TPHCM đã chuẩn bị gì để ứng phó với biến chủng Omicron?

08/12/2021 - 11:15

PNO - Sáng nay, 8/12, kỳ họp lần thứ tư, HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 bước vào ngày làm việc thứ hai. Phiên làm việc buổi sáng dành toàn bộ thời gian để các đại biểu chất vấn các đơn vị sở, ngành những nội dung được cử tri thành phố quan tâm.

 

Tại kỳ họp, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn sắp tới, đặc biệt là giải pháp củng cố hệ thống y tế cơ sở.
Tại kỳ họp, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn sắp tới, đặc biệt là giải pháp củng cố hệ thống y tế cơ sở

Đại biểu Tăng Hữu Phong đặt vấn đề về nguồn nhân lực cụ thể cần bổ sung ở tuyến phường xã, phải “thêm bao nhiêu” để đảm bảo vừa phòng chống dịch cùng hàng chục chương trình mục tiêu quốc gia. Nguồn nhân lực này, TPHCM đã đủ chưa hay cần tuyển dụng thêm từ các tỉnh thành bạn?

Thượng tọa Thích Minh Thành hỏi về quyết sách lớn mang tính bao quát giúp củng cố, phát triển y tế cơ sở tại địa phương. Đồng thời quan tâm: “Ngành y tế hiện có tiên lượng gì về biến chủng Omicron và có chuẩn bị các phương án, phương tiện, nhân lực ra sao để ứng phó có hiệu qủa nếu đại dịch xảy đến 1 lần nữa?”.​

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng đã thông tin đến HĐND TPHCM tình hình phòng, chống dịch tại TPHCM. Từ ngày 1/10, TPHCM bỏ giãn cách, số ca mắc, ca nặng và tử vong giảm khá rõ so với giai đoạn bùng phát trước đó. Tuy nhiên, từ 20/10 tới nay, số ca mắc, ca nặng cũng như ca tử vong có dấu hiệu tăng dần.

TPHCM đang quản lý và chăm sóc 85.351 F0. Trong đó, 66.564 F0 đang điều trị tại nhà, 5.295 điều trị tại cơ sở phường, xã, thị trấn (tầng 1), chiếm 84,2%; tại tầng 2, có 11.692 F0 đang điều trị, chiếm 13,7%; ở tầng 3 (bệnh viện hồi sức cho các trường hợp nặng) có 1.800 ca, chiếm 2,1% (có hơn 400 trường hợp thở máy xâm lấn).

Thượng tọa Thích Minh Thành quan tâm đến biến chủng Omicron.
Thượng tọa Thích Minh Thành quan tâm đến biến chủng Omicron

Ông Tăng Chí Thượng đưa ra vài con số so sánh giữa 154.550 F0 khi bùng dịch dữ dội vào đầu tháng 9 với 85.000 F0 hiện nay; số F0 điều trị tại nhà thời điểm đó chiếm 58% khác biệt với số cách ly tại nhà hiện nay rất nhiều; ngày cao điểm nhất có 1.058 F0 rất nặng, phải thở máy, hiện nay TP còn 400 ca thở máy. Tuy nhiên, số ca mắc đang ở xu hướng tăng dần 3 tuần vừa qua. Cụ thể, ngày 12-18/11, TPHCM có 8.432 ca mắc mới; ngày 19-25/11 là 8.721 ca mới; ngày 26/11-2/12, có 9.301 ca mới.

Theo Giám đốc Sở Y tế TPHCM, điều này không bất ngờ khi TPHCM mở cửa trở lại với các hoạt động giao tiếp, tiếp xúc tăng. Hiện, cấp độ dịch của TPHCM vẫn ở cấp độ 2. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cũng cảnh báo TP vẫn đang ở giai đoạn dịch, vẫn kiểm soát được nhưng đáng lo ngại khi số ca mắc, ca nặng và tử vong tăng nhẹ. “Mỗi ngày, TPHCM vẫn ghi nhận số ca tử vong chứ chưa trở lại bình thường như trước đây”, ông Tăng Chí Thượng nói.

Về việc kiểm soát dịch trước diễn biến phức tạp, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết TP đã tăng cường hoạt động kiểm soát dịch tại từng địa bàn; xây dựng quy trình xử lý F0 thích ứng với tình hình mới, gồm kiểm soát tại cơ sở y tế, cơ sở sản xuất kinh doanh, tại cộng đồng và trường học. Đồng thời, tăng kiểm dịch y tế tại cửa khẩu hàng không, hàng hải, đặc biệt từ vùng xuất hiện biến chủng Omicron.

Sở Y tế cũng tăng cường quản lý F0 tại nhà với 382 trạm y tế lưu động hỗ trợ các địa phương; xây dựng và ban hành quy chế phối hợp trong quản lý F0 tại nhà quy định rõ ràng trách nhiệm từng bộ phận, cơ sở; phân bổ thuốc đặc trị cho F0 có triệu chứng, phối hợp với mạng lưới thầy thuốc đồng hành.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng trả lời chất vấn tại kỳ họp.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng trả lời chất vấn tại kỳ họp

Về công tác điều trị, Sở đã xây dựng kịch bản 7 tình huống tương ứng với số F0 tăng dần; duy trì bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 và dã chiến; lập thêm bệnh viện quận, huyện để bổ sung nguồn nhân lực; nâng cao năng lực bệnh viện tầng 2-3 và xây dựng mô hình 3 tầng trong một bệnh viện; phân luồng để chuyển tuyến dễ dàng, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân COVID-19.

Ông Tăng Chí Thượng cho biết, ở thời điểm hiện tại khi diễn ra phiên chất vấn, ngành y tế đang tổ chức hội nghị trực tiếp với cấp quận, huyện để triển khai chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ. Qua phân tích các ca tử vong, có thể thấy tập trung ở người cao tuổi (hơn 90% là trên 50 tuổi); có bệnh nền (tiểu đường, cao huyết áp, bệnh lý thận gan và điều trị ung thư…); người chưa tiêm vắc xin (52-54% hoàn toàn chưa tiêm vắc xin). Chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ tập trung vào 2 nhóm giải pháp:

Thứ nhất, giảm nguy cơ lây nhiễm cho nhóm này bằng cách tiêm vắc xin (tiêm đủ, tiêm bổ sung, tiêm nhắc); tăng cường 5K.

Thứ 2, phát hiện điều trị sớm và theo dõi từ xa với các giải pháp như đi từng ngõ, gõ từng nhà; cập nhật danh sách nhóm nguy cơ…

Về biến chủng mới Omicron, ông Tăng Chí Thượng cho biết, ngành y tế theo dõi rất sát và điều lo nhất là bệnh diễn tiến khó điều trị hơn và kháng vắc xin. Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình thế giới, chưa thấy diễn tiến xấu, số ca mắc nhiều nhưng chưa có dấu hiệu nặng hơn. Theo đánh giá của các chuyên gia, ít nhiều vẫn có tác động nhưng vắc xin hiện nay vẫn cho thấy tác dụng.

“TPHCM có kế hoạch giám sát chặt nhất là từ nước ngoài về, phối hợp với Viện Pasteur và Viện Nghiên cứu lâm sàng Oxford, xét nghiệm dương tính là phân tích gen ngay. Đến nay, Omicron vẫn chưa xuất hiện ở Việt Nam. Nhưng dự đoán sớm muộn gì cũng đến và TPHCM đã có phương án ứng phó. Đặc biệt là dành riêng bệnh viện dã chiến số 12 để điều trị, theo dõi chủng này với sự phối hợp chặt chẽ với Công an TP và Bộ Tư lệnh TPHCM”, ông Tăng Chí Thượng cho biết.

Tuyết Dân - Tam Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI