TPHCM công bố Nghị quyết thành lập TP. Thủ Đức

31/12/2020 - 11:47

PNO - Sáng nay, ngày 31/12, Thành ủy - HĐND - UBND TPHCM tổ chức Lễ công bố Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP. Thủ Đức.

Lễ công bố được tổ chức và truyền hình trực tiếp tại điểm cầu trụ sở UBND Q.2. Tại Nhà Thiếu nhi Q.Thủ Đức và Nhà thiếu nhi Q.9 cũng đồng thời tổ chức để người dân theo dõi trực tiếp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM cho lãnh đạo TPHCM
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (thứ ba từ trái qua) trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP. Thủ Đức - thuộc TPHCM cho lãnh đạo TPHCM.

Tại Lễ công bố, ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, theo dõi và chỉ đạo Đảng bộ thành phố, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM - cho biết, TPHCM trong suốt quá trình phát triển 45 năm sau ngày 30/4/1975 đã luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, sự chia sẻ, hợp tác của các tỉnh, thành phố và cả nước.

Theo ông Nhân, TPHCM là địa phương có năng suất lao động cao nhất, bằng 2,6 lần năng suất lao động bình quân của cả nước; luôn là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất, chiếm 27% tổng thu ngân sách quốc gia. Thành phố đồng thời là trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất, chiếm tỷ trọng 15% công nghiệp và 33% dịch vụ cả nước.

Ông Nhân nhấn mạnh, bên cạnh các thành tựu phát triển thì một vấn đề cơ bản đang đặt ra với phát triển kinh tế của thành phố 10 năm qua là tính vượt trội của tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố so với cả nước đã giảm mạnh. Bình quân giai đoạn 2001 - 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố cao hơn cả nước 1,65 lần, song năm 2011 chỉ còn 1,17 lần.

Do đó, phương hướng phát triển TPHCM đến năm 2020 đặt ra nhiệm vụ: tốc độ tăng trưởng sản phẩm nội địa bình quân giai đoạn 2011 - 2020 cao hơn 1,5 lần so với bình quân cả nước. Tuy nhiên, thực tế tăng trưởng kinh tế bình quân thành phố 2011 - 2019 chỉ cao hơn mức bình quân cả nước 1,2 lần.

“Điều này đặt ra 2 nhiệm vụ cho phát triển lâu dài của thành phố: hoàn thiện cơ chế tài chính - ngân sách của thành phố và tạo động lực mới cho tăng trưởng dựa trên thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0. Động lực mới này phải được hình thành trên cơ sở: tạo tương tác có hiệu quả cao giữa các yếu tố nền tảng của cách mạng công nghiệp 4.0 và xác định địa bàn nào cho phép có sự tương tác đó hiệu quả cao nhất” - ông Nhân nói.

Tại Nhà thiếu nhi Q.9, Lễ công bố được nhiều người dân, theo dõi trực tiếp
Nhiều người dân theo dõi trực tiếp Lễ công bố tại Nhà thiếu nhi Q.9

Theo ông Nhân, qua quá trình phát triển hơn 20 năm, quận 2, 9 và Thủ Đức đã tạo nên các hạ tầng kỹ thuật và xã hội quan trọng cho phát triển kinh tế thời kỳ 4.0, nhưng lại nằm rời rạc ở 3 quận, không có quy hoạch thống nhất, chính sách thống nhất... Trên cơ sở nhận ra các tiềm năng này ở ba quận, thành phố nhận thấy có nhu cầu cần phải sáp nhập thành một đơn vị hành chính mới có một quy hoạch thống nhất, một hệ thống chính sách thống nhất, một chính quyền quản lý thống nhất.

“Đó là lý do phải thành lập TP. Thủ Đức - một thành phố kinh tế tri thức, một động lực đột phá phát triển kinh tế của thành phố” - ông Nhân khẳng định và cho biết, trong khoảng 10 năm tới, TP. Thủ Đức có thể tạo ra giá trị gia tăng bằng 1/3 của TPHCM, khoảng 7% GDP của Việt Nam, là nền kinh tế lớn thứ 3 sau TPHCM và Hà Nội.

Nghị quyết 1111 là sự đột phá về thể chế phát triển thành phố trong 45 năm qua, mở ra cơ hội tăng năng suất lao động, tăng tốc phát triển và đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế của TPHCM.

Ông Nguuyễn Thiện Nhân phát biểu tại Lễ công bố
Ông Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Lễ công bố

“Vạn sự khởi đầu nan. Thành phố mới, gian nan, thách thức mới và cơ hội mới. TP Thủ Đức ra đời là cơ hội cho các lớp cán bộ, các nhà khoa học, doanh nhân và thanh niên khẳng định, trưởng thành và cống hiến, xây dựng nên một thành phố hiện đại, thành phố văn hóa, thành phố hội nhập, đáng sống vào bậc nhất Việt Nam” - ông Nhân nhận định.

Kể từ ngày 1/1/2021, Nghị quyết 1111 có hiệu lực thi hành, TPHCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 16 quận, 5 huyện và 1 thành phố; 312 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 58 xã, 249 phường và 5 thị trấn.      

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI