TPHCM đã giảm khai thác 452 ngàn mét khối nước ngầm/ngày

15/09/2022 - 19:22

PNO - Đây là kết quả sau bốn năm TPHCM thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để giảm khai thác nước ngầm.

 

Một khu trọ hàng trăm phòng ở quận Bình Tân, TPHCM sử dụng nước giếng khoan.
Một khu trọ hàng trăm phòng ở quận Bình Tân, TPHCM sử dụng nước giếng khoan

Chiều ngày 15/9, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã có thông tin về kết quả sau bốn năm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước dưới đất gắn với bảo vệ, hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, sụt lún đất trên địa bàn.

Theo Quyết định số 1242/QĐ-UBND của UBND TPHCM, tổng lưu lượng nước dưới đất được khai thác, sử dụng trên địa bàn TPHCM năm 2018 là 716.581m3 mỗi ngày. Trong đó, bốn nhóm đối tượng sử dụng là: hộ gia đình, doanh nghiệp bên trong khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN), bên ngoài KCX-KCN và Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên (SAWACO).

TPHCM hiện đã giảm khối lượng khai thác nước ngầm từ 716.581m3/ngày xuống còn 264.581m3/ngày đạt tỷ lệ 73,3%.

Trong đó, lượng khai thác nước dưới đất hộ gia đình ước giảm 235.703m3/ngày (so với kế hoạch là 327.859m3/ngày), đạt tỷ lệ 71,9%. Lượng khai thác nước dưới đất trong KCX-KCN giảm 28.805m3/ngày (so với kế hoạch là 50.150m3/ngày), đạt tỷ lệ 57,4%. Lượng khai thác nước dưới đất bên ngoài KCX-KCN giảm 145.220m3/ngày (so với kế hoạch là 138.572m3/ngày), đạt tỷ lệ 104,8%. Lượng khai thác nước dưới đất của SAWACO giảm 42.272m3/ngày đêm (so với kế hoạch là 100.000m3/ngày đêm), đạt tỷ lệ 42,3%.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, đơn vị đang phối hợp với UBND các quận - huyện, thành phố Thủ Đức cùng với SAWACO, Công ty cổ phần Hạ tầng Nước Sài Gòn, các công ty kinh doanh nước sạch trên địa bàn thành phố khảo sát từng khu vực để lắp đặt đồng hồ nước sạch cho người dân sử dụng.

Cùng với đó, các đơn vị chức năng đang đẩy nhanh công tác phát triển mạng lưới cấp nước, đảm bảo áp lực và chất lượng nước sạch nhằm khuyến khích người dân sử dụng nước thủy cục (nước máy) thay cho nước giếng.

Hiện nay, TPHCM chỉ xem xét cấp phép ngắn hạn cho các đơn vị có hoạt động sản xuất đặc thù (ngành nhuộm, giải khát...) và những nơi có nguồn nước cấp không đủ về áp lực.

Tình trạng sụt lún nền ở TPHCM những năm gần đây diễn biến rất phức tạp.
Tình trạng sụt lún nền ở TPHCM những năm gần đây diễn biến rất phức tạp

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đang phối hợp Cục Thuế TPHCM kiểm soát việc nộp thuế tài nguyên nước, nộp phí cấp quyền khai thác tài nguyên nước và triển khai đồng thời việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước với quá trình cấp phép khai thác tài nguyên nước; qua đó, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ khai thác, vừa để cho doanh nghiệp nhận thấy khi sử dụng nước dưới đất để sản xuất thì giá thành không thấp hơn nhiều so với việc sử dụng nước sạch của mạng lưới cấp nước của TPHCM.

TPHCM đã giao SAWACO nghiên cứu nâng công suất và hiện đại hóa các nhà máy cấp nước sử dụng nước mặt trong hoạt động sản xuất kinh doanh nước sạch, giảm tỉ lệ thất thoát nước trong hoạt động cung cấp nước sạch.

Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM chỉ xem xét cấp phép khai thác nước dưới đất phục vụ cho mục đích cấp nước sinh hoạt đối với những khu vực chưa đưa được nguồn nước mặt từ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai về hệ thống xử lý nước sạch.

Đồng thời, Sở có văn bản đề nghị SAWACO phối hợp với các đơn vị cấp nước thành viên liên hệ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện điều chỉnh, gia hạn giấy phép khai thác nước dưới đất theo hướng giảm lưu lượng khai thác nước dưới đất phù hợp với lưu lượng khai thác thực tế và lộ trình giảm khai thác nước dưới đất theo Quyết định số 1242/QĐ-UBND.

Mới đây, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã có báo cáo kết quả khảo sát liên quan đến tình trạng sụt lún và các giải pháp ứng phó với sụt lún tại TPHCM. Theo đó, TPHCM hiện đang tiếp tục sụt lún trung bình mỗi năm 2cm, thậm chí có nơi đến 6cm. Cá biệt một số khu vực, trong vòng 12 năm từ 2005 đến 2017 đã sụt lún 23cm, có nơi đến 81cm.

JICA khuyến cáo, sụt lún được coi là vấn đề nghiêm trọng hơn, cần phải xem xét các giải pháp ứng phó ngay để kiểm soát tình trạng sụt lún nền tại TPHCM. Các giải pháp ứng phó này cần được thực hiện trong thời gian dài và cần thực hiện chuyển giao công nghệ.

Theo JICA, một trong những kế hoạch hàng đầu là cần kiểm soát việc khai thác nước ngầm quá mức, được coi là một trong những nguyên nhân gây sụt lún nền.

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI