TPHCM đã chuẩn bị gì để đón nhận 5 triệu tỉ đồng bứt phá trong giai đoạn mới?

21/01/2025 - 21:24

PNO - Tham vọng đạt mức tăng trưởng kinh tế 2 con số đến năm 2030, TPHCM công bố kế hoạch đầu tư hạ tầng "khủng" với tổng vốn lên đến 5 triệu tỉ đồng. Đây được xem là bước đột phá mạnh mẽ, tạo đà cho sự phát triển vượt bậc của thành phố.

Phóng viên: Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh về việc đầu tư ít nhất 5 triệu tỉ đồng cho hạ tầng và khuyến khích TPHCM mạnh dạn đề xuất các dự án, chính sách đặc thù. Vậy thành phố đã có những kế hoạch gì, thưa ông?

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Theo quy hoạch, để đạt mức tăng trưởng 2 con số từ nay đến năm 2030, thành phố cần ít nhất 4,4 triệu tỉ đồng, trong đó đầu tư công chiếm 25% (khoảng 1,1 triệu tỉ đồng). Thành phố đã thông qua Hội đồng Nhân dân lần thứ nhất và sẽ tiếp tục điều chỉnh, thông qua lần thứ hai và thứ ba vào cuối năm 2025 để chốt phân bổ ngân sách đầu tư công khoảng 1,1 triệu tỉ đồng. 3,3 triệu tỉ đồng còn lại phải huy động từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Như Thủ tướng đã nói, cần ít nhất 5 triệu tỉ đồng để đầu tư cho hạ tầng giao thông, đô thị, công nghệ thông tin và khoa học công nghệ. Các dự án này đã được xác định trong danh mục kèm theo hồ sơ quy hoạch. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành hệ thống hạ tầng giao thông nội bộ và kết nối, trừ đường sắt đô thị (dự kiến hoàn thành năm 2035). Đây là khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi nguồn vốn khổng lồ.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là một dự án chiến lược
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là một dự án chiến lược

Bên cạnh hạ tầng giao thông, chúng tôi tập trung cải thiện hạ tầng đô thị và xã hội, giải quyết các vấn đề ngập nước, ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đặc biệt, hạ tầng khoa học công nghệ được chú trọng đầu tư, hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, đầu tư vào cáp quang, viễn thông, 5G và hạ tầng năng lượng phục vụ phát triển trung tâm dữ liệu.

Thành phố đã tính toán tương đối chi tiết. Đầu tư công chiếm khoảng 25%, phần còn lại huy động từ vốn ngoài ngân sách thông qua cơ chế chính sách. Chúng tôi sẽ dành nguồn lực đất đai, khuyến khích các dự án đầu tư lớn, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, giải quyết vướng mắc. Chúng tôi cũng sẽ phát huy Nghị quyết 98 và nghiên cứu thêm cơ chế chính sách để thu hút vốn đầu tư, ví dụ như cơ chế hợp vốn. Thành phố cũng tính toán phát hành trái phiếu chính quyền đô thị, trái phiếu công trình, trái phiếu dự án để huy động vốn từ người dân trong nước và kiều bào ở nước ngoài. Năm 2024, lượng kiều hối về Thành phố là 9,6 tỉ USD, đây là nguồn lực rất lớn.

Tôi tin rằng nguồn vốn không thiếu, vấn đề là cách chúng ta huy động và sử dụng nguồn vốn đó như thế nào. Để chuẩn bị cho việc này, thành phố không chỉ tìm kiếm nguồn tiền mà còn tập trung triển khai quy hoạch, hoàn thành quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, rà soát thủ tục về đất đai và đầu tư để cơ bản hoàn thành trong năm nay, tạo tiền đề cho các dự án triển khai trong những năm tiếp theo. Sự chuẩn bị này không chỉ là 5 triệu tỉ đồng mà còn là sự chuẩn bị sâu hơn về quy hoạch, hồ sơ, đội ngũ và tâm thế, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn sắp tới.

* Trước thời điểm công bố quy hoạch, đã có thông tin về việc một số tập đoàn lớn mong muốn đầu tư vào thành phố. Trong bối cảnh thu hút nguồn lực bên ngoài, thành phố đã tiếp nhận thông tin này như thế nào? Ông đánh giá ra sao về sự quan tâm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn, vốn được cho là rất khắt khe trong việc lựa chọn dự án?

- Đúng vậy, trước khi quy hoạch được công bố, chúng tôi đã nắm bắt được sự quan tâm của một số nhà đầu tư, trong đó có Vingroup. Thành phố đánh giá cao sự chủ động này. Chúng tôi hiểu rằng các nhà đầu tư lớn luôn có những tiêu chí khắt khe, việc họ quan tâm đến thành phố cho thấy tiềm năng và sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại đây.

Với tập đoàn Vingroup, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận quan trọng: nhà đầu tư sẽ chịu trách nhiệm về kinh phí nghiên cứu dự án, các cơ quan của thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tối đa trong quá trình nghiên cứu này. Chúng tôi cũng sẽ cập nhật các nghiên cứu này vào quy hoạch chuyên ngành và quy hoạch phân khu để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc triển khai dự án.

Một số tập đoàn lớn bày tỏ mong muốn đầu tư vào TPHCM
Một số tập đoàn lớn mong muốn đầu tư vào TPHCM - Ảnh: Minh An

Không chỉ riêng dự án này hay với tập đoàn Vingroup, mà với tất cả các nhà đầu tư và các dự án khác, chúng tôi đều áp dụng phương thức phối hợp chặt chẽ này. Trong thời gian tới, khi thành phố hoàn thiện và công bố quy hoạch chuyên ngành và quy hoạch phân khu, chúng tôi đặc biệt khuyến khích các nhà đầu tư tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các dự án lớn. Thành phố cam kết đồng hành, hỗ trợ tích cực trong quá trình nghiên cứu, đồng thời cải thiện thủ tục hành chính và môi trường đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư triển khai dự án.

Với cách tiếp cận này, tôi tin rằng nguồn lực đầu tư sẽ được thu hút mạnh mẽ vào các dự án, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của thành phố, giúp chúng ta đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số đã đề ra.

* Thưa ông, vậy vai trò của trung tâm tài chính đối với việc tạo động lực phát triển kinh tế là gì?

- Trung tâm tài chính đóng vai trò then chốt trong việc huy động nguồn lực. Sau chủ trương của Bộ Chính trị, thành phố đang khẩn trương triển khai nhiều hoạt động. Thứ nhất, chúng tôi phối hợp với Đà Nẵng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội thông qua nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù, nhằm thu hút các nhà đầu tư và thành phần kinh tế tham gia vào trung tâm tài chính. Đây chắc chắn sẽ là nguồn lực tài chính quan trọng cho nhu cầu đầu tư phát triển của thành phố.

Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch đầu tư hạ tầng đồng bộ, gồm hạ tầng giao thông kết nối, năng lượng, công nghệ thông tin và các hạ tầng thiết yếu khác. Chúng tôi cũng có kế hoạch chuyên đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, từ nhân lực cho cơ quan quản lý nhà nước, quản lý điều hành trung tâm tài chính, đến nhân lực phục vụ trực tiếp tại trung tâm. Các điều kiện khác như cơ chế giải quyết tranh chấp cũng được đặc biệt chú trọng, bởi mô hình, nguồn nhân lực và cách vận hành của trung tâm tài chính rất khác biệt so với các mô hình trọng tài hay tòa án truyền thống.

Nhìn chung, việc trung tâm tài chính đóng góp vào huy động vốn cho đầu tư phát triển không chỉ quan trọng với TPHCM mà còn cho cả nước. Tất nhiên, ở từng giai đoạn, sự hiện diện và tham gia của các tổ chức tài chính sẽ phụ thuộc vào tốc độ triển khai của chúng ta. Chúng tôi đánh giá đây là kênh dẫn vốn hết sức quan trọng cho nhu cầu vốn của thành phố và cả nước.

TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số trong năm 2025
TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số trong năm 2025 - Ảnh: Minh An

* Vừa qua, một dự án lớn của thành phố đã được thông qua. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về dự án này và tác động của nó đến kinh tế thành phố cũng như kế hoạch triển khai để đảm bảo không ảnh hưởng đến khu vực?

- Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là một dự án chiến lược. Về đóng góp cho kinh tế - xã hội của thành phố, vùng và cả nước, khi dự án hình thành cùng với Cái Mép, sẽ tạo thành một cụm cảng trung chuyển quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ cảng trung chuyển quốc tế và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chắc chắn dự án sẽ tác động lớn đến kinh tế - xã hội không chỉ của TPHCM mà còn của cả Việt Nam và khu vực.

Sau khi có chủ trương đầu tư, chúng tôi đang khẩn trương phối hợp với các bên liên quan để lựa chọn nhà đầu tư. Sau đó, nhà đầu tư sẽ trình dự án để các cơ quan thẩm định và phê duyệt. Chúng tôi đặt mục tiêu khởi công dự án vào ngày 2/9/2025 và triển khai giai đoạn một. Tôi tin rằng khi đi vào hoạt động, dự án sẽ không chỉ khẳng định vị thế của Việt Nam mà còn đóng góp tích cực vào xuất nhập khẩu, lan tỏa đến kinh tế - xã hội thành phố bằng cách tạo việc làm và đóng góp ngân sách.

Về vấn đề môi trường, chúng tôi đã xác định ngay từ giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi rằng công nghệ cảng phải là công nghệ xanh, thông minh, tiêu tốn ít nguồn lực nhất để giảm thiểu tác động đến môi trường. Về tác động đến khu dự trữ sinh quyển, chúng tôi đã lựa chọn vị trí ít tác động nhất. Một phần diện tích bìa rừng bị ảnh hưởng sẽ được trồng bù với diện tích gấp ba lần (270ha so với khoảng 90ha bị ảnh hưởng). Thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu và theo dõi để quá trình triển khai dự án gây tác động tiêu cực ít nhất đến khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ và môi trường. Chúng tôi thực hiện phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tăng trưởng nhưng không đánh đổi môi trường. Chúng tôi hiểu dự án ít nhiều sẽ có tác động, nhưng bằng công nghệ xanh, thông minh, giám sát và kiểm soát, chúng tôi sẽ hạn chế tác động tiêu cực đến mức thấp nhất.

* Xin cảm ơn ông!

Thanh Hoa - Nguyễn Quang - Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI