TPHCM: Công tác cấp giấy phép xây dựng gặp nhiều khó khăn

13/10/2023 - 12:46

PNO - Theo Sở Xây dựng TPHCM, công tác cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn còn một số vướng mắc cần Bộ Xây dựng hướng dẫn tháo gỡ.

Báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2023, toàn TPHCM cấp 18.248 giấy phép xây dựng (so với cùng kỳ năm trước, giảm 6.895 giấy phép xây dựng, tỉ lệ giảm 27%), với tổng diện tích sàn xây dựng là 4.350.004,09m2.

Trong đó, Sở Xây dựng cấp 58 giấy phép xây dựng với tổng diện tích sản xây dựng là 720.670,90m2 (so với cùng kỳ năm trước giảm 5 giấy phép xây dựng, tỉ lệ giảm 8%).

Hiện công tác cấp giấy phép xây dựng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Điều 1 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP quy định về trường hợp phải lập quy hoạch tổng mặt bằng.

n
Nhiều vướng mắc trong công tác cấp giấy phép xây dựng tại TPHCM

Theo quy định tại Điều 91 Luật Xây dựng (có sửa đổi, bổ sung tại Điều 39 Luật Kiến trúc; khoản 31 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14), đối với khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng, thiết kế đô thị, thì quy chế quản lý kiến trúc là cơ sở để cấp giấy phép xây dựng. 

Theo quy định tại Điều 32 Luật Quy hoạch đô thị, khu vực đô thị đã cơ bản ổn định thì thiết kế đô thị riêng là cơ sở cấp giấy phép xây dựng. 

Ngày 28/12/2021, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 56/2021/QĐ- UBND kèm quy chế quản lý kiến trúc TPHCM; bên cạnh đó nhiều khu vực, tuyến phố tại TPHCM đã được lập thiết kế đô thị.

Tuy nhiên, thực trạng đô thị TPHCM tồn tại nhiều dạng nhà liên kế trong khu vực, tuyến phố đã ổn định về hạ tầng kỹ thuật; đồng thời, UBND TPHCM cũng đã ban hành quy chế Quản lý kiến trúc chung và 1 số khu vực đã có thiết kế đô thị riêng đáp ứng điều kiện cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại Luật Xây dựng, kiến nghị không áp dụng lập, phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng.

Cụ thể, đối với những lô đất nhỏ hơn 500m2 nằm xen cài trong nhà liên kế thuộc khu vực, tuyến phố đã ổn định về hạ tầng kỹ thuật thì được áp dụng quy chế quản lý kiến trúc để cấp giấy phép xây dựng. Đối với khu vực đã có thiết kế đô thị riêng, đã xác định chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc cụ thể đến từng lô đất sẽ là căn cứ để cấp giấy phép xây dựng. 

Về trường hợp tổ chức, doanh nghiệp sau khi nhận chuyển nhượng nhà ở riêng lẻ và có nhu cầu sửa chữa, cải tạo, xây dựng mới công trình. Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Nhà ở, nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Nhưng thực tế nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng, mua bán nhà ở riêng lẻ và sau đó có nhu cầu sửa chữa cải tạo hoặc xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ kết hợp mục đích dân dụng khác. 

Tuy nhiên, khi triển khai xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ kết hợp mục đích dân dụng khác, do là doanh nghiệp nên khi đầu tư xây dựng dự án công trình có “chức năng ở” thì phải thực hiện theo hình thức phát triển nhà ở theo dự án trong khi xây dựng công trình có chức năng văn phòng thương mại dịch vụ thì cũng không phù hợp quy hoạch xây dựng đất nhóm nhà ở. Do đó tổ chức, doanh nghiệp không triển khai sửa chữa, cải tạo hoặc xây dựng mới công trình được. 

Trước thực trạng trên, Sở Xây dựng TPHCM kiến nghị Bộ Xây dựng có nội dung hướng dẫn với các trường hợp nêu trên. 

Ngoài ra, hiện Sở cũng đã trình UBND TPHCM tờ trình và dự thảo quyết định ban hành quy định về phân cấp, ủy quyền cấp phép xây dựng; quy mô công trình xây dưng và thời hạn tồn tại của công trình được cấp phép xây dựng có thời hạn trên địa bàn.

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI