TPHCM đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh trong học đường

12/01/2022 - 10:17

PNO - “Có thể nói thời gian này, TP đã hoàn toàn kiểm soát được tình hình dịch bệnh trong môi trường học đường”, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng thông tin tại buổi khảo sát của HĐND TP.HCM tại Q.1 mới đây về việc dạy học trực tiếp và chuẩn bị cho các khối lớp khác trở lại trường.

Chưa có bằng chứng về lây lan dịch trong trường học

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng đánh giá, kết quả tổ chức dạy học trực tiếp thời gian qua trên địa bàn TP rất khả quan. Các ca F0 được phát hiện tại trường hầu hết là lây nhiễm tại địa phương và được phát hiện trong trường chứ chưa có bằng chứng về việc lây lan trong trường học. Đây là cơ sở củng cố thêm tính hiệu quả của phương án phòng dịch trong trường. 

Lãnh đạo Sở Y tế khẳng định TP đang hoàn toàn kiểm soát được tình hình dịch trong môi trường học đường
Lãnh đạo Sở Y tế khẳng định TP đang hoàn toàn kiểm soát được tình hình dịch trong môi trường học đường

Có được kết quả này là do các trường không chủ quan ngay từ khi thí điểm dạy học trực tiếp với khối 9, 12, đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại trường. Cạnh đó, tình hình dịch tại TP đã tương đối ổn định. Vắc xin đã phát huy tác dụng. “Có thể nói thời gian này TP đã hoàn toàn kiểm soát được tình hình dịch bệnh trong môi trường học đường”, ông Nguyễn Hữu Hưng đánh giá. 

Vắc xin không phải là màn chắn duy nhất khi học sinh trở lại trường

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng khẳng định, việc tiêm vắc xin không phải là điều kiện bắt buộc để học sinh trở lại trường. Hiện nay, độ bao phủ vắc xin từ 12 tuổi trở lên trên toàn TP đạt tỷ lệ rất cao. Điều này cho thấy, kể cả học sinh dưới 12 tuổi chưa được tiêm thì độ miễn dịch cộng đồng của TP đã rất cao. 

Bên cạnh đó, qua khảo sát của ngành y tế, hầu hết hơn 90% ca tử vong do mắc COVID là có bệnh nền, ở lứa tuổi trên 50 tuổi. Quan sát thực tế, tỷ lệ tử vong ở trẻ chỉ do trẻ mắc bệnh nền. TP cũng đang tập trung bảo vệ nhóm nguy cơ cao người lớn tuổi, kể cả trẻ.

“Đây là những cơ sở để đề xuất TP cho trẻ đi học. Để phụ huynh thấy rằng chúng ta không duy ý chí, mạo hiểm sức khoẻ của trẻ khi đề xuất các em trở lại trường mà hoàn toàn là có cơ sở thực tiễn, có ý kiến chuyên gia… Vắc xin không phải là màn chắn duy nhất cho trẻ khi trở lại trường. Vấn đề là chúng ta biết sẽ bảo vệ đối tượng nào và thêm nữa là bằng các biện pháp phòng dịch khác”, ông Hưng nhấn mạnh. 

Trong kế hoạch phòng chống dịch tại trường, ông Hưng nhìn nhận, quan trọng nhất là phối hợp với phụ huynh hàng ngày, thông báo tư vấn về dấu hiệu sức khoẻ của học sinh. Không chỉ trong dịch mà còn nhiều bệnh khác khi các bệnh không lây nhiễm ở trẻ có xu hướng đang tăng lên, việc ở nhà kéo dài béo phì sẽ tăng lên.

“Nhà trường cần tăng cường truyền thông giáo dục sức khoẻ, thường xuyên phối hợp với phụ huynh không chỉ là khai báo y tế mà còn để chăm lo cho trẻ, đảm bảo sức khoẻ cho trẻ…”, lãnh đạo Sở Y tế nói.

Vắc xin không phải là màng chắn duy nhất khi học sinh trở lại trường
Vắc xin không phải là màn chắn duy nhất khi học sinh trở lại trường

Theo ông, các trường cần khuyến khích trẻ tăng cường vận động khi đi học trực tiếp. Có đủ nhà vệ sinh, bồn rửa tay không chỉ trong nhà vệ sinh còn bố trí thuận lợi khuôn viên trường. Việc rửa tay phải dạy trẻ thành kỹ năng, phản xạ. Hạn chế việc lạm dụng rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn nhanh, khuyến khích trẻ rửa tay với nước. Hạn chế thấp nhất sử dụng máy lạnh. Môi trường thông thoáng, sử dụng quạt gió, ánh sáng tự nhiên vẫn tốt hơn. Việc khai báo y tế, đo thân nhiệt học sinh có thể thực hiện tại cửa lớp thay vì dồn ứ tại cổng trường. 

Phó giám đốc Sở Y tế cũng đề nghị các trường không quá căng thẳng, nặng nề về văn bản, hồ sơ phòng chống dịch. Thay vào đó, các nội dung đề ra cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm. Thường xuyên thống kê số ca F0 phát hiện tại trường, F0 phụ huynh báo về để đánh giá có mối liên hệ dịch tễ giữa các ca này xem có sự lây lan không.

Khuyến cáo nhà trường nên tổ chức bán trú 

“Sao không tổ chức bán trú trong khi học sinh đã đi học lại?”, là câu hỏi được Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng đặt ra cho các nhà trường hiện nay. Ông Hưng cho biết, Sở Y tê chưa bao giờ đề nghị bỏ bán trú khi học sinh đi học lại, vấn đề là cách thức tổ chức của trường như thế nào.

“Việc học sinh phải đi lại nhiều lần khi nhà trường không tổ chức bán trú sẽ làm tăng nguy cơ lây bệnh. Sở Y tế khuyến cáo trường nên tổ chức bán trú với điều kiện là sắp xếp, thoả mãn các điều kiện phòng dịch”, ông Hưng khuyến cáo. 

Cũng theo ông Hưng, việc trường học không tổ chức căng tin khi học sinh đi học lại sẽ dẫn đến tình trạng học sinh bỏ bữa sáng, ảnh hưởng đến sức khoẻ. 

Về việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 3 đến dưới 12 tuổi tại TP.HCM, lãnh đạo Sở Y tế cho hay, đến giờ Bộ Y tế vẫn chưa cụ thể kế hoạch tiêm và loại vắc xin tiêm cho độ tuổi này cũng chưa được công bố. TP đã quản lý danh sách trẻ trong độ tuổi này, khi có kế hoạch là có thể áp dụng triển khai. Việc tiêm sẽ được tổ chức tại trường học và trong cộng đồng. Với mũi 3 tiêm bổ sung chỉ áp dụng đối với người trên 18 tuổi, nên học sinh từ 12 đến dưới 17 tuổi sẽ không tiêm mũi 3.

 

Én Bông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI