiến từ người dân để thống nhất triển khai. Quận 10 đã tổ chức kẻ vạch nhằm phân biệt khu vực vỉa hè cho sử dụng tạm và phần cho người đi bộ đối với những tuyến đường đủ điều kiện rộng từ 3m trở lên. Việc chuẩn bị đã cơ bản hoàn thiện nhưng đang chờ hướng dẫn về phương án thu, cách đóng phí.
Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia quy hoạch đô thị - cho rằng, cần phải công khai và minh bạch những chỗ cho sử dụng có thu phí, những chỗ cấm tuyệt đối để người dân cùng giám sát. Người sử dụng vỉa hè vừa có quyền lợi, vừa có trách nhiệm, nếu lấn chiếm sẽ bị phạt nặng. “Thu phí là hợp lý. Tôi nghĩ trong giai đoạn thí điểm, cần chú trọng vào việc khuyến khích người dân chấp hành pháp luật, nhất là trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, nên thu thấp hơn mức quy định, có thể là 50% mức phí, sau đó xem xét để thu đúng giá. Ưu tiên nhất vẫn phải là quản lý đô thị và có không gian cho người đi bộ” - tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn nói.
Đại diện Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, sở đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện một số quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố để các đơn vị triển khai thực hiện. Về phần mềm quản lý công tác này, sở đang triển khai các thủ tục liên quan và dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 6/2024. Sở cũng sẽ phối hợp với các tổ chức liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý lòng đường, hè phố.
9 trường hợp phải nộp phí sử dụng hè phố, lòng đường Có 6 trường hợp phải nộp phí sử dụng hè phố gồm: điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng, lắp đặt các công trình tạm, các công trình phục vụ tổ chức giao thông trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông; tổ chức các hoạt động văn hóa, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình; điểm trông, giữ xe có thu tiền. Có 3 trường hợp được sử dụng tạm thời một phần lòng đường có đóng phí, gồm: tổ chức sự kiện văn hóa và trông, giữ ô tô phục vụ sự kiện; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; điểm trông giữ xe có thu tiền dịch vụ. |
Phần hè phố dành cho người đi bộ phải đảm bảo rộng tối thiểu 1,5m, thông suốt liên tục Sở Giao thông Vận tải TPHCM công bố danh sách gần 900 tuyến đường được phép sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường làm điểm giữ xe, kinh doanh… với mức phí cho hoạt động trông giữ xe từ 20.000-350.000 đồng/m2/tháng; mức thu phí cho các hoạt động khác từ 20.000-100.000 đồng. Khu vực 1 gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, khu A - khu đô thị mới Nam Thành phố, khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tổng cộng có 207 tuyến. Khu vực 2 gồm các quận: 2 (nay thuộc TP Thủ Đức, trừ khu đô thị mới Thủ Thiêm), 6, 7 (trừ khu A - khu đô thị mới Nam Thành phố), 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân. Tổng cộng có 277 tuyến. Khu vực 3 gồm các quận: 8, 9 (nay là TP Thủ Đức), 12, Thủ Đức (nay thuộc TP Thủ Đức), Tân Phú, Gò Vấp. Tổng cộng có 248 tuyến. Khu vực 4 gồm các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi. Tổng cộng có 125 tuyến. Khu vực 5 là huyện Cần Giờ. Có 11 tuyến. Đơn vị cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố là Sở Giao thông Vận tải TPHCM và UBND quận, huyện, TP Thủ Đức. Sở Giao thông Vận tải TPHCM sẽ thu phí những đường do cơ quan này quản lý. Quận, huyện, TP Thủ Đức sẽ thực hiện thu phí với các tuyến do địa phương quản lý. Về điều kiện sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa: hè phố phải đảm bảo có bề rộng từ 3m trở lên. Khi tổ chức hoạt động, phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ đảm bảo rộng tối thiểu 1,5m (không tính bồn gốc cây, ô đất trồng cây xanh và khu vực hệ thống hạ tầng kỹ thuật), thông suốt liên tục và không có chướng ngại vật cản trở. |
Tú Ngân